Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường, tính từ ngày đầu vận hành (ngày 6/11/2021) đến nay, tàu điện Cát Linh - Hà Đông đã vận hành an toàn hơn 15 triệu lượt hành khách. Đến nay, mỗi ngày có hơn 30 nghìn lượt hành khách đi lại trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trong đó 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% là đi lại với mục đích khác.
Trong đó, hành khách đi lại thường xuyên bằng vé tháng với tỷ lệ bình quân trong ngày chiếm 70%, trong giờ cao điểm, số khách đi lại bằng vé tháng chiếm hơn 85%, góp phần giảm mật độ phương tiện trên hành lang tuyến, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
|
Để phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững, TP Hà Nội sẽ tạo sự kết nối liên hoàn giữa đường sắt đô thị với các loại hình giao thông khác. Ảnh: Duy Khánh |
Sau một thời gian tuyến đường sắt đi vào hoạt động, người dân nhận thấy sự tiện lợi, ổn định, không bị ảnh hưởng tắc đường... nên dần hình thành thói quen tham gia giao thông công cộng bằng đường sắt đô thị. Hành khách sử dụng đường sắt đô thị làm phương tiện đi lại đã chấp nhận đi bộ xa hơn trước đây và sau đó có thể chuyển loại hình xe buýt được kết nối ở các nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cho biết, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 12 ga, mỗi ga sẽ có nhiều tuyến buýt kết nối, giúp hành khách đi lại thuận tiện. Để kết nối với các ga đường sắt này, đơn vị đã bố trí 65 vị trí điểm dừng xe buýt dọc lộ trình tuyến, trong đó có bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm với cự ly các điểm khoảng 400m; có 63 tuyến xe buýt kết nối dọc và kết nối ngang làm nhiệm vụ gom và giải tỏa hành khách cho tuyến đường sắt đô thị.
“Riêng tại ga Cát Linh (điểm đầu tuyến) đã bố trí 16 tuyến xe buýt kết nối. Ga Yên Nghĩa (điểm cuối tuyến) có 18 tuyến xe buýt kết nối. Ga có ít tuyến xe buýt kết nối nhất là ga Hà Đông cũng có 6 tuyến…” - ông Nguyễn Hoàng Hải cho hay.
Chị Nguyễn Minh Thanh - một trong những hành khách thường xuyên đi làm trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chia sẻ, công ty chị có trụ sở tại phố Núi Trúc, hàng ngày chị đi bộ từ nhà tại ngã tư Văn Phú (Hà Đông) mất 5 phút là tới ga La Khê, xuống ga Cát Linh chỉ cần đi bộ vài phút là tới công ty.
“Từ ngày tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, tôi di chuyển từ nhà đến nơi làm việc rất thuận tiện, sạch sẽ và không lo bị tắc đường” - chị Thanh cho biết.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cũng cho biết, đơn vị đang tính toán các phương án kết nối với tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, ngay khi đoạn trên cao từ Nhổn đến Kim Mã đi vào vận hành. Hiện tại có 31 tuyến buýt kết nối với đoạn tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Cầu Giấy. Trong số này, có 28 tuyến trợ giá và ba tuyến không trợ giá với nhu cầu đi lại bằng xe buýt trung bình một ngày khoảng hơn 118 nghìn lượt hành khách.
Mới đây, những chiếc xe đạp cơ đầu tiên của Hà Nội được đưa ra các trạm để khai trương dự án xe đạp đô thị phục vụ cho nhân dân trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, tại 3 nhà ga của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là Cát Linh, Thái Hà và Láng, chủ đầu tư cũng đã bố trí các điểm cho thuê xe đạp để phục vụ người dân. Điều này sẽ góp phần tăng nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng của Thủ đô.
Theo phương án đang được xây dựng, sẽ có thêm 12 tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị, trong đó có 3 tuyến được điều chỉnh (gồm tuyến 39, 96, CNG07) và 9 tuyến mở mới. Sau khi hoàn thiện phương án kết nối xe buýt, năng lực trung chuyển, giải tỏa của xe buýt tại các điểm đầu cuối, ga dọc tuyến tăng lên, mạng lưới vận tải hành khách công cộng dọc hành lang sẽ được cải thiện.