Xử phạt hàng chục đơn vị đào hè, đường ẩu gây mất an toàn giao thông

VŨ KHOA
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trong khoảng thời gian cuối năm, công tác cải tạo, chỉnh trang các tuyến đường giao thông phục vụ người dân đang được đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng khi Tết đến. Tuy nhiên, tình trạng nhiều nhà thầu lơ là, không thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo ATGT lại diễn ra nhan nhản gây ra không ít bức xúc.

Nhan nhản vi phạm

Theo Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, chỉ trong khoảng 1 tháng cuối năm (29/11 - 31/12/2021), lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 36 trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm về thi công công trình, đào hè, đường không đúng quy định. Tổng số tiền phạt hơn 228 triệu đồng.

Các lỗi vi phạm chủ yếu như không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong; Đào hè phố trái phép; Thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không thực hiện theo đúng các quy định trong giấy phép thi công của cơ quan có thẩm quyền; Để phương tiện thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông; Thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không có giấy phép thi công theo quy định; xẻ đường trái phép..

Xu phat hang chuc don vi dao he, duong au gay mat an toan giao thong - Hinh anh 1
 Đào đường nhưng không hoàn trả hiện trạng.

Theo đó, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết thời gian gần đây, các đơn vị như Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông - Sở GTVT Hà Nội, Công ty CP công trình giao thông Hà Nội và các đơn vị quản lý đường nhiều lần phản ánh về việc thi công đào hè, đường, hoàn trả mặt đường không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật gây mất ATGT và mỹ quan đô thị trên địa bàn quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông, Mê Linh, Thạch Thất, Ứng Hòa.

Vì vậy, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu Thanh tra Sở tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác đảm bảo ATGT trong quá trình thi công công trình đào vỉa hè, lòng đường và hoàn trả mặt đường trên địa bàn.

Xu phat hang chuc don vi dao he, duong au gay mat an toan giao thong - Hinh anh 2
 Mặt đường bị cào bóc nhưng đơn vị thi công không thực hiện cảnh báo.

Có thể kể đến một số trường hợp vi phạm như, Công ty CP xây dựng hạ tầng đô thị Hà Nội bị Đội Thanh tra GTVT Bắc Từ Liêm lập biên bản vi phạm, xử phạt mức tiền 4 triệu đồng vì để vật liệu thi công ngoài phạm vi công trường gây cản trở giao thông; Công ty CP Xây dựng và thương mại Nhật Anh bị Đội Thanh tra GTVT Bắc Từ Liêm xử phạt 12,5 triệu đồng do thi công công trình không có giấy phép.

Cũng Đội Thanh tra GTVT Bắc Từ Liêm đã xử phạt Công ty CP tư vấn đầu tư hạ tầng và năng lượng điện 12,750 triệu đồng do thi công trên đường bộ đang khai thác không treo biển báo, không thông tin công trình; phá dỡ trái phép các thiết bị ATGT trên đường bộ.

Còn trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Đội Thanh tra GTVT đã xử phạt 16 triệu đồng đối với Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18 E&C với lỗi để phương tiện thi công ngoài phạm vị thi công gây cản trở giao thông…

Trên địa bàn quận Hà Đông, Công ty CP Vật liệu xây dựng Nam Hà Nội đã bị xử phạt 12 triệu đồng do lỗi thi công công trình mà không có Giấy phép theo quy định.

Công ty CP Xây dựng số 12 Vinaconex – Vinaconex 12 cũng bị Đội Thanh tra GTVT Nam Từ Liêm xử phạt 12 triệu đồng do hành vi đào đường trái phép…

Nhiều hệ lụy

Tình trạng các nhà thầu làm đường nhưng không lơ là các khâu cảnh báo, đảm báo ATGT đã nhận được không ít phản ánh của người dân. Đặc biệt là đối với những dự án trên tuyến đường đông đúc, ảnh hưởng trực tiếp đến việc lưu thông của người dân, chỉ một chút chủ quan, sơ ý sẽ dẫn đến hậu quả rất thương tâm. Không ít ý kiến cho rằng cơ quan chức năng cần thật sự mạnh tay nếu đơn vị thi công, nhà thầu không chấp hành đầy đủ yêu cầu về an toàn.

Xu phat hang chuc don vi dao he, duong au gay mat an toan giao thong - Hinh anh 3
 Nhiều hệ lụy, nguy cơ về ATGT.

Ví dụ như trường hợp đơn vị thi công chuyển đảo xe buýt tại phố Xã Đàn, trong vài ngày trước đây, trên tuyến đường này liên tục xảy ra các vụ tai nạn xe máy do mặt đường bị cào xới. Đây là tuyến đường có lượng xe cộ luôn đông đúc ngay cả ngoài giờ cao điểm. Mặt khác, do thiếu thiết bị cảnh báo, các đoạn đường bỗng trở nên nguy hiểm với người và phương tiện lưu thông, tiềm ẩn vô vàn nguy cơ tai nạn.

Dù việc thi công chỉ diễn ra trong vài ngày nhưng có đến hàng chục trường hợp người đi xe máy, xe đạp điện bị ngã, bị thương gây nhiều bức xúc. Do đó, người dân sống tại đây tỏ ra bất an và mong muốn các cơ quan quản lý sớm yêu cầu nhà thầu nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn.

Phải cho đến khi PV phản ánh đến Ban duy tu các duy tu công trình hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội), đơn vị thi công mới nghiêm túc chấp hành công tác đảm bảo ATGT, thực hiện ngay việc đặt các thiết bị cảnh báo, dây phản quang, biển chỉ dẫn.. để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.

Từ thực trạng này, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiến nghị Sở GTVT Hà Nội cần yêu cầu các đơn vị thường xuyên phối hợp với Thanh tra Sở trong công tác giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm; đặc biệt yêu cầu các đơn vị quản lý đường giám sát chặt các vị trí thi công hoàn trả mặt đường, đảm bảo êm thuận cho các phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời có văn bản chấn chỉnh chủ đầu tư, đơn vị thi công vi phạm nhiều lần.

 "Khi thi công, mặt đường sẽ bị thay đổi kết cấu nên sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, do vậy, dù công tác cải tạo, chỉnh trang chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng mọi biện pháp an toàn phải đường đảm bảo. Chỉ 1 tích tắc chủ quan, 1 giây lơ là, hậu quả sẽ không thể lường trước" - Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng.  

Tin liên quan