|
6 ngày qua, cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 2.673 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn
|
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho biết, trong 6 ngày qua, cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra 25.345 trường hợp lái xe vi phạm an toàn giao thông, phạt hơn 23 tỷ đồng, tước 3.590 giấy phép lái xe; riêng xử lý vi phạm nồng độ độ cồn là 2.673 trường hợp.
Thượng tá Nhật thông tin thêm, với xử phạt nồng độ cồn, cảnh sát giao thông ở Việt Nam kiểm soát tiệm cận với các nước trên thế giới. Các máy đo đang sử dụng được nhập khẩu từ Đức, Australia, theo đúng quy định nghị định 165 của Chính phủ, thỏa mãn tiêu chuẩn chất lượng, được cấp kiểm định. Máy đo nhập từ nhiều nguồn khác nhau, được dán tem kiểm định. Dù máy có kiểu dáng thế nào song đều đảm bảo về pháp lý, là căn cứ xử phạt nồng độ cồn.
"Chúng ta kiểm soát từ định tính đối với phương tiện đi qua, tách dòng để phát hiện nồng độ cồn. Về hình thức kiểm tra, chúng tôi có nhiều hình thức, một là theo chuyên đề hoặc tổng kiểm soát, tập trung đối tượng cụ thể như nhóm ô tô, nhóm mô tô. Ngoài ra, trong công tác điều tra tai nạn cũng vẫn có kiểm soát nồng độ cồn", Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông nói.
Về những nghi ngại, mức phạt cao của 100/2019/NĐ-CP sẽ khiến tài xế thỏa hiệp được nộp trực tiếp để được bỏ qua vi phạm và được đi tiếp, qua đó nảy sinh tiêu cực, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho biết: "Chúng tôi cũng có thể giám sát trực tiếp hay qua phương tiện thông tin đại chúng hay ghi hình ảnh ghi âm theo quy định. Đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công an đã có quy định phòng ngừa xảy ra tiêu cực trong lực lượng công an, mỗi cảnh sát đều học về ứng xử để đảm bảo ứng xử với người dân có văn hóa. Tuần qua, Cục Cảnh sát giao thông đã có chỉ đạo, ghi hình qua camera trong xử phạt nồng độ cồn để người vi phạm không có hành vi chống đối người thực thi".
Vị này thông tin thêm, Bộ Công an đã có quy chế dân chủ, mọi hoạt động của lực lượng công an đều đặt dưới sự giám sát của nhân dân. Nếu người dân phát hiện các sai phạm có thể thông tin qua đường dây nóng hoặc qua đường dây nóng trên các trang của công an tỉnh, thành phố. "Chúng tôi cũng sẽ có kênh tiếp nhận ý kiến của người dân qua facebook. Nếu người dân có thông tin hãy phản ảnh đến chúng tôi", Thượng tá Nhật nói.