Để hiểu rõ hơn xu thế và khả năng phát triển xe điện tại Việt Nam trong thời gian tới, đề xuất và thúc đẩy các chính sách phát triển xe điện, Báo Giao thông phối hợp với Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (Green ID) cùng Lab 100RE tổ chức tọa đàm “Tương lai phát triển xe điện tại Việt Nam” sáng 21/12, nằm trong khuôn khổ "Tháng Năng lượng tái tạo 2021 (REM21)".
Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý sẽ đưa ra những kịch bản phát triển và dự báo quy mô thị trường xe điện tại Việt Nam; Khả năng ảnh hưởng của xe điện đối với quy hoạch, vận hành hệ thống điện; Đồng thời, sẽ có những đề xuất sự thay đổi về tư duy chính sách, công nghệ, máy móc, kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ đối với sản phẩm xe điện... nhằm thúc đẩy phát triển phương tiện xanh, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam.
|
Ban tổ chức và các diễn giả tại tọa đàm. |
3 kịch bản điện hóa giao thông
“Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường. Với những lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam đang có một tiền đề quan trọng tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050... Để góp phần chung tay chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống, việc thúc đẩy đầu tư, phát triển các loại hình năng lượng tái tạo cần phải gắn chặt với xây dựng một hệ sinh thái tiêu dùng năng lượng xanh, sạch. Và xe điện là một trong những “đầu ra” trong chuỗi hành động này” - Đó là khẳng định của TS Nguyễn Quốc Khánh - chuyên gia năng lượng, đại diện nhóm nghiên cứu "Phát triển xe điện: Dự báo xu thế và hàm ý cho Việt Nam".
TS Nguyễn Quốc Khánh thông tin, trong giai đoạn 2010 - 2019, số lượt hành khách luân chuyển tăng 9%/năm. Trong đó, giai đoạn 2014 - 2020, mỗi năm trung bình có 5,14 triệu xe máy, 255.000 ôtô con được đăng ký mới; xe đạp điện đăng ký mới trung bình khoảng 250.000 chiếc.
Trong đó, tiêu thụ năng lượng giao thông chiếm 21,4% tổng tiêu thụ quốc gia năm 2014, tăng 4,9% giai đoạn 2014 - 2019, nhanh hơn tốc độ tăng toàn ngành ở mức 3,4%. Tổng phát thải 33,2 triệu tấn, chiếm 19,3% phát thải từ lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, trong quy hoạch và chiến lược phát triển giao thông lại chỉ quy định về hạ tầng, không xem xét đến các phương tiện giao thông.
Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII (bản tháng 10/2021), công suất lắp đặt các nguồn điện tăng gấp đôi vào năm 2030, và tăng gấp đôi lần nữa vào năm 2045. Trong đó, năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện lớn) tăng từ 30,2% năm 2020, đạt 42,% năm 2045 và hệ số phát thải điện lưới giảm dần.
Đối với kịch bản điện hóa trong giao thông, ông Nguyễn Quốc Khánh nêu ra 3 kịch bản chính: Kịch bản cơ sở, kịch bản phát triển vừa và kịch bản cao. Với kịch bản cơ sở, sự thâm nhập xe điện sẽ ở mức thấp, chủ yếu là xe máy điện, tỷ lệ xe máy điện chiếm 18% xe máy bán mới năm 2030 và 40% năm 2050.
Còn kịch bản phát triển vừa, tỷ lệ xe máy điện chiếm 34% xe bán mới năm 2030 và 65% năm 2050. Xe ô tô con điện chiếm 30% xe bán mới năm 2030. Còn kịch bản cao, tỷ lệ xe điện chiếm 72% xe bán mới vào năm 2030, 100% vào năm 2050; ô tô con chiếm 30% vào năm 2030, 70% vào năm 2050; xe buýt chiếm 10% vào năm 2030, 30% vào năm 2050; xe bán tải, xe tải hạng nhẹ và hạng trung chiếm 5% vào năm 2030 và 30% vào năm 2050.
Với các kịch bản điện hoá giao thông như vậy, TS Nguyễn Quốc Khánh cho biết, nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian tới là rất lớn. Trong đó, với kịch bản 2, nhu cầu tiêu thụ điện vào năm 2030 trong lĩnh vực giao thông cần khoảng 3,99 tỷ kWh, tương đương điện lượng của 1/2 nhà máy Thủy điện Hòa Bình; năm 2050 là 17,57 tỷ kWh, tương đương 2 nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Còn với kịch bản 3, nhu cầu điện cho lĩnh vực giao thông khoảng 8,48 tỷ kWh vào năm 2030, tương đương nhà máy Thủy điện Hòa Bình; con số này tăng lên 71,87 tỷ kWh vào năm 2050, tương đương 10 nhà máy Thủy điện Hòa Bình.
Về kết quả phát thải khí nhà kính, theo tính toán của nhóm nghiên cứu, với kịch bản 2 sẽ giảm 1,8% phát thải khí nhà kính năm 2030 và 4,7% năm 2050 nếu cơ cấu nguồn điện như tổng sơ đồ Điện VIII giữ nguyên. Còn kịch bản 3 sẽ giảm 3,3% lượng phát thải khí nhà kính năm 2030 và 13,6% năm 2050 nếu cơ cấu nguồn điện như tổng sơ đồ Điện VIII giữ nguyên.
|
Xe buýt điện VinFast đã được đưa vào khai thác tại Hà Nội. |
Thiếu hạ tầng đồng bộ
Nhận định về hạ tầng phát triển xe điện ở Việt Nam, TS Nguyễn Đức Tuyên (Đại học Bách khoa) cho rằng, ngoài 200 trạm sạc của Vinfast, hiện ở Việt Nam hầu như chưa có hạ tầng cho phát triển xe điện; các tiêu chuẩn của Việt Nam về phát triển loại hình phương tiện này cũng chưa có và chưa thống nhất; chưa có các chính sách ưu đãi cho xây dựng trạm sạc.
Do vậy, để có cơ sở thúc đẩy sự phát triển xe điện ở Việt Nam, ông Nguyễn Đức Tuyên cho rằng cần hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, như yêu cầu kỹ thuật và an toàn điện với hệ thống sạc nhanh, thay thế pin và ắc quy... Đồng thời, tối ưu hóa các trạm sạc và vị trí sạc pin bằng việc sử dụng các nguồn điện sạch, năng lượng tái tạo, quản lý cân bằng công suất lưới.
"Bên cạnh đó cần có những chính sách hỗ trợ trực tiếp vào giá mua xe, thuế, chi phí sạc, lắp đặt trạm sạc tại nhà; đánh thuế vào phát thải cao. Thậm chí cần có khu vực vận hành riêng cho xe điện, giống như cho xe BRT hiện nay" - TS Nguyễn Đức Tuyên nói.
Đồng quan điểm, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) Trần Quang Hà cho biết, đối với xe điện 4 bánh, việc an toàn về điện và pin là điều kiện bắt buộc, cần đưa vào quản lý với hàng hoá nhóm 2 theo quy chuẩn.
"Kế hoạch là 2022 sẽ xây dựng quy chuẩn về pin. Để đầu tư và thử nghiệm theo quy chuẩn quốc tế là vấn đề rất nan giải, bởi nó ảnh hưởng tới những yếu tố kỹ thuật như rung động, môi trường... Nhưng cái này phải làm, trước mắt sẽ học hỏi kinh nghiệm quốc tế, chấp nhận kết quản thủ nghiệm của nước ngoài” - vị này nhấn mạnh. Ngoài ra, đối với tiêu chuẩn quy chuẩn như vậy, chúng tôi nỗ lực hoàn thiện sớm kiểm soát chất lượng khi xe điện phát triển. Đồng thời có những chính sách về thuế phí cho phù hợp, để có lộ trình chuyển sang xe thuần điện.
Tại EU đã có đề xuất yêu cầu 33 - 65% thị phần mua xe buýt công cộng vào 2030. Ủy ban Châu Âu cũng đề xuất hỗ trợ loại bỏ việc buôn bán xe hạng nhẹ sử dụng xăng, diesel.
Tại Nhật Bản cũng đưa ra mục tiêu xe điện chiếm 100% thị phần xe hạng nhẹ năm 2035. Tại Mỹ, điều luật SAFE thắt chặt thêm 1,5% tiêu chuẩn khí thải CO2 (2021-2026). Mục tiêu sẽ có 3,3 triệu xe ZEV trong tổng số xe hạng nhẹ ở 8 bang vào 2025. Tại Trung Quốc cũng đặt ra mục tiêu giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu xuống 14 - 16% so với giai đoạn 2.
|