Xe buýt xanh: cần thay đổi cả phương tiện và tư duy

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Chiều 29/11, Báo Giao thông tổ chức Toạ đàm: “Xanh hóa xe buýt: Thách thức và Giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư”. Tại toạ đàm, các nhà quản lý, chuyên gia, DN trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng đã đóng góp ý kiến để phát triển xe buýt xanh tại Thủ đô.

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn TP Hà Nội", lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn TP đạt 100% vào năm 2035.

Theo Đề án, giai đoạn 2026 - 2035, TP sẽ chuyển đổi 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG. Tổng số phương tiện cần chuyển đổi là 2.051 xe. Trong đó, năm 2025, TP sẽ chuyển đổi 103 xe điện (5%); giai đoạn 2026 - 2030 sẽ chuyển đổi 1.813 xe (93,4%), trong đó 859 xe điện và 851 xe LNG/CNG; giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hoàn thành chuyển đổi 2.051 xe (đạt 100%).

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, chuyển đổi xanh mới được khởi động mấy năm gần đây nhưng các DN vận tải đã bước đầu tiếp cận được.

Với công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất, có wifi, camera AI, sàn xe có thể nâng hạ hỗ trợ cho người yếu thế, khuyết tật, thông qua công nghệ có thể kiểm soát được lái xe, an ninh trật tự trên xe, được ứng dụng thẻ vé điện tử… xe buýt điện dù đang chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn (trên 14% tổng số phương tiện hiện nay) nhưng đã mang lại bức tranh mới về dịch vụ vận tải công cộng cho TP, tạo nên sức hấp dẫn, tư duy mới cho hành khách.

Nhìn nhận "xanh hoá xe buýt" là xu hướng tất yếu, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, để một DN đang chạy xe truyền thống chuyển sang xe xanh, công nghệ mới, vừa cần thay đổi phương tiện, vừa cần thay đổi tư duy con người.

“DN cần nhìn nhận đây là cơ hội để thay đổi chất lượng dịch vụ, đổi mới lực lượng quản lý, lái xe, nhân viên phục vụ và có thêm hành khách. Bởi theo thống kê, hành khách xe buýt điện chủ yếu là người đi làm, rất khác so với xe buýt truyền thống chủ yếu là học sinh, sinh viên” – ông Nguyễn Hoàng Hải góp ý.

 

Muốn vậy, các DN buýt truyền thống cần có quyết tâm, tìm nguồn lực để vận hành ổn định ngay từ giai đoạn đầu để đi được dài hơi, cùng đồng hành với TP Hà Nội để công cuộc chuyển đổi xe buýt xanh được nhanh chóng, tích cực nhất. Song song với đó cần sự hỗ trợ của Chính phủ về các chính sách tạo thuận lợi cho DN chuyển đổi.

Xe buyt xanh: can thay doi ca phuong tien va tu duy - Hinh anh 1
Các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng Hà Nội chia sẻ tại toạ đàm.

Theo ông Phạm Đình Tiến - Trưởng phòng Kế hoạch & Vận hành Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội, trong đề án được UBND TP Hà Nội phê duyệt đã định hướng phát triển từng loại hình phương tiện xanh đối với từng tuyến buýt.

Theo đó, các tuyến nằm trong nội đô sẽ sử dụng 100% xe buýt điện. Các tuyến ngoại vi, kết nối ngoại thành đến điểm tiếp chuyển sẽ sử dụng xe buýt năng lượng xanh như CNG/LNG. Giai đoạn trước mắt, TP sẽ tập trung các tuyến buýt điện kết nối đường sắt đô thị.

Giai đoạn 2031 – 2035 phát triển hỗn hợp phù hợp với hạ tầng, các tuyến trục công suất lớn, phù hợp với quy hoạch của TP; Kết nối trực tiếp trung tâm của đô thị vệ tinh tới các điểm trung chuyển ở khu vực vành đai, đô thị, kết nối các điểm danh lam thắng cảnh.

Định hướng khi năng lực các tuyến đường sắt đô thị, BRT tăng lên, xe buýt điện, buýt xanh sẽ đóng vai trò là tuyến gom. Để hỗ trợ DN hoạt động, cơ quan chức năng cũng có từng bộ định mức riêng biệt và có bộ tiêu chuẩn chung trong quản lý cung ứng dịch vụ, đảm bảo sự đồng bộ.

“Luật Thủ đô đã có riêng Điều 28 đề cập đến chính sách chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch. Sở GTVT đang xây dựng dự thảo quy định về vấn đề này, trình HĐND TP Hà Nội. Ngoài hỗ trợ lãi suất, còn chính sách khác. Dự kiến 2025, sẽ báo cáo thông qua HĐND TP. Cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện cho việc chuyển đổi mang tính khả thi” – ông Phạm Đình Tiến cho biết.

Mai Chi

Tin liên quan