Thí điểm tổ chức giao thông tại nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển::

Bước đầu giảm xung đột tiềm tàng, năng lực thông hành tăng hơn 18%

NGỌC TRANG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sau khi thí điểm tổ chức lại giao thông, nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển trật tự hơn, giảm được xung đột tiềm tàng. Đồng thời, năng lực thông hành qua nút lớn nhất vào cao điểm sáng tăng 18,3%.

Sở GTVT Hà Nội vừa công bố kết quả đánh giá của sơ bộ phương án thí điểm tổ chức giao thông tại nút giao thông Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến nhóm tác giả Tiến sỹ Phạm Xuân Cần và Thạc sỹ Vũ Trọng Thuật - Trường Đại học giao thông Vận tải.

Theo đó, về hiện trạng nút giao thông trước khi thí điểm, đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển theo cả 2 chiều có đường dẫn đường vành đai 3 trên cao tạo thành những nút thắt cổ chai, ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực thông hành của nút giao thông.

Lưu lượng phương tiện qua nút giao luôn ở tình trạng rất cao kể cả vào các giờ thấp điểm chung của thành phố. Tình trạng ùn ứ giao thông, đặc biệt là vào khung giờ cao điểm diễn ra thường xuyên.

Thời điểm đó, nút giao thông được điều khiển bằng đèn tín hiệu theo cơ chế 4 pha trượt gồm có: Pha 1: Dành cho xe đi trên đường Nguyễn Trãi; Pha 2: Dành cho xe đi trên đường Nguyễn Xiển; Pha 3: Dành cho xe đi trên đường Nguyễn Trãi (từ phía Hà Đông vào nút); Pha 4: Dành cho xe đi trên đường Khuất Duy Tiến.

Về chu kỳ đèn vào giờ cao điểm là 180 giây, ngoài giờ cao điểm là 160 giây. Thời gian đèn vàng 3 giây. Năng lực thông hành qua nút lớn nhất tại cao điểm sáng là 9.560 pcu/h (pcu là phương tiện quy đổi lấy xe 5 chỗ ngồi làm chuẩn).

Buoc dau giam xung dot tiem tang, nang luc thong hanh tang hon 18% - Hinh anh 1
Nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển sau khi thí điểm tổ chức giao thông. 

Theo phương án thí điểm tổ chức giao thông, Sở GTVT Hà Nội đã bổ sung một đảo trung tâm để xóa các xung đột giao thông giữa các xe có thể xuất hiện ở cuối một pha với đầu pha khác do thời gian chuyển pha hạn chế.

Đồng thời đảo này hình thành nên 4 nút giao nhỏ để giảm khoảng cách xe qua nút giao. Bổ sung biển chỉ dẫn, vạch kẻ đường phù hợp với hình thức tổ chức giao thông mới.

Cũng trong phương án thí điểm, đèn tín hiệu được điều khiển theo 2 pha kết hợp chế độ "Cắt sớm - mở muộn" để hình thành nên cơ chế điều khiển Sơ cấp - Thứ cấp.

Pha 1: Dòng xe cho hướng Nguyễn Trãi; Pha 2: Dòng xe cho hướng Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến. Dòng xe rẽ phải được đi liên tục qua làn rẽ phải.

Sở GTVT Hà Nội cũng đã bố trí hệ thống camera xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, camera thu thập lưu lượng giao thông phục vụ điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu. 

Nhóm tác giả đánh giá phương án tổ chức giao thông bao gồm: Năng lực thông hành, thời gian hành trình, thời gian trễ, mức phục vụ, chiều dài hàng chờ, trật tự an toàn giao thông…Trong đó năng lực thông hành là chỉ tiêu quan trọng và luôn được quan tâm hàng đầu.

Sau khi thí điểm, nhóm tác giả đã đưa ra kết quả sơ bộ: Ở phương án thí điểm, chế độ điều khiển được thiết kế cho các khung giờ khác nhau (4 khung giờ): Cao điểm sáng, ngoài giờ cao điểm, cao điểm chiều, và giờ buổi tối. Chu kỳ đèn lớn nhất là 160 giây, chu kỳ đèn thấp nhất là 120 giây.

Như vậy, chu kỳ đèn phương án thí điểm đã giảm so với phương án trạng (từ 180 giây xuống 160 giây, giảm 11,11%). Thời gian chuyển pha ở phương án thí điểm là 7 giây giúp nút giao thông được quét sạch, hạn chế xung đột tiềm tàng trong quá trình chuyển pha, khiến nút trật tự và an toàn hơn.

Về năng lực thông hành qua nút lớn nhất vào cao điểm sáng là 11.310 pcu/h, tăng 18,3%. Trong khung giờ bình thường tăng 8% so với phương án trước đây.

Chu kỳ đèn giảm xuống so với hiện trạng, vào cao điểm giảm 11%, giờ bình thường giảm 12,5%. Thời gian đèn xanh cho các hướng tăng lên ở hướng áp lực giao thông lớn Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến.

Theo đó, nhóm tác giả đánh giá nút giao đã trật tự hơn, giảm được xung đột tiềm tàng. Đồng thời giảm thời gian trễ cho các phương tiện đã đi vào trong nút giao.

Tuy nhiên, với lượng phương tiện tham gia giao thông các tuyến đường vào nút rất lớn, có thể xuất hiện ùn ứ ở ngoài nút giao. Do đó, cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, bổ sung các phương án tổ chức giao thông từ xa và tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh chu kỳ, thời gian đèn xanh ở các nút giao thông liền kề để tạo ra sự điều khiển nhịp nhàng hơn.

Tin liên quan