Tai nạn đâu chỉ do tài xế?
Những đánh giá tai nạn trên tuyến đường Cam Lộ – Túy Loan (gồm La Sơn - Túy Loan và Cam Lộ - La Sơn) thời gian qua đều cho thấy, phần lỗi của tài xế chiếm đa số, thậm chí có tài xế chạy nhanh vượt ẩu gây tai họa.
Nhưng phải chăng, chính thiết kế, kết cấu tuyến đường cùng các hạng mục thiết bị cũng là nguyên nhân gây ra những xử lý sai lệch của tài xế khi lưu thông ở tuyến đường này? Bởi lẽ một cách logic, các tài xế trước khi vào tuyến đường này đã lái xe với hành trình dài, đi qua không ít cung đường nguy hiểm, nếu họ quen phóng nhanh hay thiếu sự quan sát, tại sao trước đó không gây tai nạn?
Nhận xét này được một chủ doanh nghiệp vận tải khu vực Đà Nẵng – Quảng Nam đưa ra, khi nhìn lại sự cố tai nạn với chính một lái xe của ông, trên tuyến đường cao tốc nối giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế (La Sơn – Túy Loan).
Theo đó, chủ doanh nghiệp nhìn nhận, chính địa hình, điều kiện khí hậu kèm theo, cùng những bất ổn trong thiết kế đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc này, là những chi tiết đáng quan tâm. Thứ nhất, tuyến đường này có địa hình đồi dốc quanh co, hoang vắng, thường xuyên bị sương mù che phủ tầm nhìn, nhiều đoạn qua các khe suối tạo vực sâu phía taluy âm rất nguy hiểm.
Thứ hai, tuyến đường không có dải phân cách cứng cũng không có đèn đường, các tín hiệu, thiết bị, bảng hiệu dẫn báo giao thông không dễ nhìn thấy từ xa.
Thứ ba, tuyến đường bố trí 2 làn xe, nhưng có đoạn 4 làn xe, khiến các tài xế nảy sinh tâm lý đi nhanh, vượt xe khác trước khi đi vào các “nút thắt cổ chai” 2 làn trở lại. Tất cả tạo bối cảnh nguy hiểm cho các xe đi trên tuyến đường, chỉ cần tài xế thiếu một chút tập trung là đã có thể xảy ra tai nạn.
Các cơ quan chức năng trong thời gian qua, sau các vụ việc, đã nhận định rõ những điểm bất ổn này, đưa ra các giải pháp lắp thêm các giải phân cách mềm, sơn vạch phản quang dẫn đường, tăng số lượng biển báo, tín hiệu viễn thông… hỗ trợ lái xe. Tốc độ xe trên tuyến đường cũng bị giới hạn lại. Những đoạn tiếp nối giữa 2 và 4 làn xe đều được lưu ý khoảng cách, để các tài xế chú ý.
Tuy nhiên, qua những biện pháp xử lý đó, nguy cơ tai nạn trên tuyến đường Cam Lộ – Túy Loan vẫn rình rập, bởi theo các lái xe, chính thiết kế, tổ chức tuyến đường, và nhất là chất lượng đường sá trên thực địa, mới là những lý do chính dẫn đến tai nạn. Không ít vị trí đèo dốc dọc tuyến đường khúc khuỷu, buộc xe phải phanh gấp, hoặc phải giảm tốc đột ngột, đã làm các tài xế lo ngại. Thực tế thời gian qua, vào những lúc thời tiết khu vực bất ổn, sương mù tăng, các tài xế qua đây đều chọn đi theo tuyến QL1A cũ, để đảm bảo an toàn, hơn là vào đường Cam Lộ – Túy Loan.
Câu hỏi từ trách nhiệm năng lực
Điều đáng nói là những chi tiết hiểm họa gắn với thiết kế, đầu tư xây dựng con đường đều liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư, triển khai thi công. Một lý luận đơn giản được đưa ra là chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng tuyến đường, sẽ chỉ làm đúng chỉ đạo, tuân thủ theo thiết kế dự án, được các bên tư vấn và giám sát kỹ thuật chịu trách nhiệm. Do đó, khi xây dựng xong tuyến đường, bàn giao kỹ thuật và thông xe xong, thì chủ đầu tư và các bên thi công không còn chịu trách nhiệm trực tiếp nữa. Điều này, thực sự cần được xem lại, để đảm bảo phần trách nhiệm rõ ràng hơn cho chủ đầu tư dự án và các bên thi công.
Không nói đến những phần tắc trách, sai phạm nào đó ẩn giấu mập mờ trong thi công, chỉ xét cụ thể, chủ đầu tư tuyến đường cao tốc và các nhà thầu thi công, đều là những đơn vị có chuyên môn, năng lực về thiết kế, xây dựng cầu đường. Họ là đội ngũ những người dày kinh nghiệm khi tham gia các dự án giao thông, làm đường cao tốc, đồng nghĩa với vai trò, trách nhiệm ở chính các công trình đảm nhận phải được khẳng định.
Lật lại tuyến đường cao tốc tương cận là Đà Nẵng – Quảng Ngãi, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã chỉ ra rất nhiều sai phạm trong quá trình đầu tư, dẫn đến nhiều cá nhân và đơn vị tham gia dự án này phải sa vòng lao lý.
Cơ bản là, chất lượng công trình, cùng những điểm sai sót trong thiết kế kỹ thuật, thẩm định giám sát, đã tạo nên những lỗ hổng sai phạm nghiêm trọng ở tuyến đường. Nếu chỉ căn cứ các biên bản bàn giao, tuyến đường đã đi vào khai thác, để nhận định trách nhiệm chủ đầu tư và các bên thi công là không còn, là không hợp lý. Dù muốn hay không, với một dự án đầu tư công, vai trò tham gia, tư vấn của chủ đầu tư và các bên thi công, cũng phải được ấn định minh bạch trách nhiệm.
Đối chiếu với đường Cam Lộ – Túy Loan, có thể thấy, trong quá trình thi công, chủ đầu tư và các bên thi công đều nhận ra được những bất cập, sai sót ở khâu thiết kế, hay bố trí theo địa hình, khí hậu. Những điểm bất lợi, nguy hiểm nếu được chỉ ra, phản ảnh trong quá trình đó, chắc chắn sẽ nhận được phản hồi kịp thời, chính xác hơn từ cơ quan chủ quản để ngăn chặn từ đầu. Như vậy, vai trò trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà thầu, mới thực sự rõ ràng và hợp lý.
Nếu chỉ đơn giản căn cứ theo các hồ sơ thầu, theo tiến độ dự án đầu tư để quy vấn đề cho chủ đầu tư và các nhà thầu, sẽ là việc làm khiên cưỡng.
Song, với trách nhiệm của những người làm chuyên môn, những đơn vị có năng lực thực thụ, và với trách nhiệm của những con người nghĩ về sự an toàn, phát triển đời sống người dân, lợi ích xã hội, rõ ràng chủ đầu tư và các bên thi công không thể đơn giản nói câu không liên đới trực tiếp. Những vụ tai nạn ở tuyến đường Cam Lộ – Túy Loan, hay ở những dự án đường cao tốc, dự án đầu tư công khác, cần phải xác định, vận động, thúc giục rõ hơn trách nhiệm luân lý của những đơn vị tham gia từ đầu. Qua đó, trách nhiệm xã hội và với con người của những bên tham gia đầu tư công mới thực sự được khẳng định.
Sỹ Linh