Triển lãm ô tô Thượng Hải thu hút sự quan tâm của nhiều thương hiệu. Ảnh: Shanghai Auto
Với hơn 70 thương hiệu tham dự và 100 mẫu xe điện ra mắt, triển lãm năm nay mang tính cạnh tranh cao. Nhưng điểm đáng chú ý không nằm ở mẫu xe nào nổi bật hơn, mà ở cách các hãng điều chỉnh thông điệp, thay đổi ngôn ngữ mô tả công nghệ và yếu tố an toàn.
Sau vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến hệ thống hỗ trợ lái trên một mẫu sedan điện vào tháng 3, nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu các hãng không được dùng những thuật ngữ như “tự hành” hay “thông minh” khi chưa có chứng nhận rõ ràng. Đồng thời, mọi bản cập nhật phần mềm điều khiển xe qua mạng đều phải được phê duyệt. Đây là lần đầu tiên các rào cản kỹ thuật – pháp lý tác động sâu đến chiến lược phát triển sản phẩm.
Trước thay đổi đó, nhiều hãng xe đã chủ động chuyển hướng. Họ không từ bỏ công nghệ hỗ trợ lái, nhưng tránh đưa ra tuyên bố vượt quá khả năng thật. Các hệ thống hỗ trợ tiếp tục được cải tiến, nhưng luôn kèm theo khuyến nghị rõ ràng rằng người lái phải chủ động giữ quyền kiểm soát.
Thay vì nhấn vào “tự động hóa”, các hãng giờ đây tập trung nâng cấp năng lực xử lý dữ liệu, thuật toán cảm biến và cơ chế phản ứng thời gian thực trong môi trường đô thị phức tạp. Các hệ thống lái hỗ trợ giờ không còn là “điểm nhấn quảng bá”, mà trở thành tiêu chuẩn cạnh tranh kỹ thuật.
Ở một mặt khác, Trung Quốc cũng đang siết lại các tiêu chuẩn an toàn pin điện và hạn chế tối đa các rủi ro từ cập nhật phần mềm không kiểm soát, cho thấy xu hướng kiểm soát công nghệ đang được người tiêu dùng quan tâm hơn.
Dù vậy, thị trường vẫn tăng trưởng mạnh. Xe điện và hybrid hiện chiếm hơn 50% tổng doanh số xe mới tại Trung Quốc, đưa nước này vượt xa mục tiêu đặt ra cho năm 2030. Điều đó cho thấy một thực tế: kiểm soát chặt không đồng nghĩa với tăng trưởng chậm, nếu biết cách biến thách thức chính sách thành áp lực đổi mới kỹ thuật.
Hoàng Nam