Công trình trọng điểm chậm tiến độ: Quy rõ trách nhiệm

 
Chia sẻ

Những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án, công trình trọng điểm, nếu không được quan tâm giải quyết kịp thời, quy rõ trách nhiệm thì dự án sẽ có nguy cơ đổ bể, gây ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và sự phát triển chung của thành phố.

Bên cạnh nhiều dự án công trình giao thông trọng điểm của thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tạo diện mạo mới cho thành phố, vẫn còn nhiều dự án trọng điểm - là kỳ vọng của cả người dân và thành phố đang lâm vào tình trạng trì trệ, chậm tiến độ hoặc đội vốn, đứng trước nguy cơ khó hoàn thành. 

Cong trinh trong diem cham tien do: Quy ro trach nhiem - Hinh anh 1
Nhiều công trình trọng điểm TP. Hồ Chí Minh gặp khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ, phải kéo dài thời hạn hoàn thành. Ảnh: Tuổi trẻ


"Khó khăn nhất là tuyến đường Cộng Hòa, hai chiều lên xuống. Khúc Bà Quẹo Trường Chinh nữa thì bị vướng chỗ đó. Có được nhiều đường thì càng tốt, tại vì hạ tầng giao thông, đường xá có bao nhiêu đó mà càng ngày dân cư càng đông, xe càng ngày càng lên".

"Nếu mở rộng đường thì tốt quá, rất là ủng hộ việc này. Mặt đường mà bây giờ mở rộng thì hơi bị khó khăn quỹ đất". 

"Nhiều lúc đường Bạch Đằng đi sân bay hay bị kẹt chỗ đó, cũng hay kẹt khúc Lăng Cha Cả. Người ta làm được nhưng mà không có làm, chờ nhà nước triển khai thì khó lắm".

Để phát triển hạ tầng giao thông theo kịp với tốc độ đô thị hóa nhanh, không chỉ riêng TP.HCM mà các đô thị trong cả nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, năm 2019, thành phố triển khai thực hiện khoảng trên 70 dự án trọng điểm. Tính đến hiện nay,  các dự án đã và đang triển khai, kể cả dự án đang trong quá trình đầu tư là 57 dự án, bao gồm công trình nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn khác.

Trong đó, một số công trình đã hoàn thành hoặc hoàn thành một số hạng mục; tuy nhiên vẫn còn một số dự án chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu. Do việc triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thành.

Ông Vũ Xuân Nguyên – Trưởng phòng quản lý xây dựng, Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết:

"Khó khăn lớn nhất hiện nay chủ yếu là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, để triển khai công tác bồi thường là quá kéo dài. Thứ hai là phần lớn các công trình là thực hiện theo đầu tư công, bắt buộc phải thực hiện theo các quy định của luật đầu tư công, Thứ 3, một số dự án theo đối tác công tư, chúng tôi phải thực hiện theo từng bước phù hợp với quy định của chính phủ".

Vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, dẫn đến công tác  giải ngân vốn chậm, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư công, gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện.

Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn – Giám đốc trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải, trường đại học Việt – Đức cũng khẳng định, ngoài năng lực quản lý nhà nước kém thì thiếu nguồn vốn; chính sách kêu gọi đầu tư chưa thu hút; quy trình xét duyệt dự án phức tạp qua nhiều cấp, sở ban ngành và mất thời gian, chính là nguyên nhân khiến các dự án chậm tiến độ, bị đội vốn hoặc “chỉ nằm trên giấy”.

"Khó ở đây là khó toàn diện. Khó về cơ chế, cho đến chu trình xét duyệt, vấn đề kỹ thuật, năng lực quản lý, sự phối hợp giữa các sở ngành ngay trong địa phương, rồi công tác giải phóng mặt bằng… Tất cả đều thể hiện chúng ta đang thiếu hụt về năng lực, trong đó có năng lực về nhà nước – tức là thể hiện bằng thể chế, chính sách, quy định pháp luật, công tác quy hoạch, lập dự án phê duyệt dự án, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công, nghiệm thu, thanh toán… Tất cả những thứ đó rất mất thời gian và phức tạp nhưng lại không đi kèm hiệu quả".

Cong trinh trong diem cham tien do: Quy ro trach nhiem - Hinh anh 2
Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (quận 2) đã ngừng thi công do người dân cản trở, dùng hung khí tấn công công nhân. Ảnh: Báo Giao thông


Để tháo gỡ những khó khăn, ông Vũ Xuân Nguyên cho biết, trong thời gian thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ kết hợp triển khai trước một số hạng mục của dự án để đưa vào sử dụng.

"Hiện nay, chúng tôi đã phối hợp tham mưu, thứ nhất đôn đốc địa phương trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Thứ hai, tập trung thẩm định trước các dự án đầu tư xây lấp để bàn giao sớm ranh cho các địa phương để thực hiện công việc cấu phần giải phóng mặt bằng và các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng. Chúng tôi cũng phối hợp Ban quản lý đầu tư các dự án bàn giải pháp sẽ triển khai trước các hạn mục của dự án, những hạng mục nào hiệu quả cho dự án, sẽ cho triển khai trước để đưa vào sử dụng các hạng mục".

Còn theo Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, thông thường mức cho phép đội vốn của dự án khoảng 20%-30% với công trình giao thông đường bộ như cầu vượt, hầm chui; từ 30%-300% với công trình lớn, kỹ thuật phức tạp như metro. Công trình quy mô càng lớn, càng kéo dài do điều chỉnh quy hoạch, thay đổi thiết kế thì khả năng đội vốn do biến động giá cả mặt bằng, vật tư; nguy cơ khó hoàn thành là rất cao. Thực tế, 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM đều chậm tiến độ, đội vốn “khủng” khoảng 80.000 tỷ đồng và sẽ không thể hoàn thành so với kế hoạch. Do đó, việc rút ngắn thời gian triển khai các dự án là rất cần thiết. Để đẩy nhanh tiến độ, vấn đề đầu tiên thành phố cần giải quyết là nguồn vốn.


"Khi vẽ trên giấy những bản vẽ thiết kế phải đi liền với kế hoạch chính sách thu hút đầu tư. Thành phố phải quyết liệt trong việc thương thảo với trung ương, các cấp bộ ngành có cơ chế đặc thù để thành phố quyết mọi việc. Những việc như đầu tư hạ tầng như những tuyến đường xuyên tâm, vành đai, công trình trọng điểm như metro, hầm, cầu vượt tại thành khung của thành phố. Thứ hai về năng lực quản lý. Thứ ba là về sự phối hợp phê duyệt dự án, hiện nay nói là nhanh nhưng thực ra rất là chậm. Về giải phóng mặt bằng phải có những chính sách rất mở".

Dự án chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân. Thế nhưng, việc để xảy ra tình trạng dự án kéo dài, chậm khắc phục thì trách nhiệm này cần được làm rõ, nhằm sớm tháo gỡ những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm huyết mạch, thúc đẩy kinh tế thành phố và cả khu vực phát triển.

Quy rõ trách nhiệm (Bình luận của nhà báo Bùi Trọng Điển)

Những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án, công trình trọng điểm, nếu không được quan tâm giải quyết kịp thời, quy rõ trách nhiệm thì dự án sẽ có nguy cơ đổ bể, gây ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và sự phát triển chung của thành phố. 

Cong trinh trong diem cham tien do: Quy ro trach nhiem - Hinh anh 3
Tuyến metro số 2 có khả năng chậm tiến độ do công tác GPMB đình trệ. Ảnh: Báo Giao thông


Các công trình xây dựng cơ bảm, nhất là công trình giao thông trọng điểm từ lâu luôn được coi là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế- xã hội phát triển. Thế nhưng ở TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, thời gian qua, có rất nhiều công trình giao thông trầm ê, chậm tiến độ, đội vốn, gây hậu quả rất lớn đến nợ công; kéo lùi sự phát triển.

Chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng gần chục công trình ngâm hàng chục năm trời, vẫn chưa được triển khai.

Điển hình như dự án mở rộng quốc lộ 13 (đoạn từ chân cầu Bình Phước đến ngã tư Bình Triệu) kết nối giao thông giữa TP Hồ Chí Minh với Bình Dương và các tỉnh Tây Nguyên đã quy hoạch gần 20 năm, sau nhiều lần phê duyệt, bổ sung đến nay dự án vẫn nằm trên giấy; giao thông ở đây tiếp tục ùn tắc trầm trọng.

Dự án nhà ga Bình Triệu mới do Bộ GTVT làm chủ đầu tư cũng dự kiến xây dựng cách đây hơn 15 năm nhưng đến nay vẫn “ án binh bất động”, người dân trong vùng quy hoạch kêu trời vì khó khăn, những vẫn chưa có hướng giải quyết.

TP Hồ Chí Minh thời gian tới sẽ triển khai một số công trình giao thông nhằm tháo các điểm nghẽn lớn như đoạn Cộng Hòa- Âu Cơ, khép kín tuyến vành đai 2, vành đai 3.…Điều đáng nói là các công trình này đều có kế hoạch triển khai cách đây gần 10 năm. Do vậy, nếu triển khai trong giai đoạn hiện nay lại phải làm lại từ đầu; từ tính toán khâu lập dự đoán, đơn giá đền bù đến phương án tài chính; dẫn đến lãng phí rất nhiều công sức và tiền bạc.

Rõ ràng, các công trình giao thông trọng điểm chậm tiến độ không chỉ khiến cho việc đi lại của người dân khó khăn, giao thông ách tắc, không có lối ra mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển nhiều ngành nghề khác; đời sống của người dân trong vùng dự án bấp bênh, không ổn định.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đề cập rất nhiều đến những vướng mắc trong giải ngân các dự án đầu tư công, trong đó có các dự án giao thông trọng điểm và yêu cầu các bộ,ngành địa phương cần tìm cách tháo gỡ và thúc đẩy. TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh đến yêu cầu này nhưng xem ra sự chuyển động còn rất chậm chạp và thiếu quyết liệt.

Điều này thể hiện tính liên thông, liên kết; sự chồng chéo trong quản lý nhà nước ở nhiều sở, ngành địa phương hiện đang là lực cản rất lớn. Trong khi các sở, ngành loay hoay trong lập kế hoạch chi tiết,tìm nguồn lực đầu tư, lên phương án thi công; địa phương lại thể hiện sự lúng túng trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư.

Các công việc dù có phân chia nhưng không rõ ràng nên chỉ một bên chậm trễ dẫn đến cả dây chuyền dự án ngừng tiến độ; công trình vẫn dở dang, dân thì vẫn thiếu cầu đường để đi.

Kinh nghiệm của nhiều đô thị lớn trên thế giới là cùng với quy hoạch tổng thể là quy hoạch chi tiết; đồng thời làm có trọng tâm, trọng điểm không rải mành mành, giăng mắc khắp nơi; làm đâu ra đó. Có người chịu trách nhiệm chung; phân quyền phân cấp rõ ràng ở từng phân khúc; nếu chậm tiến độ sẽ bị xử lý.

TP Hồ Chí Minh trong năm nay sẽ triển khai rất công trình giao thông, trong đó có nhiều công trình mang tính đột phá nhằm giải bài toán kẹt xe nghiêm trọng đang diễn ra. Do vậy rất cần những quyết tâm đủ mạnh; nêu cao tính kỷ luật kỷ cương trong xây dựng cơ bản để quy trách nhiệm và xử lý các tập thể và cá nhân cố tình làm chậm tiến độ; để dự án” trôi” hết năm này qua năm khác.

Có làm được như vậy mới mong giao thông của thành phố bớt nút thắt; mở ra các cơ hội cho kinh tế- xã hội phát triển.

Theo VOV Giao thông

Tin liên quan