Hà Nội cần mạng lưới giao thông sống động, an toàn

MINH TƯỜNG - PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Hà Nội đang nghiên cứu, từ nay tới năm 2025 sẽ mở thêm 14 làn đường riêng dành cho xe buýt. Giaothonghanoi đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông công cộng, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải về vấn đề này.


Ha Noi can mang luoi giao thong song dong, an toan - Hinh anh 1
 Giám đốc Trung tâm Quản lý & Điều hành giao thông công cộng Nguyễn Hoàng Hải.

Xin ông cho biết, Hà Nội hiện có những tuyến đường nào dành riêng làn cho xe buýt lưu thông?

Trước đây Hà Nội có một số làn đường dành riêng cho xe buýt như đường Yên Phụ, Nguyễn Trãi, Hoàng Quốc Việt và làn dành cho xe buýt BRT 01 trên đường Lê Văn Lương. Tuy nhiên, hiện đường Nguyễn Trãi đã bỏ làn riêng xe buýt, Yên Phụ và Hoàng Quốc Việt chỉ có một đoạn ngắn. Có thể nói, ngoài tuyến BRT 01, xe buýt Hà Nội hầu như không có làn đường dành riêng nào.

Việc thiếu làn đường dành riêng dẫn đến hệ quả như thế nào cho xe buýt thưa ông?

Thực tế là xe buýt đang phải lưu thông chung với các loại hình phương tiện khác, chịu mọi áp lực về ùn tắc, lại có lộ trình dừng đỗ đón trả khách theo điểm nên thời gian hành trình chưa đáp ứng được mong muốn của hành khách.

Mặt khác, xe buýt mỗi lần ra vào điểm dừng, đặc biệt trong giờ cao điểm còn xung đột với các phương tiện lưu thông xung quanh, vừa gặp khó khăn, vừa gây ảnh hưởng ít nhiều đến giao thông chung. Có thể nói, thiếu làn đường riêng, xe buýt không thể phát huy tối đa hiệu quả, khó lòng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Xe buýt là phương tiện vận tải công cộng (VTCC), được kỳ vọng góp phần hạn chế sự gia tăng và việc sử dụng phương tiện cá nhân, qua đó, kéo giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Nên việc thiếu làn đường riêng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của xe buýt mà còn khiến thói quen sử dụng xe cá nhân của người dân chậm thay đổi, ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường của TP.

Theo ông, vì sao hầu hết các tuyến đường phố của Hà Nội lại không có làn đường riêng dành cho xe buýt?

Một trong những nguyên chính là quy hoạch đô thị không gắn với mạng lưới xe buýt. Những năm qua, Hà Nội phát triển đô thị rất nhanh. Nhiều khu vực dân cư mới khi hình thành còn thưa vắng, chưa tính đến nhu cầu mở tuyến xe buýt. Tới khi có nhu cầu, khảo sát mở tuyến buýt thì hạ tầng đã xây dựng xong rồi, khó có thể làm thêm làn đường riêng cho xe buýt nữa, nên thiếu. Đây là một vấn đề rất đáng lưu tâm trong quá trình quy hoạch, phát triển đô thị của Hà Nội.

Làn đường riêng dành cho xe buýt cần đảm bảo những yếu tố gì thưa ông?

Việc tổ chức hành lang cho xe buýt ở Hà Nội không hề đơn giản. Đường phố Hà Nội có nhiều đường ngang, ngõ tắt, giao cắt rất nhiều, cứ khoảng 300 - 400m lại có một điểm giao cắt. Càng nhiều đường ngang thì việc tổ chức giao thông càng phức tạp. Những tuyến đường được đề xuất phân làn dành riêng cho xe buýt thường phải có lưu lượng giao thông cực kỳ lớn. Bên cạnh đó mặt cắt đường cũng phải đủ điều kiện có từ 3 làn trở lên, đây là một lựa chọn hết sức cơ bản ban đầu.

Ngoài ra cũng cần tính tới yếu tố tổ chức giao thông và tối ưu hạ tầng cho xe buýt. Ví dụ như việc giải quyết xung đột tại các nút giao. Có thể tính toán làm các cầu vượt nhẹ hoặc tổ chức làn đường ưu tiên để xe buýt tránh xuyên qua các nút giao, hạn chế tối đa xung đột với các làn đường khác.

Ha Noi can mang luoi giao thong song dong, an toan - Hinh anh 2
Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý & Điều hành giao thông công cộng Nguyễn Hoàng Hải, để xe buýt đảm bảo tiêu chí vận hành nhanh và đúng giờ thì chỉ có giải pháp là làm tuyến đường dành riêng cho loại hình VTCC này.

Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng thêm 14 làn đường dành riêng cho xe buýt trong thời gian tới, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Để xe buýt đảm bảo tiêu chí vận hành nhanh và đúng giờ thì chỉ có giải pháp là làm tuyến đường dành riêng cho xe buýt. Trong xu thế hiện nay, tổ chức giao thông của TP đang được cải thiện. TP cũng có những chỉ đạo rất quyết liệt để việc tham gia giao thông được thuận tiện, giảm ùn tắc giao thông, trong đó có việc mở làn riêng cho xe buýt trên một số tuyến đường.

Sở GTVT Hà Nội sẽ cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, căn cứ vào tình trạng cụ thể của từng khu vực để đề xuất một lộ trình thận trọng cho việc lựa chọn, chuẩn bị khai thác làn riêng cho xe buýt trên 14 tuyến đường. Không có bài toán chung nào đối với tất cả các tuyến đường có làn riêng cho xe buýt, mà theo thực tế sẽ có tuyến làn đường riêng nằm sát lề đường, có thể có tuyến nằm giữa tâm đường.

Liệu việc mở làn riêng cho xe buýt có cấp phải những ý kiến trái chiều không thưa ông?

Chừng nào phương tiện cá nhân còn gia tăng như hiện nay thì chúng ta còn phải đối mặt với áp lực giao thông ngày càng trầm trọng, xung đột, tai nạn và ô nhiễm môi trường ngày càng đáng lo ngại. Trong bối cảnh đó chúng ta phải có những giải pháp quyết liệt, khoa học, nếu không, trong tương lai sẽ không còn giao thông mà đi. Giao thông công cộng chính là giải pháp bền vững và lâu dài trong các đô thị.

Việc mở làn riêng cho xe buýt có thể sẽ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên để phát triển bền vững, Hà Nội cần một giao thông đô thị sống động và an toàn. Sống động nghĩa là mọi người đều được đi lại thuận tiện kể cả người già, người khuyết tật. Chúng tôi cho rằng, chỉ giao thông công cộng mới có thể làm được điều đó. Đến một lúc nào đó, chúng ta không có điều kiện mở thêm đường nữa thì chỉ còn tổ chức giao thông công cộng là giải quyết được vấn đề ùn tắc. Nó không chỉ mang lại hiệu quả cho xã hội, môi trường mà còn tạo ra sự công bằng cho xã hội bởi vậy cần được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan