6 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù: giải pháp cốt lõi cho hệ thống đường sắt đô thị

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ trình lên Quốc hội xem xét Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Nghị quyết đưa ra 6 nhóm giải pháp được xem là cốt lõi, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường sắt đô thị (ĐSĐT).

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, trải qua quá trình thực tế đầu tư xây dựng các tuyến ĐSĐT, nhận định rõ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế chính sách, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù cho loại công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với giao thông, môi trường, cũng như phát triển đô thị bền vững là ĐSĐT.

“Các đề xuất của hai TP đã được Bộ GTVT, Tư pháp thẩm định và Chính phủ thống nhất trình ra Quốc hội để xem xét thông qua bằng một nghị quyết. Cụ thể, nghị quyết nêu bật 6 nhóm chính sách cốt lõi cho phát triển ĐSĐT, trong đó có 5 chính sách dùng chung, còn nhóm chính sách thứ 6 bổ sung riêng cho TP Hồ Chí Minh vì Hà Nội đã được áp dụng theo Luật Thủ đô” - ông Lê Trung Hiếu nói.

6 nhom co che, chinh sach dac thu: giai phap cot loi cho he thong duong sat do thi - Hinh anh 1
Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Nguyễn Cao Minh chia sẻ, Dự thảo nghị quyết đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc phát triển hệ thống ĐSĐT, hướng tới mục tiêu huy động tối đa mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn thời gian chuẩn bị và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ĐSĐT.

“Qua đó sẽ tối ưu hóa khai thác quỹ đất, đồng thời trao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giúp hai đô thị linh hoạt triển khai các dự án theo nhu cầu thực tiễn phát triển, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Đây cũng là bước cụ thể hóa Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - ông Nguyễn Cao Minh cho hay.

6 nhóm chính sách được đề xuất cho ĐSĐT gồm: thứ nhất là tập trung huy động nguồn vốn để đầu tư hệ thống ĐSĐT; linh hoạt trong công tác bố trí vốn từ ngân sách T.Ư, địa phương, vốn ODA, vốn vay ưu đãi, bảo đảm đáp ứng tiến độ thực hiện dự án, thực hiện trước một số nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.

Thứ hai là rút ngắn tiến độ triển khai dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án; phân cấp, phân quyền trong công tác thẩm định và phê duyệt dự án; tháo gỡ các vướng mắc về định mức, đơn giá xây dựng; rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu; tạo cơ chế sinh hoạt về nguồn vốn thanh toán.

Thứ ba là phát triển mô hình TOD, áp dụng giải pháp quy hoạch để phát triển đô thị gắn kết với giao thông ĐSĐT, khai thác hiệu quả quỹ đất xung quanh các ga, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển ĐSĐT.

Thứ tư là phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo: quy định các nội dung đặc thù về lựa chọn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến ĐSĐT; phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ.

Thứ năm là giảm trình tự, thủ tục, thực hiện phân cấp, bảo đảm cung cấp vật liệu xây dựng, bãi đổ thải đủ nhu cầu, kịp thời để phục vụ dự án ĐSĐT, dự án ĐSĐT theo mô hình TOD.

Thứ sáu là các chính sách áp dụng riêng cho TP Hồ Chí Minh, tương tự như những quy định tại Luật Thủ đô của

Hà Nội về các khoản thu trong khu vực TOD; hình thức vay và tổng mức dư nợ vay; và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn; lựa chọn nhà đầu tư dự án TOD; phân cấp, phân quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Giảm tối đa thời gian chuẩn bị

Trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Nguyễn Cao Minh phân tích, Dự thảo nghị quyết mang đến nhiều cơ chế linh hoạt giúp hai TP chủ động huy động vốn từ nguồn thu tăng thêm, tiết kiệm chi, vốn ODA mà không cần lập đề xuất dự án. Đặc biệt, quy trình phê duyệt được đơn giản hóa, cho phép triển khai ngay việc lập, thẩm định và quyết định đầu tư mà không phải trải qua bước quyết định chủ trương đầu tư và các thủ tục liên quan.

Ngoài ra, thiết kế kỹ thuật tổng thể sẽ thay thế thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi, giúp rút ngắn thời gian thực hiện. Chính quyền địa phương cũng có quyền chủ động phân chia dự án, gia hạn thời gian thực hiện, áp dụng chỉ định thầu trong một số trường hợp và sử dụng định mức chi phí theo chuẩn quốc tế. Công tác bồi thường, tái định cư có thể tách thành dự án độc lập.

Một điểm nhấn quan trọng là tích hợp quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng (TOD). Cơ chế này giúp TP linh hoạt điều chỉnh quy hoạch, chuyển nhượng, chỉ tiêu sử dụng đất mà không cần thủ tục điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất. Nhờ đó, các khu vực quanh nhà ga ĐSĐT sẽ được quy hoạch bài bản, tăng mật độ dân cư và chức năng thương mại, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa giảm phụ thuộc vào phương tiện cá nhân.

Ông Lê Trung Hiếu nhận định, đối với Hà Nội có hai nhóm chính sách hết sức quan trọng nên được đặt vào vị trí ưu tiên. Thứ nhất là chính sách để huy động vốn. Từ trước đến nay, trình tự để bố trí vốn cho các dự án ĐSĐT phải thực hiện rất nhiều thủ tục, quá trình này chặt chẽ nhưng kéo dài. Nếu áp dụng theo đề xuất mới, trình tự này sẽ được rút ngắn lại. Thủ tướng Chính phủ sẽ chấp thuận bố trí vốn đầy đủ cho các dự án ĐSĐT nằm trong Đề án phát triển hệ thống ĐSĐT đã được Quốc hội phê duyệt bằng quy hoạch. HĐND TP có trách nhiệm bố trí vốn đầy đủ cho các dự án ĐSĐT theo kế hoạch vốn đã được Chủ đầu tư trình mà không phải thông qua một bước lập dự án, phê duyệt dự án như trước đây.

Hơn nữa trình tự này còn cho phép dự án có thể đưa ra đấu thầu ngay, giảm bớt thủ tục cần phê duyệt. Theo tính toán, chính sách này sẽ giúp mỗi dự án ĐSĐT giảm được 3 năm chuẩn bị so với các quy định hiện hành.

“Chính sách này là hành lang pháp lý rất quan trọng để vừa rút ngắn thời gian thực hiện các dự án ĐSĐT vừa bảo đảm chất lượng tiến độ. Mặt khác, càng rút ngắn được thời gian chờ phê duyệt dự án sẽ càng hạn chế những tác động bên ngoài có thể làm tăng tổng mức đầu tư, dẫn đến việc điều chỉnh chủ trương, phê duyệt lại dự án” - ông Lê Trung Hiếu nói.

Vị lãnh đạo Sở KH&ĐT cho rằng, nếu nghị quyết được thông qua, Hà Nội sẽ phải lên kế hoạch triển khai cụ thể, chi tiết hơn bằng cách lập quy hoạch 1/500, đặc biệt là với những khu vực nhà ga có thể áp dụng mô hình TOD. Sau đó lựa chọn một số tuyến ĐSĐT ưu tiên theo Đề án tổng thể để sắp xếp thứ tự, phân kỳ đầu tư với từng tuyến.

Các nhóm chính sách được đưa ra tại Dự thảo nghị quyết của Chính phủ đã bảo đảm đồng bộ, thống nhất với những giải pháp được đề cập trong Đề án phát triển hệ thống mạng lưới ĐSĐT của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; kế thừa các chính sách trong Luật Thủ đô, Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

 Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung

Ngọc Hải

Tin liên quan

https://portal.adbro.me/publishers/0fb2a970-b322-45d8-8ab2-530540d840b4/sites/57721325-de31-4891-b821-00d0d5d4883b/codes/