Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: nhân lực là yếu tố then chốt

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Đối với các dự án hạ tầng lớn và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (ĐSTĐC) nói riêng, nhân lực là yếu tố then chốt. Từ khi đầu tư, xây dựng cho đến quản lý, vận hành sau này, nhân lực sẽ luôn là một trong những nguồn lực quan trọng nhất với dự án.

Cần khoảng 220.000 nhân sự

ĐSTĐC Bắc - Nam là công trình quy mô lớn, phức tạp, chưa từng có tiền lệ ở nước ta. Theo tính toán, công tác quản lý dự án đào tạo cần 700 - 1.000 nhân sự; Đơn vị tư vấn cần đào tạo từ 1.000 - 1.300 nhân sự; Đơn vị vận hành khai thác cần đến 13.800 nhân sự; Lĩnh vực nhà thầu xây dựng, các cơ sở, tổ hợp công nghiệp thi công xây dựng, chế tạo, sản xuất vật tư, linh kiện theo lộ trình thực hiện dự án cần khoảng 220.000 nhân lực.

Ông Vũ Hồng Phương - Giám đốc Ban QLDA Đường sắt, Bộ GTVT cho biết, để đáp ứng yêu cầu triển khai dự án, chương trình đào tạo nguồn nhân lực được xác định thực hiện theo 3 loại hình đào tạo gồm: đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài, kết hợp đào tạo trong và ngoài nước.

Có 4 cấp trình độ gồm: công nhân kỹ thuật, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ cho 5 chủ thể là: cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị quản lý dự án, đơn vị vận hành khai thác, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu.

Chuyên gia giao thông, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cho rằng, để triển khai dự án, công tác chuẩn bị nguồn nhân lực rất quan trọng, từ đầu tư, thi công đến vận hành, công việc này cần nhiều thời gian. Phải tập trung đào tạo từ sớm sau mới nâng cao tính chủ động.

Nếu không có nhân lực, cứ thuê người nước ngoài và mua trang thiết bị thay thế trong khi nhược điểm của công nghệ này là khối lượng bảo trì lớn, sẽ bị phụ thuộc và ảnh hưởng nghiêm trọng quá trình vận hành dự án.

Duong sat toc do cao Bac - Nam: nhan luc la yeu to then chot - Hinh anh 1
Dự án ĐSTĐC Bắc - Nam cần một khối lượng nhân sự cực lớn từ khi đầu tư, xây dựng cho đến khi quản lý, vận hành về sau.

Hơn nữa, ngoài các nhân sự được đào tạo bằng kinh phí của dự án (quản lý dự án, vận hành khai thác), việc đề xuất bố trí kinh phí từ dự án để đào tạo cho cơ quan quản lý Nhà nước, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, cấp học bổng cho học viên các chuyên ngành đặc thù, xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung để phục vụ đào tạo, nghiên cứu và phát triển… cũng rất cần thiết. 

Từ thực tế các dự án đường sắt đô thị triển khai chậm có thể thấy, một trong những nguyên do là trong nước thiếu nhân lực am hiểu về loại hình vận tải này. Rút kinh nghiệm, việc “đi trước một bước” trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ĐSTĐC cần được chuẩn bị thật kỹ lưỡng, chu toàn.

 

Lập đề án riêng

ĐSTĐC Bắc Nam đã qua 18 năm ấp ủ, nghiên cứu, Chính phủ và các bộ ngành đã nhận diện rõ, để vận hành ĐSĐT đòi hỏi cực nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố nhân sự vận hành.

Lường trước được những khó khăn từ kinh nghiệm triển khai đường sắt đô thị, Bộ GTVT đã giao các đơn vị lập đề án riêng về đào tạo nguồn nhân lực kèm theo đề án của dự án. Trong đó, có những nhân lực sẽ được đào tạo từ sớm ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư để nghiên cứu loại hình, công nghệ đầu tư, quản lý dự án.

Trước đó, trong cuộc họp triển khai tiến độ của dự án ĐSTĐC với các đơn vị liên quan hồi tháng 9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, một số DN... xây dựng và triển khai lộ trình tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ công nghệ và phát triển công nghiệp đường sắt từ sản xuất trang thiết bị, vận hành, quản trị; bảo đảm đồng bộ, thống nhất về công nghệ, quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT cần triển khai "trước một bước" trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, sẵn sàng tiếp nhận, làm chủ công nghệ, thiết kế kỹ thuật, chế tạo trang thiết bị, vận hành, quản lý... ngành đường sắt.

Góp ý về nguồn nhân lực khổng lồ đối với việc vận hành ĐSTĐC trong tương lai, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đề nghị Nhà nước hỗ trợ tổ chức cho DN Việt Nam học tập kinh nghiệm của DN lớn nước ngoài về triển khai các công trình quy mô lớn; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, ngành liên quan tiêu chuẩn, định mức chuyên ngành để áp dụng cho các công trình ngành giao thông, đặc biệt là công trình đường sắt tốc độ cao… Qua đó các DN sẽ chuẩn bị thật tốt nguồn lực.

Theo các chuyên gia trong ngành GTVT, song song với việc chuẩn bị nhân sự thì một điều quan trọng tiếp theo là phải nhanh chóng đào tạo đội ngũ nhân lực quản trị, vận hành, áp dụng công nghệ hiện đại, số hóa được toàn bộ hệ thống.

Hiện nay, hệ thống AI có thể hỗ trợ tính toán, điều khiển toàn bộ ĐSTĐC. Trong trường hợp xảy ra các sự cố bất khả kháng trong khi đang vận hành như thiên tai, bão lụt thì AI có thể phân tích chính xác và cho dừng toàn tuyến vào thời điểm phù hợp, đảm bảo tính chính xác tuyệt đối.

Huyền Sâm

Tin liên quan