Dự thảo sửa đổi Nghị định 46/2016 đã bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp làm căn cứ để xác minh, phát hiện hành vi vi phạm. Đã có ý kiến cho rằng, để đạt hiệu quả cao, thay vì chỉ kêu gọi và tiếp nhận cung cấp miễn phí, cơ quan chức năng nên chủ động bỏ tiền mua hình ảnh từ người dân. Báo Giao thông trao đổi với ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia để làm rõ hơn nội dung này.
|
Ông Khuất Việt Hùng |
Vi phạm ở đâu cũng có thể bị xử phạt
Lâu nay, nhiều địa phương đã áp dụng hình thức xử lý vi phạm từ hình ảnh người dân cung cấp. Vậy vì sao đến nay chúng ta mới bổ sung quy định này vào dự thảo Nghị định 46, thưa ông?
Vấn đề này không phải là mới mà Nghị định 46 hiện nay cũng đã có quy định. Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 46/2016 lần này chỉ làm rõ, đầy đủ, cụ thể hơn quy định tiếp nhận thông tin, hình ảnh vi phạm giao thông từ người dân cung cấp làm cơ sở giúp cho cơ quan chức năng xác minh, xử lý vi phạm.
Việc tiếp nhận thông tin từ người dân để làm căn cứ xử lý đã được Ủy ban ATGT Quốc gia và các cơ quan chức năng thực hiện. Giai đoạn đầu, hình ảnh người dân gửi về chưa nhiều, nhưng sau nhiều lần Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp nhận thông tin những vụ xe đi lùi, đi ngược chiều trên cao tốc hay có thông tin trên báo chí được chuyển cho lực lượng chức năng xác minh xử phạt nên tạo được dư luận tốt.
Vậy, thực tế hình ảnh người dân cung cấp đã được dùng để xử phạt vi phạm giao thông đang được thực hiện thế nào?
Thông tin, hình ảnh vi phạm giao thông người dân đưa lên internet thì thông tin đó chỉ mang tính xã hội và cần được xác minh. Khi thông tin được chuyển cho Ủy ban ATGT Quốc gia, thông tin sẽ được chuyển cho các cơ quan báo chí xác minh, đưa tin.
Trên cơ sở đưa tin này sẽ chuyển cho cơ quan chức năng hoặc cơ quan chức năng căn cứ thông tin báo nêu để xử lý. Hiện nay, Công an TP Hà Nội đang có fanpage tiếp nhận thông tin, hình ảnh vi phạm giao thông người dân gửi về cũng phải xác minh để xử lý.
Khi thông tin gửi về cho Ủy ban ATGT Quốc gia, những thông tin đã rõ ràng xác minh ngay được thì gửi cho cơ quan chức năng xử lý. Trong trường hợp chưa xác minh được chúng tôi sẽ tiếp nhận, sau đó gửi cho cơ quan chức năng xác minh xử lý.
Một cách nữa là Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ chuyển cho các cơ quan báo chí xác minh, tạo dư luận, tạo niềm tin cho người dân, nhiều người biết được hơn là chỉ đơn thuần Ủy ban ATGT Quốc gia chuyển cho lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, còn một khía cạnh tích cực khác là khi cơ quan chức năng xử lý xong chuyển lại cho cơ quan báo chí để công bố cho người dân biết, góp phần truyền thông tốt hơn.
|
Người dân ghi lại hình ảnh một người đi xe máy ngược chiều trên đường Láng, Hà Nội (Chụp chiều 5/9) |
Ông đánh giá thế nào về việc người dân cung cấp hình ảnh vi phạm giao thông cho cơ quan chức năng? Đây có phải là công cụ để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm giao thông?
Những thông tin, hình ảnh người dân cung cấp cho báo chí và cơ quan chức năng thể hiện ý thức công dân lên tiếng bằng hành động cụ thể phản đối hành vi vi phạm. Đây là việc làm cần trân trọng. Khi người dân cung cấp những thông tin vi phạm giao thông là họ rất bức xúc và tỏ rõ thái độ lên án hành vi vi phạm đó. Ngay cả bản thân người bị xử phạt họ cũng “tâm phục, khẩu phục”, tôi chưa thấy trường hợp nào họ chối bỏ.
Tôi cho rằng, quan trọng nhất của việc làm này là được người dân ủng hộ và cùng tham gia. Người dân gửi thông tin được tiếp nhận, được trả lời, sau đó những hành vi vi phạm được xử lý và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc gửi lại cho người cung cấp thông tin. Khi người dân đã đồng tình tham gia cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật, trừng trị người vi phạm, chắc chắn mang lại hiệu quả lớn.
Cần một quy định chung
Có ý kiến cho rằng, nếu sử dụng hình ảnh từ người dân cung cấp để xử phạt vi phạm giao thông thì cần phải xem lại hiệu quả thật sự của hệ thống camera giám sát giao thông hiện nay. Bởi, nếu nó đã thật sự hiệu quả thì cần gì phải khuyến khích người dân cung cấp hình ảnh? Quan điểm của ông thế nào?
Theo tôi, chúng ta vẫn phải có những hệ thống giao thông thông minh, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để phạt nguội vi phạm giao thông của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, chỉ nên đầu tư ở những điểm nóng, các tuyến đường có lưu lượng lớn, giao thông phức tạp. Hệ thống này là bằng chứng có thể xử phạt ngay. Ngoài ra, nó còn giúp điều tiết giao thông, phân tích hình ảnh, dự báo, đưa ra những giải pháp hỗ trợ điều khiển, phân luồng giao thông.
Hiện chúng ta đã có hệ thống camera giám sát, súng bắn tốc độ của lực lượng chức năng nhưng không phải chỗ nào cũng trang bị được. Do đó, để kịp thời phát hiện vi phạm, nhất là đối với những hành vi khó phát hiện như: Lái xe nghe điện thoại, không thắt dây an toàn, những hành vi gây mất ATGT trên xe... chúng ta cần đến hàng triệu điện thoại thông minh, máy ảnh, hàng trăm nghìn camera giám sát của người dân. Thực tế, rất nhiều vụ việc đã được camera của người dân hoặc camera hành trình trên xe ô tô của người dân ghi lại cung cấp cho cơ quan chức năng. Bên cạnh việc xử phạt còn giúp xác minh nguyên nhân TNGT và kể cả vấn đề an ninh trật tự.
Để khuyến khích người dân cung cấp hình ảnh vi phạm giao thông, theo ông chúng ta nên có cơ chế khuyến khích, chẳng hạn bỏ tiền mua thông tin, hình ảnh thay vì chỉ kêu gọi như hiện nay?
Hiện nay, người dân đang cung cấp thông tin, hình ảnh miễn phí. Trong trường hợp mua thông tin thì đã được quy định tại Luật Xử phạt vi phạm hành chính, theo đó cho phép cơ quan chức năng mua tin của người dân. Nghị định 81 và Thông tư của Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể việc này. Vấn đề là triển khai thực hiện thế nào.
Hiện, CSGT mỗi địa phương đang có cách tiếp nhận hình ảnh của người dân cung cấp khác nhau, chưa thuận tiện cho người dân. Chẳng hạn như ở Hà Nội, Đà Nẵng thì tiếp nhận qua mạng xã hội, còn ở TP HCM thì người dân phải đến trực tiếp. Vậy theo ông, chúng ta nên có một cơ chế chung không?
Công an TP HCM yêu cầu người dân phải đến trực tiếp trụ sở để cung cấp hình ảnh, tôi cho rằng đây là cách giúp cho cơ quan chức năng đơn giản quy trình, xác minh dễ hơn, có người chịu trách nhiệm về thông tin đó.
Tuy nhiên, CSGT Hà Nội lại không yêu cầu như vậy, họ tiếp nhận thông tin qua facebook và chỉ yêu cầu gửi thông tin và giữ bí mật cho người gửi. Cách làm này nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và hiệu quả hơn đối với người dân. Lực lượng chức năng sẽ phải vất vả hơn trong xác minh, nhưng Công an TP Hà Nội đã nhận phần vất vả đó về mình. Với cách làm này đã tạo ra hiệu quả lớn. Mỗi nơi có một cách thức triển khai, cách tiếp cận của Công an TP Hà Nội, Cục CSGT tiếp nhận thông tin từ báo chí, các nguồn thông tin khác nhau trên mạng xã hội để xác minh xử lý đều được nhân dân ủng hộ.
Tới đây khi đưa quy định này vào Nghị định 46, khi đó Bộ Công an hay các cơ quan có chức năng xử phạt, tiếp nhận thông tin sẽ hướng dẫn cụ thể để thống nhất trong toàn quốc.
Cảm ơn ông!