Bước tiến lớn
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, các đại biểu đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Các nội dung về mức giá khởi điểm, quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá, phạm vi thực hiện thí điểm, xác định thế nào là “biển số đẹp”... nhận được nhiều ý kiến góp ý của đại biểu.
Báo cáo của Bộ Công an khẳng định, việc quy định người dân tham gia đấu giá trên toàn quốc không theo hộ khẩu thường trú là phù hợp, khả thi. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu bảo đảm được yêu cầu về quản lý đúng như nội dung Bộ Công an đã báo cáo thì đây là một bước tiến lớn trong công tác xã hội hóa các hoạt động của đấu giá tài sản.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, Nghị quyết quy định người dân trên toàn quốc được đấu giá biển số ở tất cả các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư nên quy định thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là hợp lý. “Qua quan sát, tôi nhận thấy người dân chia số đẹp thành 2 nhóm: Nhóm theo quan niệm dân gian có các số 39, 79, 68 và nhóm các số sắp xếp theo quy tắc khoa học 12121, 88899. Trong thực tế, đa số người dân yêu thích khi gắn biển đẹp vào ô tô đã giúp giá trị của xe ô tô tăng lên rất nhiều, có xe 800 triệu đồng khi có được biển kiểm soát 5 số 9 đã bán lại 1,7 tỷ đồng” - đại biểu cho biết.
|
Việc đấu giá biển số xe ô tô vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, vừa mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Ảnh: Thanh Hà |
Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) kiến nghị quy định rõ thêm điều kiện của xe ô tô thuộc sở hữu của mình được phép đăng ký gắn với biển số xe trúng đấu giá; như phải là xe mới chưa đăng ký hoặc xe đã đăng ký rồi nhưng được chuyển sang biển đã trúng đấu giá. Đồng thời, đại biểu đề xuất việc xã hội hóa đấu giá tài sản theo hướng người được cho, tặng, nhận thừa kế được phép giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác, vì có thể có trường hợp người được bố, mẹ cho, tặng hoặc được nhận thừa kế muốn giữ lại biển số làm kỷ niệm, đăng ký cho xe khác của mình.
Sớm tạo hành lang pháp lý
Thực tế, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng việc đấu giá biển số xe. Số tiền mang lại từ hoạt động đấu giá biển số xe dùng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, việc này sẽ hạn chế được nạn tiêu cực trong cấp biển số, bởi hiện nay thực tế cho thấy công tác này còn tình trạng xin - cho.
Mặc dù khẳng định sự cần thiết đấu giá biển số xe nhưng nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc xã hội hóa đấu giá biển số xe sẽ có những khó khăn trong quá trình thực hiện. Luận bàn về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hiện nay, việc đấu giá biển số xe chưa có khung pháp lý cụ thể.
“Theo Luật Đấu giá tài sản năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, tài sản đấu giá được liệt kê tại Điều 4 của luật này, tuy nhiên để xác định biển số xe là loại tài sản cụ thể nào trong số các tài sản đấu giá là việc không dễ dàng. Do đó, để có thể triển khai đấu giá biển số xe từ việc xã hội hóa thì nên có khung pháp lý riêng, trên cơ sở phù hợp với Luật Đấu giá tài sản” - luật sư Nguyễn Hồng Thái nói.
Nếu dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để nhân rộng việc xã hội hóa đấu giá tài sản biển số xe ô tô, vừa giúp có thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, vừa bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch trong quản lý kho biển số xe ô tô.
Bộ Công an sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu về một số nội dung chính như tên gọi Nghị quyết, phạm vi thí điểm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, biển số xe được đưa ra đấu giá, giá khởi điểm, tiền đặt trước, việc quản lý, sử dụng tiền thu được thông qua đấu giá, quy trình thủ tục đưa ra đấu giá… Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm |