Dịch Covid-19 tái xuất tại Việt Nam: Ngành hàng không “khó chồng khó”

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 đã chấm dứt quãng thời gian ngắn ngủi phục hồi hoạt động sau đợt dịch đầu của các hãng hàng không.

Cuộc chiến mới 
Sau một thời gian đình trệ bởi dịch bệnh Covid-19, hàng không chính thức được khôi phục hoạt động 100% công suất từ 0 giờ ngày 8/5. Đến cuối tháng 6/2020, tức là chưa đầy 2 tháng sau khi được khai thác trở lại, thị trường nội địa của ngành hàng không đã gần như được phục hồi hoàn toàn. Thậm chí, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu khôi phục đường bay quốc tế từ cuối tháng 7/2020. Tuy nhiên, kế hoạch đó chưa kịp thực hiện thì Covid-19 đã quay trở lại và lan ra nhiều địa phương trên cả nước.
Ngày 28/7, các hãng bay đồng loạt thông báo dừng khai thác chuyến bay đến Đà Nẵng. Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 2 này dù mới bắt đầu chưa lâu nhưng đã gây ra những tổn thất không nhỏ. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, đã có tới 11 đường bay từ các cảng hàng không trong nước đi/đến Đà Nẵng phải dừng hoạt động.
Chỉ riêng dừng khai thác các đường bay đến Đà Nẵng đã khiến số chuyến bay khai thác nói chung giảm khoảng 12%, lượng khách giảm khoảng hơn 30% so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát trở lại.
Đặc biệt, việc dừng đột ngột các chuyến bay do Covid-19 đã khiến các hãng hàng không thiệt hại rất nặng. Theo số liệu đặt chỗ của các hãng hàng không, từ ngày 27 - 31/7, số lượng khách đến Đà Nẵng lên tới 80.000. Như vậy, sau lệnh dừng bay đến đây, ít nhất có chừng ấy vé phải hoàn, hủy, chưa tính lượng vé máy bay đã được hành khách đặt mua và bay trong tháng 8/2020. Đó là chưa kể, đi cùng với việc hủy vé, các hãng bay vẫn tiếp tục duy trì những chính sách hỗ trợ khách hàng.
Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, với diễn biến hiện tại của dịch bệnh Covid-19, chắc chắn nhu cầu chở khách du lịch đối với hàng không sẽ không thể đạt mức như trước khi có dịch cho đến năm 2023 hoặc 2024. Điều này có nghĩa trong 3 - 4 năm tới, ngành hàng không toàn cầu sẽ chỉ có một mục tiêu duy nhất là bù lỗ và khôi phục sản xuất.
Thậm chí, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế còn dự báo, hiện mới chỉ là giai đoạn đầu của chặng đường dài đầy khó khăn của các hãng hàng không. Những chông gai thật sự của ngành hàng không vẫn còn ở phía trước. Và có một điều chắc chắn, hàng không sẽ không bao giờ có thể phát triển bền vững chừng nào việc đi lại quốc tế bị đóng cửa hoặc hạn chế như hiện nay.
Bức tranh ảm đạm
Không lâu sau khi Covid-19 tái xuất, các hãng hàng không đồng loạt công bố kết quả kinh doanh quý II/2020 và 6 tháng đầu năm 2020 với những con số rất ảm đạm. Theo Công ty CP Hàng không Vietjet Air, trong quý II/2020, doanh thu vận tải hàng không của Vietjet chỉ đạt 1.970 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ và lỗ 1.122 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, hãng lỗ trong hoạt động vận tải hàng không 2.111 tỷ đồng.
Riêng Bamboo Airways hiện vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên trước đó, Bamboo Airways cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, hãng bay này ghi nhận khoản lỗ hơn 1.500 tỷ đồng trong quý I/2020.
Còn với Vietnam Airlines, đây là hãng hàng không lớn nhất nước đồng thời cũng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Bởi vậy không bất ngờ khi doanh thu vận tải hàng không lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2020 của hãng lỗ tới hơn 6.500 tỷ đồng dù đạt doanh thu gần 25.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ngay khi đợt bùng phát đầu tiên của Covid-19 kết thúc, Vietnam Airlines đã tính toán sản lượng khai thác năm 2020 trong bối cảnh hoạt động của hãng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Theo đó, Vietnam Airlines ước tính sản lượng khai thác cả năm sẽ giảm khoảng 48% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng; lỗ gần 20.000 tỷ đồng (sau cắt giảm chi phí còn lỗ khoảng 15.000 - 16.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, với việc Covid-19 tái xuất, có lẽ hãng bay này sẽ phải tính toán lại sản lượng khai thác năm 2020 với con số suy giảm lớn hơn 48% rất nhiều.
Ngày 10/8, Vietnam Airlines - hãng hàng không lớn nhất Việt Nam đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Trước thềm đại hội, lãnh đạo Vietnam Airlines khẳng định, mối quan tâm lớn nhất của các cổ đông Vietnam Airlines không phải kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019 mà là kế hoạch làm thế nào để hãng bay này trụ vững, tiến tới phục hồi, tái phát triển trong thời gian tới.
“Trên cơ sở dự báo môi trường kinh doanh và cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng những khó khăn, thuận lợi, cơ hội, thách thức, đặc biệt trước bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, Vietnam Airlines đã xây dựng kế hoạch sản xuất năm 2020 theo định hướng từng bước phục hồi hậu quả sau dịch Covid-19 và tái phát triển ổn định, bền vững” - đại diện Vietnam Airlines nói.
Sớm có chính sách hỗ trợ mới, dài hơi
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS. TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính nhận định, sự tái phát của dịch Covid-19 dự báo sẽ tạo ra sức tàn phá rất lớn đối với nền kinh tế, đặc biệt đối với hai lĩnh vực hàng không và du lịch. Thậm chí, sức tàn phá của dịch bệnh lần này sẽ còn lớn hơn lần đầu tiên. “Thiệt hại mà Covid-19 mang lại là không phải bàn cãi. Không ít hãng hàng không tên tuổi trên thế giới đã bị phá sản bởi Covid-19 rồi” - PGS. TS Ngô Trí Long nói.
Theo chuyên gia kinh tế này, dù chịu thiệt hại vô cùng nặng nề nhưng việc các hãng hàng không Việt Nam đứng vững sau đợt bùng phát đầu tiên của Covid-19 là điều rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, với đợt bùng phát mới này, hậu quả mà dịch bệnh mang lại dự báo sẽ đáng sợ hơn rất nhiều. Bởi nó xảy ra đúng vào thời điểm rất nhạy cảm của nền kinh tế, đó là thời điểm phục hồi. Lúc này, hàng không cũng như nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế đều đã “kiệt sức” sẽ khó lòng có sức chịu đựng tốt bằng thời điểm đầu năm 2020.
Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, hàng không và du lịch vẫn luôn là 2 lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề của dịch Covid-19. Nếu để khó khăn kéo dài trong bối cảnh dịch bệnh lại vừa quay trở lại hoàn toàn có thể khiến các hãng bay đối mặt với nguy cơ phá sản” – chuyên gia Nguyễn Thiện Tống nói và cho rằng, cần sớm có những chính sách hỗ trợ mới, dài hơi hơn cho hàng không.

"Hàng không có vai trò đặc biệt trong đời sống kinh tế - xã hội. Đây không đơn thuần chỉ là lĩnh vực vận tải mà còn giữ nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng... Cho nên, việc giữ vững ngành hàng không trước “cơn bão” Covid-19 phải là một trong những nhiệm vụ hàng đầu." -PGS. TS Nguyễn Thiện Tống


"Sự ngưng trệ của ngành hàng không tác động tiêu cực đến sự phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm thương mại, dịch vụ, du lịch... Mỗi việc làm trong ngành hàng không có thể tạo thêm hàng chục việc làm cho các ngành lĩnh vực kinh tế khác. Với tình hình như hiện nay, chắc chắn ngành hàng không vẫn đang phải chịu lỗ." -Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS Nguyễn Đức Kiên

Quý Nguyễn

Tin liên quan