Theo thông tin từ một số trạm đăng kiểm trên địa bàn Hà Nội, trong những ngày đầu nới lỏng giãn cách, lượng phương tiện đi đăng kiểm rất đông và nhiều xe quá hạn do phải dừng hoạt động trong thời gian TP áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Nhưng đến thời điểm 1/10, Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới thay thế Thông tư số 70/2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành, các chủ xe đi đăng kiểm không còn phải chờ đợi, xếp hàng quá lâu.
|
Từ ngày 1/10, nhiều quy định mới về đăng kiểm xe cơ giới có hiệu lực. |
Ông Lê Văn Bình – Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 29-22D cho biết, kể từ 1/10, người đến đăng kiểm tại trạm sẽ được hướng dẫn chỉ cần xuất trình giấy đăng ký xe (bản chính, giấy biên nhận thế chấp bản chính tại tổ chức tín dụng; hoặc giấy hẹn cấp đăng ký xe). Theo quy định mới tại Thông tư 16, người đi đăng kiểm không cần xuất trình bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Đối với các xe kinh doanh vận tải và xe thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình, camera, trường hợp chủ xe chưa nắm rõ những thông tin cần khai báo, nhân viên kiểm định sẽ hướng dẫn cụ thể.
|
Một nhân viên kỹ thuật kiểm tra chất lượng xe ô tô tại trạm 29-22D. |
Theo ghi nhận của PV, có không ít chủ phương tiện cố chờ đến 1/10 mới đi đăng kiểm để được hưởng chính sách mới do điểm mới trong Thông tư 16 có quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở người đến 9 chỗ được tăng thời hạn chu kỳ kiểm định thêm 6 tháng so với trước. Trường hợp xe mới đi đăng kiểm lần đầu được cấp thời hạn kiểm định 24 tháng, xe có thời hạn sản xuất đến 5 năm có thời hạn 12 tháng/lần.
|
Thông tin về hồ sơ cần khai báo theo quy định mới sẽ được các nhân viên tại trạm đăng kiểm hướng dẫn nếu người dân chưa nắm rõ. |
Nhìn chung, việc áp dụng các quy định mới trong hoạt động đăng kiểm đã được các trạm trên địa bàn Thủ đô thực hiện tốt không xảy ra vướng mắc, bất cập. Dù vậy, vẫn còn một số hiểu lầm đối với một số chủ phương tiện cá nhân không kinh doanh vận tải. Cụ thể, có không ít người hiểu lầm và cho rằng việc không cần xuất trình bảo hiểm trách nhiệm dân sự đồng nghĩa với “bỏ” hẳn loại giấy tờ này.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc bỏ quy định xuất trình giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nhân sự chủ xe cơ giới khi đăng kiểm chỉ giúp giảm tối đa giấy tờ; tạo thủ tục thông thoáng cho DN, người dân và đơn vị đăng kiểm. Do đó, người dân vẫn có thể bị xử phạt nếu không xuất trình được bảo hiểm khi lực lượng CSGT kiểm tra.
|
Xe kinh doanh vận tải được cấp mẫu tem kiểm định mới, với nền màu vàng phía trên và màu xanh phía dưới. |
Bên cạnh đó, một số chủ xe ô tô cá nhân vẫn có thắc mắc với nhân viên đăng kiểm về việc giảm phí đường bộ khi cho rằng thời gian qua phương tiện không sử dụng các loại đường bộ nhưng vẫn phải đóng phí là bất cập. Tuy vậy, theo Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, hiện tại các Bộ GTVT; Bộ Tài chính chưa có quy định về giảm phí cho phương tiện không kinh doanh vận tải.
Trước đó, Thông tư 47/2021/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành quy định mức thu một số khoản phí, trong đó giảm 30% phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2021 cho xe ô tô nhưng chỉ áp dụng với phương tiện kinh doanh vận tải hành khách.
Từ ngày 1/10, Thông tư số 70/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ (thay thế Thông tư số 293/2016/TT-BTC) cũng có hiệu lực thi hành, theo đó mức thu phí đường bộ được quy định cụ thể cho từng loại xe với mức từ 130.000/tháng cho đến 1.430.000 đồng/tháng.