Delhi là một trong những TP chịu áp lực nghiêm trọng nhất từ tình trạng thiếu không gian đỗ xe. Tính đến tháng 3/2023, thành phố này sở hữu gần 7,94 triệu phương tiện, với 1.800 phương tiện mới được đăng ký mỗi ngày. Tuy nhiên, sự thiếu hụt trầm trọng về bãi đỗ xe đã dẫn đến nhiều xung đột gay gắt giữa cư dân. Theo số liệu từ cảnh sát Delhi, chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2023, đã có 7.328 cuộc gọi báo cáo các vụ tranh chấp bạo lực liên quan đến chỗ đỗ xe, vượt xa tổng số vụ việc được ghi nhận trong hai năm trước đó cộng lại.
Nhiều video ghi lại cảnh bạo lực đã lan truyền trên mạng xã hội, từ việc các vụ tấn công bằng gậy ở Delhi cho đến các vụ hành hung nghiêm trọng tại Bengaluru và Mumbai. Đặc biệt, tại Mumbai, vào tháng 12/2024, một người đàn ông đã bị đánh chết bằng thanh sắt chỉ vì đỗ xe tay ga trước cửa hàng của kẻ tấn công. Những vụ việc như vậy cho thấy mức độ nguy hiểm của tranh chấp đỗ xe tại các TP đông dân.
Sự gia tăng phương tiện cá nhân là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng đỗ xe. Delhi, với dân số vượt 20 triệu người vào năm 2023, đã chứng kiến sự thay đổi lớn trong cấu trúc đô thị. Những ngôi nhà một tầng trước đây đã được thay thế bằng các tòa nhà nhiều tầng, mỗi tầng là nơi sinh sống của một gia đình, thường sở hữu ít nhất một hoặc hai xe hơi.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng bãi đỗ xe không được mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Ngoài ra, quản lý yếu kém và ý thức cộng đồng thấp cũng khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Người dân thường tự ý chiếm dụng không gian công cộng trước nhà mình, như đặt chậu hoa, gạch hoặc biển cảnh báo ngăn người khác đỗ xe. Một số người thậm chí đe dọa sẽ xì lốp hoặc phá xe nếu có ai đỗ xe gần khu vực của họ.
Dù một số biện pháp đã được đưa ra để giảm thiểu tình trạng khủng hoảng, kết quả vẫn còn hạn chế. Năm 2011, Delhi đã ban hành quy định yêu cầu các tòa nhà mới có diện tích từ 100 đến 1.000 m² phải có bãi đỗ xe.
Tuy nhiên, việc thực thi quy định này không hiệu quả. Các dự án phát triển bãi đỗ xe công cộng nhiều tầng tại các khu vực thương mại cũng tiến triển chậm. Nhiều bãi đỗ xe hiện tại không được bảo trì tốt, khiến chủ xe vẫn chọn đỗ xe trên lề đường hoặc không gian công cộng gần nhà mà không phải trả phí.
Theo bà Sonal Shah, giám đốc Trung tâm các thành phố bền vững và công bằng, cần thay đổi mạnh mẽ tư duy về quyền đỗ xe miễn phí. “Chúng ta phải xóa bỏ suy nghĩ về việc đỗ xe miễn phí là quyền bẩm sinh. Đường phố công cộng không thể là nơi đỗ xe không giới hạn”- bà nói.
Bà đề xuất một số giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng khủng hoảng đỗ xe. Đầu tiên, các TP cần định giá không gian đỗ xe công cộng và áp dụng phí đỗ xe hợp lý tại cả khu vực thương mại và dân cư nhằm giảm tải nhu cầu đỗ xe. Thứ hai, cần cải thiện việc thực thi luật lệ, bao gồm ngăn chặn tình trạng lấn chiếm vỉa hè và xử phạt nghiêm các hành vi chiếm dụng không gian công cộng trái phép. Thứ ba, các TP nên hạn chế số lượng phương tiện cá nhân bằng cách áp đặt giới hạn số lượng xe mà mỗi gia đình được phép sở hữu, đặc biệt tại những khu vực có mật độ dân cư cao. Cuối cùng, cần phát triển cơ sở hạ tầng giao thông công cộng, đồng thời nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận của các phương tiện này để giảm sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân.
Tùng Lâm