Vĩnh Phúc: cầu Vĩnh Phú đảm bảo an toàn sau sự cố tàu thuyền va chạm

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc vừa công bố kết quả giám định cầu Vĩnh Phú đảm bảo an toàn khai thác. Các phương tiện giao thông đã lưu thông bình thường sau khi sự cố nhiều tàu thuyền, sà lan trôi tự do va vào cầu được giải quyết.

Vinh Phuc: cau Vinh Phu dam bao an toan sau su co tau thuyen va cham - Hinh anh 1
Sự cố tàu thuyền, sà lan trôi tự do và va chạm nhau mắc kẹt tại trụ cầu Vĩnh Phú sáng 10/9. Ảnh Sỹ Hào.

Thẩm quyền khắc phục sự cố thuộc trách nhiệm UBND cấp tỉnh

Rạng sáng 10/9, nhiều phương tiện đường thủy gồm: ụ nổi sửa chữa tàu, các tàu trọng tải lớn, sà lan bị đứt neo do bão lũ đã trôi tự do trên sông Lô, va chạm nhau và mắc kẹt tại trụ cầu Vĩnh Phú phía tỉnh Phú Thọ.

Theo báo cáo của Sở GTVT Vĩnh Phúc, có 1 ụ nổi sửa chữa tàu và 5 tàu trọng tải lớn va chạm, mắc kẹt tại trụ cầu Vĩnh Phú phía tỉnh Phú Thọ do nước sông dâng cao không đảm bảo tĩnh không thông thuyền và có nguy cơ các tàu, thuyền tiếp tục va chạm vào cầu Vĩnh Phú.

Bộ GTVT đã gửi văn bản cho Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc về việc xử lý sự cố trên.

Vinh Phuc: cau Vinh Phu dam bao an toan sau su co tau thuyen va cham - Hinh anh 2
Lực lượng chức năng tại hiện trường vụ nhiều phương tiện đường thủy mắc kẹt ở cầu Vĩnh Phú. Ảnh: Sỹ Hào.

Theo quy định tại Điều 45, Điều 46 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ, việc xử lý sự cố công trình (bao gồm công tác giám định chất lượng công trình) thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Do đó, Bộ GTVT đề nghị Sở GTVT Vĩnh Phúc báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc để thực hiện các nội dung liên quan đến việc giải quyết sự cố, giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng, tuân thủ theo quy định.

Được biết, dự án cầu Vĩnh Phú trên sông Lô kết nối tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ do UBND tỉnh Vĩnh Phúc là cấp quyết định đầu tư và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư. Công trình được đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 8/2023.

Cầu Vĩnh Phú vẫn đảm bảo an toàn khai thác sau sự cố

Sáng 18/9, trao đổi với PV Báo Kinh tế và Đô thị, lãnh đạo Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Sở GTVT Vĩnh Phúc đã công bố kết quả giám định cầu Vĩnh Phú đảm bảo an toàn khai thác, các phương tiện giao thông có thể lưu thông bình thường.

Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sự cố các phương tiện đường thủy va chạm và mắc kẹt tại cầu Vĩnh Phú xảy ra vào sáng 10/9 đã được các cơ quan chức năng 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ nhanh chóng vào cuộc triển khai các biện pháp giải quyết.

Vinh Phuc: cau Vinh Phu dam bao an toan sau su co tau thuyen va cham - Hinh anh 3
Lãnh đạo 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ tại hiện trường chỉ đạo giải quyết sự cố ở cầu Vĩnh Phú ngày 10/9. Ảnh: Sỹ Hào. 

Đến chiều 10/9, các tàu và sà lan mắc kẹt tại cầu Vĩnh Phú đã được giải tỏa. Lực lượng chức năng cũng dỡ bỏ phong tỏa, cho phép xe con và xe máy qua cầu, chỉ hạn chế xe tải trọng lớn trong thời gian chờ cơ quan chuyên môn là Trung tâm Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải thuộc Đại học Giao thông Vận tải tiến hành kiểm tra đánh giá an toàn.

Ngày 13/9, Trung tâm Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải thuộc Đại học Giao thông Vận tải đã có báo cáo kết quả kiểm tra đánh giá an toàn trong quá trình khai thác sử dụng cầu Vĩnh Phú.

Báo cáo cho biết, tại vị trí nhịp biên của dầm hộp extradosed nơi xảy ra va chạm với sà lan xuất hiện một vết sứt bê tông mặt ngoài tại mép sườn dầm và đáy dầm. Xung quanh vị trí này và đáy dầm xuất hiện một vài vết xước nhỏ không đáng kể.

Khe co giãn tiếp giáp giữa nhịp biên của dầm cầu chính extradosed và nhịp biên vẫn ngay ngắn, 2 đầu răng cưa (răng lược) 2 bên vẫn đan xen đều nhau, chứng tỏ không có dấu hiệu của sự xô lệch giữa nhịp chính và nhịp biên.

Vinh Phuc: cau Vinh Phu dam bao an toan sau su co tau thuyen va cham - Hinh anh 4
Ảnh chụp một nội dung kết luận của cơ quan chuyên môn trong kiểm tra, giám định chất lượng cầu Vĩnh Phú sau sự cố xảy ra hôm 10/9. Ảnh: Sỹ Hào. 

Kết cấu trụ cầu chính T3 có một số vết xước trên bề mặt bê tông mép thận trụ và bề mặt bên của trụ; kết cấu trụ biên T2 tại nhịp dẫn và nhịp biên extradosed không có dấu hiệu bị ảnh hưởng.

Tiến hành đo dao động toàn bộ dây cáp văng tại 2 trụ chính T3 và T4 (tổng cộng 72 dây), cơ quan chuyên môn xác định tần số dao động các dây cáp đều có dấu hiệu giảm - mức dao động tối đa 2,97% so với dữ liệu đo ở trạng thái “0” (ở thời điểm tháng 8/2023 khi cầu chưa đưa vào hai thác).

Kết quả đo tần số cho thấy tần số dao động của các dây có giảm nhưng không đáng kể, mặt khác tần số đều giảm ở các dây và không có dấu hiệu giảm bất thường của bất kỳ dây nào.

Tiến hành đo dao động dầm chính extradosed - nhịp N3, N4, kết quả tần số dao động theo các phương của kết cấu nhịp N3 và N4 không sai khác nhiều so với kết quả đo ở thời điểm trạng thái “0” - trạng thái trước khi đưa vào khai thác.

Căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá an toàn cầu Vĩnh Phú sau khi xảy ra sự cố, cơ quan chuyên môn kết luận không nhận thấy dấu hiệu bất thường nào về việc kết cấu nhịp chính (cầu extradosed) bị xô lệch so với kết cấu nhịp cầu dẫn.

Kết quả đo tần số dao động các dây cáp đều có dấu hiệu giảm so với tần số dây đo được ở trạng thái “0” (tháng 8/2023 khi cầu chưa đưa vào khai thác). Tần số dao động của các dây cáp văng có giảm nhưng không đáng kể, tần số đều giảm ở các dây và không có dấu hiệu giảm bất thường của bất kỳ dây nào.

Như vậy, căn cứ kết quả kiểm tra, giám định cơ quan chuyên môn kết luận cầu Vĩnh Phú đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật, an toàn để các phương tiện lưu thông bình thường.

Sỹ Hào

Tin liên quan