Người dân không được biết
Hoạt động đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông vốn luôn là sự quan tâm hàng đầu của chính quyền TP Hà Nội vì mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Trong nhiều năm trở lại đây, hàng loạt công trình giao thông Thủ đô được duyệt chủ trương đầu tư, đưa vào thực hiện, nhưng khi đi vào thi công lại gây khó khăn, bức xúc cho người dân.
Ví dụ như tại công trình cải tạo, mở rộng đường Lê Văn Thiêm (quận Thanh Xuân), máy móc, vật liệu chất đầy ở vỉa hè và lòng đường. Người dân đi qua đây gặp nhiều khó khăn vì bụi bặm, mặt đường nhấp nhô, gập ghềnh. Trong khi đó, hàng chục hộ dân sống dọc theo công trình phải chịu cảnh ô nhiễm tiếng ồn, hoạt động kinh doanh, buôn bán gặp khó khăn (trước thời điểm giãn cách vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19).
Ông Lê Văn Kiên, số nhà 59 Lê Văn Thiêm cho hay, trước khi dự án vào thi công, những người dân sống tại đây hoàn toàn không nhận được thông báo từ nhà thầu và chủ đầu tư, UBND phường hay bất cứ đơn vị liên quan nào. Việc một công trường lớn đột ngột xuất hiện ngay trước cửa khiến đời sống của người dân gặp nhiều xáo trộn, ròng rã vài tháng chưa kết thúc. Những người trong gia đình và bản thân ông Kiên gần như mất ngủ vì hoạt động thi công diễn ra từ 21 giờ tối đến 3, 4 giờ sáng.
|
Tuyến đường Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân. |
Bất cập này không chỉ diễn ra ở khu vực trung tâm Hà Nội mà xuất hiện rải rác khắp TP, ví dụ như dự án Cầu đập tràn, xã Quan Sơn, huyện Mỹ Đức. Ghi nhận tại đây cho thấy công tác đảm bảo ATGT chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng vật liệu xây dựng chồng chất vương vãi, lộn xộn, gây nguy hiểm cho người đi đường đã diễn ra trong thời gian dài nhưng không được giải quyết. Trong quá trình thi công, nhà thầu cũng không mở đường tránh, không có người hướng dẫn giao thông, dẫn đến ùn tắc thường xuyên.
Ông Dư Trung Tưởng (Vạn Kim, Mỹ Đức) - một người dân thường xuyên đi qua tuyến đường nêu trên cho biết, khi xuất hiện công trường, giao thông ùn tắc, người dân trong khu vực mới biết là có một dự án làm đường đang được triển khai. Suốt quãng thời gian này, do dự án thiếu hàng rào, cọc tiêu, biển cảnh báo, không có người hướng dẫn giao thông nên người dân khá bối rối khi di chuyển, đi lại qua tuyến đường.
Lòng vòng trách nhiệm
Việc xây dựng, cải tạo các công trình hạ tầng giao thông vốn có mục đích để phục vụ nhu cầu đi lại, phát triển đời sống, là niềm mong đợi của người dân các địa phương. Thế nhưng một chủ trương đúng, cần thiết lại tồn tại nhiều bất cập khi triển khai, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và tâm tư người dân. Không ít ý kiến lại cho rằng, chính tâm lý chủ quan, phó mặc, đùn đẩy trách nhiệm của các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu, chính quyền địa phương đã khiến người dân ngày càng bức xúc. Nhiều trường hợp, người dân muốn phản ánh bất cập nhưng không biết phải tới đâu, vì Chính quyền địa phương chỉ tiếp thu rồi để đấy.
Chẳng hạn như khi nhận được phản ánh về những bất cập tại dự án mở rộng đường Lê Văn Thiêm, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng, UBND quận Thanh Xuân Đinh Văn Hải cho hay, trước khi triển khai Chủ đầu tư và nhà thầu đều có thông báo đến UBND phường sở tại. Việc thông báo đến người dân là trách nhiệm của UBND phường, bản thân chủ đầu tư và nhà thầu cũng không nắm rõ.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, áp lực về tiến độ của các Dự án là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các nhà thầu phải nhanh chóng triển khai thi công, bỏ quên những cam kết đảm bảo giao thông, môi trường cho khu vực. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng thiếu sát sao, đôn đốc không kịp thời, khiến người dân có nhận định họ đang đứng ngoài cuộc.
“Không thể cứ đưa đẩy mãi về trách nhiệm trên lý thuyết, giấy tờ, trong khi thực tế đời sống, sức khỏe người dân vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do vậy, TP Hà Nội cần có biện pháp cứng rắn, thậm chí yêu cầu đơn vị thi công phải dừng hoạt động nếu các biện pháp thực hiện dự án chưa đáp ứng được đảm bảo, còn gây ảnh hướng tới đa số người dân sống cạnh công trình. Việc cần làm là xem xét quản lý, giám sát, đôn đốc chủ đầu tư và các nhà thầu thi công dự án đường giao thông, tránh bức xúc trong dư luận tăng cao” – Chuyên gia giao thông, Thạc sỹ Vũ Hoàng Chung. |