Cuộc họp nhằm trao đổi, thảo luận về tình hình thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; phối hợp xác định nguyên nhân và đưa ra biện pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn.
Hệ lụy từ gia tăng các phương tiện, công trình xây dựng
Năm 2019, đặc biệt là các tháng cuối năm, số liệu quan trắc không khí tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh cho thấy mức độ ô nhiễm đang gia tăng, theo mùa và tần xuất tăng lên so với năm 2018. Thậm chí có lúc vượt quá ngưỡng quy định, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Trong khi đó, Hà Nội đã có các trạm quan trắc tự động của TP cùng với các trạm quan trắc của Bộ TN&MT, Đại sứ quán Hoa Kỳ và Pháp nhưng TP Hồ Chí Minh lại chưa có hệ thống quan trắc tự động nên chỉ quan trắc được theo từng thời điểm.
|
Một tác phẩm trong triển lãm ảnh ''Cảm nhận không khí'' do CHANGE tổ chức. Ảnh: CHANGE. |
Qua báo cáo của hai TP Hà Nội và Hồ Chí Minh, nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí chủ yếu là do gia tăng nhanh các phương tiện giao thông. “Với hàng triệu các phương tiện tham gia giao thông, trong khi đó tiêu chuẩn về khí thải đối với ô tô và xe máy của Việt Nam đều thấp hơn so với các nước châu Âu nên khí phát thải từ phương tiện đã gây ô nhiễm trực tiếp ra môi trường.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định.
Bộ trưởng cũng cho rằng, các công trình xây dựng lớn tại 2 thành phố lớn ngày một nhiều. Với TP Hồ Chí Minh còn có gần 900 nhà máy lớn nhỏ; với Hà Nội còn tình trạng đốt rơm rạ (theo mùa) và một số khu vực người dân sử dụng bếp than tổ ong, cùng với việc xử lý rác thải, đốt chất thải ở ngoại thành... đã phần nào gây ra ô nhiễm.
Giải pháp trước mắt và lâu dài
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trước tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay, việc đưa ra cơ sở khoa học, thẳng thắn, chính xác đưa thông tin đến người dân là điều rất cần thiết.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT yêu cầu TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần phải thực hiện ngay những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm cải thiện chất lượng không khí. Trong đó trước mắt: Đối với người dân, phải có trách nhiệm tập trung nguồn lực, huy động lực lượng, bố trí ngân sách đủ số lượng điểm quan trắc để đưa ra số liệu quan trắc mỗi ngày ít nhất 2 lần cho người dân. Nếu chất lượng không khí vượt quá quy chuẩn phải khuyến cáo cho nhân dân được biết để bảo vệ sức khỏe, khi ra đường đeo khẩu trang, nhóm nhạy cảm nên ở nhà...
Về giao thông, khi môi trường vượt ngưỡng, UBND các thành phố phải có kế hoạch bằng mọi biện pháp phun nước giảm bụi, điều tiết giao thông tại các khu vực đông phương tiện giao thông; hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân trong các ngày ô nhiễm; khuyến cáo đến nhân dân chuyển sang sử dụng các bếp khác thay vì than tổ ong; các xe đi vào Hà Nội phải có biện pháp che chắn, rửa sạch bùn đất...
Về lâu dài, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần phải đẩy nhanh lộ trình đối với việc quản lý các phương tiện giao thông, đưa vào các quy chuẩn về khí thải cao hơn theo quyết định số 985a/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Đồng thời phải có cơ chế cho các phượng tiện sử dụng năng lượng điện và khí sạch. Cần quản lý chặt công nghệ tái chế rác thải xây dựng, có lộ trình bài bản để kiểm soát các hoạt động giao thông trên địa bàn, trong đó có xe ở ngoài mang bụi đất ra vào nội đô. Người dân cũng phát huy vai trò giám sát hoạt động này.
“Đặc biệt, hiện nay chúng ta đã có lộ trình tái cấu trúc quy hoạch điện, sử dụng năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió thay vì điện than. Đối với xe mới, nhập khẩu, đòi hỏi phải sử dụng nhiên liệu sach. Hà Nội đã chuyển dần từ chôn lấp rác sang đốt rác phát điện, thu gom rác, quyét hút bụi... đó là những động thái rất tích cực. Tuy vậy, rất cần đẩy mạnh truyền thông để người dân chung tay bảo vệ môi trường; đồng thời phải xem xét lại công tác quy hoạch, trồng cây xanh, giữ hồ ao, tạo hệ sinh thái để cân bằng môi trường trước sức ép của gia tăng dân số. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề ô nhiễm.” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng cho biết thêm, ngay sau cuộc họp, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với Bộ xây dựng có quy định về BVMT đối với các công trình xây dựng lớn nhỏ, kể cả công trình của các hộ dân để không phát thải bụi. Bộ cũng sẽ chỉ đạo các tỉnh, thành xung quanh Hà Nội có biện pháp hỗ trợ bà con sau thu hoạch không đốt rơm rạ và chất thải. Đó là các giải pháp cần làm ngay để chống đỡ với ô nhiễm không khí.
Qua số liệu quan trắc tổng hợp từ Tổng cục Môi trường cho thấy, từ 2013-2019, thông số bụi mịn (PM2.5) tăng; các thông số khác như SO2, CO2, NOx, PM10... không vượt quy chuẩn. Riêng bụi mịn PM2.5 tăng và có dao động nhưng theo từng thời điểm, thường từ 5-6 giờ sáng và từ 18- 22 giờ tối; bụi mịn cũng có xu hướng tăng theo mùa: Mùa khô, hiện tượng nghịch nhiệt, sự trao đổi khí quyển ở các tầng khí quyển kém nên ô nhiễm thường cao hơn.