Chuyên gia nói về đề án phân làn ưu tiên cho xe buýt: 'Lợi bất cập hại, chắc chắn không thành công'

 
Chia sẻ

Theo đánh giá của một số chuyên gia giao thông, đề án phân làn ưu tiên cho xe buýt của thành phố Hà Nội là rất tốt nhưng việc triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Chuyen gia noi ve de an phan lan uu tien cho xe buyt: 'Loi bat cap hai, chac chan khong thanh cong' - Hinh anh 1
Phân làn ưu tiên cho xe buýt: Các chuyên gia nói gì?

Mới đây, thành phố Hà Nội đã đưa ra đề án nghiên cứu và tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt trên nhiều tuyến đường, trong đó có trục Nguyễn Trãi - Trần Phú. Đây là nội dung chính của kế hoạch thực hiện các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng năm 2020 đạt 20-25% do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới ban hành.

Theo đánh giá của một số chuyên gia giao thông, đề án này của thành phố Hà Nội là rất tốt nhưng việc triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, hoan nghênh chủ trương trên của thành phố Hà Nội, bởi nó tạo điều kiện rút ngắn thời gian xe buýt lưu hành, giảm thiểu thời gian chờ đợi của hành khách và thu hút người dân tham gia di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng (xe buýt).

Tuy nhiên, ông Liên cũng cho rằng việc phân làn cho xe buýt chạy riêng sẽ gặp nhiều khó khăn. "Chắc chắn một điều là làm trong thời điểm hiện nay không thành công", ông Liên nói.

Theo ông Liên, để thực hiện được việc phân làn ưu tiên cho xe buýt, những yếu tố cần có gồm: lòng đường phải có chiều rộng 40-50m và phải có 4-5 làn đường (trong đó phải có làn đường rành riêng cho ô tô).

"Nhưng thực tế tại Việt Nam hiện nay lòng đường khá hẹp (khoảng 17-20m) và có nhiều phương tiện tham gia giao thông hỗn hợp, bên cạnh đó, lòng đường lại có nhiều đường cắt ngang và mật độ dân số đi qua rất đông nên việc phân làn sẽ rất khó khăn", ông Liên nhận xét.

Nhìn từ bài học của BRT - thành phố Hà Nội đã có phân làn riêng và có chế tài xử phạt được quy định tại Nghị định 46 nhưng tuyến xe buýt nhanh này vẫn trở thành tuyến xe buýt chậm, gây tốn kém cho nhà nước và người dân - ông Liên nhấn mạnh TP. Hà Nội cần soi chiếu vào những thất bại của BRT để tạo ra một đề án tốt nhất về phân làn ưu tiên cho xe buýt.

Chuyen gia noi ve de an phan lan uu tien cho xe buyt: 'Loi bat cap hai, chac chan khong thanh cong' - Hinh anh 2
Đề xuất ý tưởng phân làn cho xe buýt cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng từ những “thất bại” của BRT để tạo ra một đề án tốt nhất

Còn theo TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu về giao thông, chủ trương phân làn ưu tiên cho xe buýt của thành phố Hà Nội là rất tốt nhưng "cần phải có tính thực tiễn".

Ông Thủy cho rằng để tăng số lượng người đi xe buýt hoặc đảm bảo tốc độ hợp lý và tính đúng giờ của xe buýt, thành phố cần nhiều giải pháp tuy nhiên các giải pháp đó phải phù hợp với các điều kiện hiện nay của thành phố Hà Nội.

“Tôi cho rằng giải pháp đặt đường riêng cho xe buýt về cơ bản cũng có mặt tốt. Tức là nếu có đường riêng thì xe đi nhanh hơn, đúng giờ hơn, thoáng hơn và không có các phương tiện khác cản trở. Tuy nhiên, với điều kiện phương tiện tham gia giao thông ở Hà Nội đang chật kín như thế này, mặt đường giao thông tại Hà Nội hiện nay lại rất hẹp, chỉ từ 6m đến 11m, thì việc phân làn dành riêng cho xe buýt sẽ lợi bất cập hại”, ông Thuỷ nói.

Ông Thuỷ chỉ ra rằng đường Hà Nội hiện nay chỉ có 3- 4 làn, khi ưu tiên một làn dành riêng cho xe buýt thì đồng nghĩa những phương tiện giao thông khác phải di chuyển trên các làn đường còn lại và điều này sẽ gây ra ùn tắc thêm.

Hiện nay Hà Nội có hơn 100 tuyến xe buýt, ông Thủy nói và nhận định nếu muốn làm đề án này, TP. Hà Nội cần phải có lộ trình. "Lộ trình này không phải ngày một ngày hai mà cần phải chọn những tuyến xe buýt có lộ trình đi dày, nhiều người đi trên xe rồi sau đó mới dần dần nâng lên theo điều kiện thực tế".

“Tôi cho rằng việc phân làn dành riêng cho xe buýt là không nên làm và nếu làm cần phải có lộ trình rõ ràng, cần nghiên cứu kỹ tuyến nào làm, tuyến nào không nên làm chứ không phải làm đại trà như ý kiến của Hà Nội được. Bởi hạ tầng giao thông của Hà Nội hiện nay rất yếu kém, người dân còn chưa mặn mà với giao thông công cộng" ông Thuỷ nói.

Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp của trường Đại học Giao thông vận tải, cũng nhìn nhận đề xuất của Hà Nội là tốt nhưng không thực tiễn.

"Ở Hà Nội hiện nay, các tuyến đường có rất nhiều mắt cắt ngang, vì vậy chỉ trên một tuyến đường có ít mặt cắt ngang thì thành phố mới nên nghĩ đến phương án ưu tiên cho xe buýt”, ông Từ Sỹ Sùa nói.

Theo vietnamfinance.vn

Tin liên quan