|
Nối lại đường bay nội địa là bước khởi đầu để mở cửa bầu trời. |
Đáp ứng nhu cầu của người dân
Chiều 10/10, chuyến bay mang số hiệu VN 213 của Vietnam Airlines chở theo 180 hành khách cất cánh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) khởi hành vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) đánh dấu kế hoạch nối lại các đường bay nội địa thường lệ sau giãn cách chính thức được triển khai.
Trước đó, ngày 8/10, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 1776/QĐ-BGTVT, quy định tạm thời triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ. Theo quyết định này, trong thời gian từ ngày 10 - 20/10/2021 thí điểm mở lại một số đường bay nội địa. Như dự kiến, mỗi ngày sẽ có 38 chuyến bay, gồm 13 chuyến từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng, Phú Quốc, Gia Lai, Rạch Giá với tần suất 1 chuyến khứ hồi mỗi ngày.
Từ Hà Nội mỗi ngày có 1 chuyến khứ hồi đi TP Hồ Chí Minh và một chuyến khứ hồi đi Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có 1 chuyến khứ hồi Đà Nẵng - Cần Thơ, 1 chuyến khứ hồi Đà Nẵng - Đắk Lắk, 1 chuyến khứ hồi Hà Nội - Cần Thơ và một chuyến khứ hồi Thanh Hóa - Lâm Đồng. Riêng đường bay Hà Nội - Cần Thơ sẽ được khai thác linh hoạt khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong thời gian thực hiện thí điểm, Bộ GTVT sẽ tổng hợp tình hình, sơ kết đánh giá, phối hợp các địa phương để đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung, điều chỉnh kế hoạch khai thác cho phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn tiếp theo.
Việc đường bay nội địa được chính thức nối lại mang đến niềm vui cho nhiều phía, từ cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hàng không đến các DN vận tải hàng không và cả những hành khách đi máy bay. Trong đó, niềm vui lớn nhất có lẽ phải kể đến là những hành khách. Chị Trần Minh Anh (trú tại quận Long Biên, TP Hà Nội), một trong những người vui nhất với sự kiện này dù bản thân chị không phải hành khách đi máy bay. Kết hôn vào đầu năm 2021 nhưng do điều kiện làm việc của hai vợ chồng “kẻ Bắc người Nam” nên từ lúc cưới, hai người vẫn chấp nhận phải sống xa nhau. “Hồi mới cưới, chúng tôi vẫn thường bay ra, bay vào gặp nhau. Nhưng từ khi dịch bùng phát, các chuyến bay dừng khai thác thì vợ chồng tôi bó tay. Hàng ngày, chỉ có thể gặp nhau qua mạng hoặc gọi điện thoại. Suốt mấy tháng nay đều thế rồi” - chị Minh Anh kể.
Điều thiệt thòi nhất cho vợ chồng chị Minh Anh chính là việc thời gian xa cách trùng với những tháng cuối thai kỳ của chị. Chồng ở xa không thể bên cạnh trông nom, động viên đã là một thiệt thòi lớn rồi. Ngay cả khi chị vượt cạn cũng trong cảnh vắng chồng. “Nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân lắm nhưng hoàn cảnh như thế thì đành cố gắng chịu chứ biết làm sao được. Nhiều người còn khổ hơn mình nữa” - chị Minh Anh nói. Rất may, không lâu sau khi chị sinh, chồng báo tin đã đặt vé bay ra chăm vợ con khi đường bay TP Hồ Chí Minh - Hà Nội đã chính thức được nối lại. Nghe được tin này, chị Minh Anh mừng muốn rơi nước mắt. “Trước kia, khi chưa có dịch bệnh, giao thông đi lại thuận lợi thì những chuyến bay như vậy quá đỗi bình thường. Phải trải qua thời gian khó khăn như vừa qua mới thấy những chuyến bay này quý giá biết bao. Đúng là phải đi qua những ngày mưa lạnh lẽo mới thấy yêu hơn những ngày nắng ấm” - chị Minh Anh xúc động nói.
|
Việc đường bay nội địa được chính thức nối lại mang đến niềm vui cho nhiều người. Ảnh minh hoạ |
Vẫn còn nhiều bất cập, trở ngại
Trên thực tế, việc nối lại đường bay nội địa đã khởi đầu không thật sự suôn sẻ vì nhiều lý do khác nhau. Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong ngày đầu nối lại đường bay nội địa (ngày 10/10), chỉ có 11 chuyến bay được các hãng hàng không Việt Nam khai thác trong tổng số 38 chuyến bay được cấp phép, trong đó có chuyến bay chỉ có 5 khách. Cụ thể, các hãng hàng không đã khai thác tổng cộng 11 chuyến bay thương mại với 401 hành khách. Trong đó, Vietnam Airlines thực hiện tổng cộng 7 chuyến bay, VietJet 2 chuyến, Bamboo Airways 2 chuyến. trong ngày 10/10, có những chuyến bay lượng hành khách khá thấp như chuyến Chu Lai - TP Hồ Chí Minh có 5 khách; chuyến Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh có 14 khách; Nha Trang - TP Hồ Chí Minh có 20 khách; Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh có 20 khách... Đặc biệt, có tới 27 chuyến bay được cấp phép nhưng không thực hiện được. Trong đó, Vietnam Airlines không khai thác 11 chuyến bay; Vietjet 10 chuyến và Bamboo Airways 6 chuyến không thực hiện so với kế hoạch ban đầu.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, nguyên nhân khiến chuyến TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội và chuyến khứ hồi Hà Nội - Đà Nẵng không thực hiện do khách phải cách ly tập trung nhưng hướng dẫn cách ly tập trung cụ thể của Hà Nội chưa có. Trong khi đó, chuyến TP Hồ Chí Minh đi Thừa Thiên Huế và ngược lại không thực hiện được do hành khách phải đăng ký trước và phải được phê duyệt của tỉnh để đến Thừa Thiên Huế. TP Hồ Chí Minh - Quảng Bình và ngược lại không thực hiện do khách phải cách ly tập trung nên khách bỏ chỗ. Ngoài ra, nhiều chuyến bay không thực hiện do không có khách như đường bay TP Hồ Chí Minh đi đến Kiên Giang, Cà Mau, Lâm Đồng. Nhiều chuyến không thực hiện do không kịp mở bán như TP Hồ Chí Minh đi đến Phú Yên, Gia Lai; Đà Nẵng đi đến Đắc Lắk. Có chuyến không thực hiện do bão như TP Hồ Chí Minh đi đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng.
Một trong những nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất và được cho là chính yếu khiến việc nối lại đường bay nội địa chưa thuận lợi như kỳ vọng chính là quy định các điều kiện đối với khách đi máy bay vẫn “mỗi nơi một kiểu”. Đánh giá về vấn đề này, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng thẳng thắn: “Hiện vẫn còn một số địa phương yêu cầu phải duyệt trước danh sách khách bay. Một số địa phương dù không yêu cầu phải cách ly tập trung nhưng với khách không cư trú tại địa phương mà phải lưu trú lại, những vấn đề liên quan đến giá khách sạn và vận chuyển tương đối phức tạp”.
Thậm chí, đích thân ông Đinh Việt Thắng đã đăng ký vào danh sách hành khách đi máy bay để địa phương duyệt theo yêu cầu nhưng không có ai trả lời. Một bất cập khác được Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đề cập liên quan đến việc hành khách đi từ vùng xanh chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ, nhằm tạo điều kiện cho người dân trở về các thành phố lớn làm việc. "Hiện Hải Phòng yêu cầu chỉ công nhận xét nghiệm PCR, không chấp nhận kết quả xét nghiệm nhanh. Quảng Ninh thì không công nhận kết quả trong 72 giờ mà chỉ chấp nhận trong 48 giờ" - ông Đinh Việt Thắng nói; và cũng kiến nghị các địa phương có cảng hàng không cần có quy định rõ ràng về phương thức kiểm soát dịch bệnh đối với hành khách đến nhưng không lưu trú, cụ thể về phương tiện cách ly, hình thức di chuyển.
Tuy nhiên, sau ít ngày triển khai, hiện những vướng mắc, bất cập trên đã và đang dần được giải quyết và danh sách các đường bay nội địa được nối lại đã được kéo dài thêm. Mới nhất, TP Hà Nội và tỉnh Điện Biên đã thống nhất nối lại đường bay giữa hai địa phương để bổ sung thêm vào danh sách các đường bay nội địa được phục hồi sau dịch bệnh Covid-19.
"Chỉ cần mang khẩu trang, hoặc thêm tấm kính che mặt càng tốt, và thường xuyên rửa tay là đảm bảo được rồi. Quần áo chống dịch cũng giống các loại quần áo khác, không có tác dụng cho việc phòng ngừa mà còn gây vướng víu, khó chịu không cần thiết cho người khác. Bộ Y tế đã quy định rồi, chỉ nhân viên y tế làm việc trực tiếp với người bệnh mới phải mang, còn người dân bình thường, kể cả bệnh nhân khi chuyển viện, ra viện cũng không được phép mang các bộ quần áo đó." - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội - PGS.TS Nguyễn Việt Hùng
|
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn vừa ký Quyết định 1786/QĐ-BGTVT, bổ sung thêm 2 đường bay vào khai thác trong thời gian thí điểm gồm TP Hồ Chí Minh - Cà Mau và Hà Nội - Điện Biên. Như vậy, tổng số chuyến bay được phép thực hiện thí điểm là 21 chuyến khứ hồi (42 chuyến/ngày). |