ACV chỉ đảm bảo được 1/3 số vốn
Phát biểu thảo luận, Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) đánh giá cao chủ trương của Chính phủ không mời thầu quốc tế đối với dự án sân bay quốc tế Long Thành để đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước.
Trao đổi về đề xuất giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư 3 trong 4 các hạng mục đầu tư chính với lý do ACV là đơn vị có lợi thế về kinh nghiệm đầu tư và quản lý cảng hàng không. ACV cũng có khả năng chủ động về nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, nên việc vay vốn của các tổ chức tài chính quốc tế không cần bảo lãnh của Nhà nước. Nếu như giao trực tiếp cho ACV thì không qua đấu thầu, sẽ tiết kiệm được khoảng 1,5 năm để triển khai sớm dự án.
|
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) |
Tuy vậy, nếu như đứng trên góc nhìn tổng thể toàn bộ quá trình triển khai dự án, đại biểu cho rằng, thứ nhất, mặc dù chỉ định cho ACV sẽ tiết kiệm được khoảng 1,5 năm đấu thầu trong giai đoạn chọn nhà đầu tư, tuy nhiên, trong toàn bộ quá trình đầu tư chưa chắc đã rút ngắn thời gian nếu đó là chủ đầu tư tư nhân, vì bản thân ACV là một doanh nghiệp cổ phần nhưng nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Về nguyên tắc, bất kể một hạng mục công trình nào, sau này quá trình triển khai đều phải triển khai đấu thầu với tổng mức đầu tư cả dự án là 330.000 tỷ, giai đoạn 1 là 110.000 tỷ, sẽ có rất nhiều gói thầu phải triển khai đấu thầu trong giai đoạn thực hiện.
Trong khi đó, nếu như giai đoạn thực hiện này, nhà đầu tư tư nhân sẽ không phải mất thời gian trong quá trình triển khai thực hiện đấu thầu cho những điểm các gói thầu nhỏ. Một trong lý do hiện nay là giải ngân vốn đầu tư công chậm, vì mất nhiều thời gian cho việc thực hiện chuẩn bị những gói thầu nhỏ trong quá trình triển khai dự án.
Tư nhân có thể xây dựng sân bay Vân Đồn chỉ mất 2 năm nhờ không phải thực hiện các thủ tục hành chính về đấu thầu như đầu tư công.
Thứ hai, cũng chưa thể khẳng định chỉ có ACV mới có kinh nghiệm trong việc đầu tư cảng hàng không và các doanh nghiệp tư nhân khác không có khả năng đầu tư về hàng không.
ACV là một trong các doanh nghiệp đang có kinh nghiệm và lợi thế nhiều nhất trong số các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, có rất nhiều dự án và tư nhân đã được đầu tư chưa có kinh nghiệm vẫn thành công.
Điển hình như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là một minh chứng cho thấy tư nhân đều có thể đầu tư cảng hàng không và đã hoàn thành trong một thời gian thần tốc, chất lượng không còn nghi ngờ gì khi Vân Đồn vừa được bình chọn là 1 trong số 6 sân bay đưa vào trong năm 2019 khai thác sân bay tốt nhất ở khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương.
Thứ ba là giao cho ACV cũng chưa chắc đã phải là phương án huy động vốn tốt nhất, vì ACV cũng chỉ đảm bảo được 1/3 số vốn, còn 2/3 số vốn vẫn phải đi huy động của các tổ chức tài chính quốc tế.
“Mặc dù nhà nước không phải đứng ra bảo lãnh nhưng thủ tục để tiến hành huy động vốn của một doanh nghiệp nhà nước sẽ phức tạp hơn rất nhiều, phải tuân thủ những quy định, hơn nữa nếu xảy ra rủi ro cuối cùng nhà nước vẫn phải gánh chịu bởi vì đây là một doanh nghiệp nhà nước”, Đại biểu phân tích.
Trong khi đó, nhiều tập đoàn tư nhân có tiềm lực tiền vốn rất lớn và khả năng huy động vốn rất linh hoạt và năng động, luôn luôn sẵn sàng tham gia đầu tư, điều này được minh chứng thông qua dự án đường cao tốc Bắc - Nam, khi Chính phủ quyết định không mời thầu quốc tế cho đến nay đã có hơn 70 nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào dự án này, điều này thể hiện khả năng sẵn sàng và sức mạnh của các nhà đầu tư trong nước là rất lớn.
“Thêm vào đó chúng ta cũng cần phải rút kinh nghiệm từ 12 đại dự án thua lỗ khi chúng ta giao cho các doanh nghiệp nhà nước đầu tư dự án có tính chất kinh doanh, chúng ta có e ngại rằng nếu chúng ta tiếp tục lại thực hiện cơ chế đó liệu lịch sử có lặp lại hay không?”, đại biểu Hoàng Văn Cường đặt vấn đề.
Với những băn khoăn như trên đại biểu đề xuất, Nhà nước cần thuê đơn vị tư vấn tốt nhất để thiết kế và thẩm định dự án này thật sự chi tiết, từ phương án thiết kế đến tổng mức đầu tư cho cả dự án, từng hạng mục dự án cũng như cơ chế vận hành dự án.
“Đây chính là đầu bài để chúng ta kêu gọi những nhà đầu tư quan tâm sẽ đầu tư vào và đồng thời cũng là cơ sở để sau này chúng ta giám sát xem những nhà đầu tư có thực hiện theo đúng chủ trương cũng như mục tiêu chúng ta xây dựng nên một sân bay hiện đại hay không”.
Vấn đề thứ hai, Chính phủ nên kêu gọi các tập đoàn tư nhân có năng lực, có mong muốn, nguyện vọng quan tâm đầu tư các hạng mục vào dự án cùng ngồi lại với nhau và trong đó lấy ACV là hạt nhân để liên kết những nhà đầu tư này để hình thành một tập đoàn đầu tư theo dạng một tổ hợp đầu tư như mô hình concession mà trên thế giới hiện nay phát triển khá phổ biến.
|
Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành |
Với mô hình tổ hợp như thế sẽ khai thác được sức mạnh của các tập đoàn tư nhân, đồng thời cũng phát huy được vị thế người trụ cột là ACV trong việc quản lý, điều hành của hệ thống này.
Đại biểu phân tích thêm, không nên quá e ngại việc làm công việc đó sẽ mất thời gian cho quá trình chuẩn bị đầu tư.
Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, trước khi triển khai đầu tư người ta chuẩn bị dự án và chọn những đối tác đầu tư rất kỹ, sau này khi triển khai đã không gặp phải những vấn đề vướng mắc.
“Chúng ta cũng đừng e ngại rằng nếu làm như thế thì những doanh nghiệp tư nhân sẽ được nhận những phần hạng mục có lợi, còn Nhà nước phải nhận những hạng mục khó khăn, không có lợi ích. Đây chính là mô hình của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước chỉ làm những khâu buộc Nhà nước phải thực hiện hoặc những khâu không hiệu quả tư nhân không làm, còn lại những khâu khác tư nhân có thể làm được hãy giao cho tư nhân và tư nhân sẽ phát triển, đóng góp lại cho xã hội và nộp thuế cho nhà nước”, đại biểu bày tỏ.
Tránh lợi nhuận về tay các tư nhân, lỗ nhà nước gánh
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ tán thành ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường cũng như một số đại biểu khác với trách nhiệm cao và mức độ thận trọng cần thiết trong việc triển khai thực hiện chủ trương này.
“Tôi hết sức tán thành chủ trương giao cho các nhà đầu tư trong nước, nhưng về vốn thì chắc chắn sẽ phải sử dụng cả hai nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư công, bao gồm vốn tự có, vốn ngân sách, vốn vay trong nước và nước ngoài. Chúng ta cần có một chủ trương, chính sách cụ thể, thông minh và chặt chẽ về huy động và quản lý các nguồn vốn đối với dự án này”, Đại biểu bày tỏ.
Theo đại biểu, có những hạng mục có thể phải lỗ và có những hạng mục lời, cho nên làm thế nào cho hài hòa. “Thu hút không khéo thì toàn bộ lợi nhuận về tay các tư nhân hết và lỗ thì nhà nước gánh”.
|
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa |
Nếu có chủ trương hợp lý, minh bạch, tạo được niềm tin thì hoàn toàn có thể huy động vốn nhàn rỗi rất lớn của người dân ở trong nước và hải ngoại.
Theo đại biểu, "Khó vạn lần dân liệu cũng xong" là bài học lớn của nước ta trong mọi thời kỳ lịch sử. Có một số nguyên tắc nhất thiết phải bảo đảm là pháp luật nghiêm minh, không tham nhũng, lãng phí, không bị lợi ích nhóm và lợi ích sân sau chi phối.
Nguyên tắc thứ hai là chất lượng cao và trình độ công nghiệp đuổi kịp đón đầu thế giới. Các dự án này 30 năm sau công nghệ phát triển và phải có hiệu quả đầu tư cao, vì đây là sân bay trung chuyển của khu vực, phải cạnh tranh rất mạnh với các sân bay khác trong khu vực nếu không sẽ lỗ nặng.
“Cần khuyến khích cạnh tranh lành mạnh bên cạnh vấn đề thực hiện nhanh và nếu ACV đủ lực thì cũng không ngại cạnh tranh lành mạnh. Việc khuyến khích các nhà đầu tư trong nước không loại trừ những thứ phải thuê, phải mua nước ngoài, kể cả sử dụng công nghệ, lực lượng thi công và tư vấn giám sát của nước ngoài”, đại biểu nói.
ACV khai thác bao nhiêu năm bàn giao lại cho nhà nước?
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh, đây là dự án quan trọng và đặc biệt cấp quốc gia do Thủ tướng cấp quyết định đầu tư, tổng mức đầu tư theo kiến nghị là 111.689,6 tỷ đồng, tương đương 4 tỷ 779,2 triệu USD. Thời gian thực hiện là 5 năm từ năm 2020 - 2025. Theo đề xuất của Công ty ACV có bốn hạng mục.
Hạng mục thứ nhất, các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước ACV đầu tư và sau đó các cơ quan nhà nước thuê lại.
Hạng mục thứ hai, các công trình phục vụ quản lý bay, Tổng công ty Quản lý bay, VATM đầu tư.
Hạng mục thứ ba, các công trình thiết yếu của cảng hàng không, ACV đầu tư và khai thác cảng. Có nghĩa là vốn ACB và sau đó ACV sẽ khai thác.
Hạng mục thứ tư, các công trình dịch vụ có hạng mục 4a khai thác cảng do ACV hợp tác đầu tư hoặc chuyển quyền đầu tư. Các công trình này đã được tính trong mức đầu tư dự án. Hạng mục 4b xăng dầu, logicstic, v.v. dự kiến xã hội hóa, các công trình này không tính trong mức đầu tư dự án.
Như vậy, tổng mức đầu tư dự án không phải là 111.689,6 tỷ VNĐ mà còn phải cộng với mức đầu tư của hạng mục 4b, vì bản thân ACV cũng đã xã hội hóa, là công ty cổ phần.
“Bây giờ phần 4b xã hội hóa lại không đưa vào tổng mức đầu tư, tôi thấy không hợp lý, cho nên tôi đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét”, đại biểu đề nghị.
Cũng theo đại biểu, ACV là một công ty dù là vốn nhà nước chủ yếu nhưng pháp nhân vẫn là một chủ thể kinh doanh. Vậy, ACV ký với Chính phủ bao nhiêu năm thì bàn giao lại cho nhà nước? Điều này trong dự án phải nêu, tức là sau khi thu hồi vốn, có lãi rồi thì phải bàn giao cho nhà nước.
“Cho nên, tôi thấy mức đầu tư sẽ là chưa rõ, ngay cả Hội đồng thẩm định nhà nước cũng chỉ xem xét nội dung chính và phải chờ ý kiến cuối cùng của tư vấn thẩm tra dự án mới có ý kiến chính xác được. Tôi cho đây là một ý kiến nghiêm túc và có trách nhiệm Hội đồng tư vấn cho nhà nước”, Đại biểu Nguyễn Văn Thân nêu.
ACV có đủ năng lực làm sân bay Long Thành?
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tiếp thu và giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Theo đó, về năng lực của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Bộ trưởng cho hay, hiện nay ACV đã có khoảng 25.000 tỷ đồng tập trung cho sân bay quốc tế Long Thành. Hiện nay, tình hình tài chính của ACV tương đối tốt, mặc dù quản lý 21 sân bay, chỉ có 8 sân bay có lãi nhưng sau khi trừ chi phí nộp thuế ACV có lợi nhuận mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng.
|
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tiếp thu và giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. |
Bộ cùng với Ủy ban Quản lý vốn đã báo cáo với Chính phủ, kế hoạch từ đây cho đến năm 2025 ACV sẽ bỏ ra khoảng gần 30.000 tỷ đồng để nâng cấp các sân bay khác và dành khoảng 12.000 tỷ đồng cùng với 25.000 tỷ đồng để có được một nguồn vốn chiếm khoảng 37%.
Phần còn lại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức này sẵn sàng cho ACV vay khoảng 5 tỷ USD không thế chấp. Lý do, vì hiệu quả kinh tế của dự án này rất cao, do đó các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy yên tâm cho việc hỗ trợ.
“Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chúng tôi cũng sẽ tham mưu với Chính phủ, cố gắng huy động các nguồn lực trong nước sau đó mới tiếp cận thêm các tổ chức nước ngoài để làm sao hiệu quả xã hội cho đất nước tốt nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bày tỏ.
Cũng theo Bộ trưởng Giao thông vận tải, dự án sân bay Long Thành hiện áp dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ xem xét, trong quá trình thực hiện nếu phát sinh thêm những công nghệ mới tốt hơn sẽ báo cáo Chính phủ để cập nhật.
“Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, cố gắng nhanh nhất có được nhà đầu tư để có thể khởi công được trong năm 2021”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) băn khoăn: “Tờ trình cũng như trong hồ sơ dự án nói rằng “ACV có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp thiếu hụt dòng tiền”. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì chỉ có 8/21 cảng hàng không nội địa có thu đủ chi và có lãi, đồng nghĩa với việc 13/21 cảng hàng không còn lại vẫn phải bù lỗ và chưa thể đóng góp nguồn vốn cho ACV trong tương lai gần”