"Cực chẳng đã"
Ngày 5/11, trên mạng xã hội facebook lan truyền nhanh chóng 1 clip ghi lại hình ảnh hàng trăm người dân dắt bộ xe máy đi ngược chiều trên vỉa hè đường Tố Hữu (thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm và Hà Đông). Đáng chú ý, xuất hiện trong clip là hình ảnh 2 người mặc trang phục của lực lượng cảnh sát giao thông đang đứng "quan sát" dòng người đi ngang qua mặt mình. Sự việc sau đó đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ cư dân mạng.
Theo tìm hiểu, tình trạng trên đã trở nên quen thuộc với người tham gia giao thông trên tuyến đường Tố Hữu. Nguyên nhân do tuyến đường này vào khung giờ cao điểm (hàng ngày từ 6h30 đến 8h30 chiều vào trung tâm Hà Nội; từ 16h30 đến 19h đối với chiều ngược lại) thường xuyên xảy ra ùn tắc. Việc ách tắc giao thông đã khiến người dân chọn giải pháp đi trên vỉa hè để tránh áp lực giao thông dưới lòng đường.
Lý giải về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội cho biết: Trên cung đường này có tổ chức điểm quay đầu phương tiện, nhưng vì phải đi thêm 1 đoạn nữa mới đến điểm lối mở quay đầu. Cho nên theo tâm lý, người dân muốn "nhanh" bằng cách đi ngược chiều trên vỉa hè.
Còn theo lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông số 7, đoạn đường Tố Hữu hay xảy ra tắc đường nên nhiều người tham gia giao thông thường xuyên đi ngược chiều ở vỉa hè làn ngược lại để vào ngõ 19 đường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) dù biết vi phạm luật giao thông. Khi thấy lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng xử lý, người dân không điều khiển xe máy mà xuống xe dắt bộ để tránh việc bị xử phạt.
|
Hình ảnh ghi nhận sáng 6/11. Nguồn: Định Nguyễn. |
Khó xử lý
Trước thực trạng trên, lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông số 7 cho biết, hành vi đi bộ trên vỉa hè dắt theo xe không có chế tài xử phạt, nên lực lượng cảnh sát giao thông chỉ nhắc nhở người dân lưu thông không gây cản trở giao thông.
Về mặt pháp lý, luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Luật ICC Việt Nam (Liên đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: Trong trường hợp này, người dân dắt xe chứ không điều khiển xe tham gia giao thông. Tuy nhiên, nếu dắt xe mà gây cản trở giao thông thì tùy tính chất, mức độ của hành vi, cảnh sát giao thông sẽ nhắc nhở, tuyên truyền hoặc có thể xử phạt.
Vỉa hè không quy định chiều đi và cũng không có biển cấm dắt xe. Người dắt xe trên vỉa hè không đội mũ bảo hiểm cũng không bị coi là vi phạm, bởi luật giao thông đường bộ quy định chỉ khi tham gia giao thông (lái xe trên đường) mới phải đội mũ bảo hiểm. Do vậy về nguyên tắc, việc dắt xe trên vỉa hè không vi phạm luật giao thông đường bộ. Hành vi này không bị xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, luật sư Tùng lưu ý, người dân có thể đã điều khiển xe máy đi trên vỉa hè ngược chiều trước khi xuống dắt bộ, vì hành vi dắt xe chỉ thực hiện khi họ phát hiện có lực lượng chức năng. Do vậy, nếu cảnh sát giao thông chứng minh được lỗi của họ khi lái xe (đi trên vỉa hè, không đội mũ bảo hiểm...) thông qua camera hình ảnh, người làm chứng thì hoàn toàn của thể xử phạt những người này.
Thừa nhận việc tổ chức giao thông trên tuyến chưa hợp lý, Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ phối hợp với Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, tổ chức lại giao thông, làm sao cho người dân đi lại thuận tiện, đảm bảo an toàn, vừa tuân thủ luật giao thông đường bộ, vừa không phải đi quá xa.
Trước mắt Đội Cảnh sát giao thông số 7 đã tham mưu Sở Giao thông vận tải lập rào chắn thấp trên vỉa hè đường Tố Hữu, nhằm ngăn chặn tình trạng người dân dắt xe ngược chiều. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ được đưa ra, theo kiến nghị là xây dựng cầu vượt đoạn gần Trung Văn - Tố Hữu.