Tai nạn giao thông giảm sâu
Theo Tổng Cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn cả nước xảy ra 3.991 vụ tai nạn giao thông, làm 2.343 người chết, 2.773 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ tai nạn giao thông trong 5 tháng năm 2023 giảm 15,7%.
Bình quân 1 ngày trong 5 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn cả nước xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông, gồm 19 vụ tai nạn giao thông ít nghiêm trọng trở lên và 7 vụ va chạm giao thông, làm 16 người chết, 11 người bị thương và 8 người bị thương nhẹ.
Tại Hà Nội, trong tháng 5/2023 (tính từ ngày 15/4 đến ngày 14/5/2023), trên địa bàn thành phố xảy ra 44 vụ tai nạn giao thông, làm 26 người chết và 31 người bị thương. Lũy tiến từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/5/2023, trên địa bàn thành phố xảy ra 218 vụ tai nạn giao thông, làm 98 người chết và 191 người bị thương. So sánh cùng kỳ, giảm 122 vụ tai nạn giao thông (tương đương 35,88%), giảm 89 người chết (47,59%) và giảm 5 người bị thương (2,55%). Như vậy, tình hình tai nạn giao thông giảm sâu trên cả 3 tiêu chí.
Theo báo cáo của Bộ Công an, qua 5 tháng đầu năm 2023, toàn quốc có 291.792 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông bị xử lý; xử phạt 590,49 tỷ đồng; tạm giữ 101.887 ô tô, mô tô, xe máy. So với tháng 4/2023, giảm 26.772 vụ (-8,40%), số tiền phạt thu được giảm 41 tỷ đồng (-6,53%), giảm 2.357 số ô tô, mô tô, xe máy bị tạm giữ (-2,26%).
|
So với cùng kỳ năm 2022, số vụ tai nạn giao thông trong 5 tháng năm 2023 giảm 15,7%. |
Mới đây, thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I và phương hướng nhiệm vụ trong quý II/2023, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, những tháng đầu năm, trên cả nước vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình tại Quảng Nam xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 19 người chết, 25 người bị thương, trong đó vụ tai nạn ở huyện Núi Thành làm 10 người chết; tại Nghệ An xảy ra 1 vụ làm 3 người chết và 1 người bị thương; tại Hòa Bình xảy ra 1 vụ làm chết 3 người và 1 người bị thương; tại Điện Biên 1 vụ làm chết 4 người, bị thương 1 người và gần đây nhất là vụ tai nạn giao thông tại Phú Yên ngày 3/4 làm 4 người bị chết và 5 người bị thương.
Nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông được ông Khuất Việt Hùng đưa ra là, có gần 15% do người điều khiển phương tiện đi sai làn đường, phần đường; gần 8% do chuyển hướng không chú ý; 72% do vi phạm tốc độ; 0,18% do sử dụng ma túy, chất gây nghiện; hơn 32% các nguyên nhân khác và 34% chưa xác định được nguyên nhân.
Duy trì hiệu quả
Theo tính toán của Uỷ ban ATGT Quốc gia tai nạn giao thông ở Việt Nam đã giảm gần 50% so với 10 năm trước. Kết quả này đạt được nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, thiệt hại do tai nạn giao thông ở Việt Nam vẫn còn rất lớn, không chỉ về mặt con người mà còn gây thiệt hại lớn đối với sự phát triển đất nước. Tai nạn giao thông gây thiệt hại cho Việt Nam 2,9% GDP mỗi năm do chi phí điều trị và năng suất lao động bị giảm sút.
Thời gian gần đây, việc vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân đang tiếp tục từng bước đẩy lùi tai nạn giao thông trên cả nước.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, việc các tỉnh thành phố nỗ lực, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm an toàn giao thông đặc biệt là công tác xử lý vi phạm nhằm kéo giảm tai nạn giao thông đã đem lại hiệu quả rõ rệt khi tai nạn giao thông của năm trước giảm hơn năm sau cả 3 tiêu chí.
"Việc lực lượng Công an cả nước vào cuộc quyết liệt thời gian qua, nhất là xử lý vi phạm nồng độ cồn đã đem lại hiệu quả cao trong công tác đảm bảo an toàn giao thông. Chỉ tính riêng Hà Nội, trong 5 ngày nghỉ lễ, lực lượng CSGT toàn thành phố đã lập biên bản, xử lý 770 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Qua đó có thể thấy rằng, để việc nâng cao ý thức người dân, bên cạnh tuyên truyền, luôn phải đi đôi với việc xử lý nghiêm, thậm chí cưỡng chế các trường hợp vi phạm” – Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Thắng nhận định.
Theo Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương, kéo giảm tai nạn giao thông đã khó, duy trì và tiếp tục đạt được những mục tiêu mới còn khó hơn. Đòi hỏi sự bền bỉ của các bộ, ngành, địa phương.
“Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng sẽ đóng góp một phần không nhỏ trong việc xây dựng văn hóa giao thông. Lấy ví dụ những năm trước đây, trên địa bàn TP Hà Nội đã có những chiến dịch cao điểm về xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ cho thấy kết quả rất tích cực nhưng hết chiến dịch, vi phạm tái diễn. Thực tế đó đòi hỏi sự tập trung, liên tục trong tuần tra, xử phạt của lực lượng chức năng cả nước, không lơi là, buông lỏng qua đó, tạo sức mạnh răn đe vi phạm, dần hình thành văn hóa giao thông cho người dân”.
Cần nâng cao mức xử phạt, mang tính chất răn đe như quy định là một tội danh cụ thể đối với vi phạm nồng độ cồn để xảy ra tai nạn hay đa dạng hóa hình thức xử phạt hành chính và quy định cụ thể từng trường hợp CSGT được tạm giữ người vi phạm - Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương. |