Làm gì để giảm thiểu úng ngập tại Hà Nội trong mùa mưa?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Dù đã có rất nhiều những nỗ lực, song điệp khúc “đến hẹn lại ngập” vẫn thường xuyên diễn ra tại Hà Nội làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Đâu là vấn đề của hệ thống thoát nước Hà Nội?

Vừa yếu, vừa thiếu
Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội (12 quận) có diện tích khoảng trên 200km2. Tuy nhiên, hiện mới chỉ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh được khoảng 77km2 lưu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu. Tại những khu vực này, do hệ thống thoát nước sông đã hoàn chỉnh, nên đảm bảo giải quyết được lượng mưa 310mm/2 ngày.
Song, tại phần lớn các khu vực khác, nếu mưa 50mm/2 giờ cơ bản không xảy ra úng ngập, nhưng khi mưa từ 50 - 100mm/2h Hà Nội sẽ xuất hiện 12 điểm úng ngập. Trong đó có 6 điểm không giảm được ngập úng gồm: Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; Ngã năm Đường Thành - Bát Đàn; Cao Bá Quát; Nguyễn Khuyến; Trường Chinh; Đại lộ Thăng Long. Nguyên nhân không thể khắc phục do bất lợi về địa hình, xa nguồn xả.
Bên cạnh đó, do hệ thống hạ tầng thoát nước sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, nước mưa và nước thải sinh hoạt vẫn sử dụng chung một đường cống dẫn đến quá tải khi có mưa lớn xảy ra. Tỷ lệ đường ống cống thoát nước tại Hà Nội cũng thấp hơn nhiều so với trung bình của thế giới, 0,46m/người so với 2m/người. Trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ đô thị hóa, đã làm cho một số hồ điều tiết, vùng đệm thay đổi về hệ số mặt phủ, thu hẹp diện tích thấm nước, tạo ra tình trạng ngập úng cục bộ.
Theo thống kê năm 1995, trong khu vực nội thành có tới 2.100ha mặt nước. Nhưng đến thời điểm này, diện tích mặt nước hồ chỉ còn 1.165ha. Thay vào số ao, hồ bị lấp là hàng loạt chung cư cao tầng được xây dựng… nhưng hệ thống thoát nước chưa được quan tâm thực hiện một cách bài bản, đúng tầm.
 Liên quan đến vấn đề này, một số chuyên gia phân tích, các hồ bị thu hẹp diện tích hoặc kè cứng, mất khả năng điều hòa. Khi mưa xuống, lượng nước không được tích trữ tạm trong các ao, hồ, vùng trũng. Đặc biệt, với tốc độ đô thị hóa nhanh, kéo theo cả đô thị bị “bê tông hóa”, các vật liệu xây dựng không thấm nước, dẫn đến dòng chảy của nước mưa không được chặn lại, tốc độ chảy nhanh hơn. Kèm theo đó, thời tiết thay đổi cực đoan do biến đổi khí hậu, những cơn mưa lớn kéo dài, vượt ngưỡng chịu tải của TP.
 Theo PGS.TS Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng), hệ thống hạ tầng thoát nước của Hà Nội đang là một thể hỗn hợp, bao gồm cống, kênh mương, hồ nội đô, sông thoát nước ngoại thành, các trạm bơm tiêu cục bộ và đầu mối đảm nhận việc tiêu thoát nước mưa đô thị cũng như vùng nông nghiệp với hệ số tiêu khác nhau. Nhưng nhìn chung, hệ thống này đang rơi vào tình trạng quá tải, dẫn đến việc hình thành nhiều “điểm nóng” về ngập úng khi xảy ra mưa lớn.
Phát triển không gian ngầm đa chức năng
 Trước tình trạng ngập úng có xu hướng ngày càng diễn ra phức tạp, khó lường, ngay từ đầu quý I/2020, dù chưa có kết quả đấu thầu công tác quản lý duy tu, duy trì hệ thống thoát nước khu vực hữu sông Hồng, tả sông Hồng, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống ngập úng mùa mưa… theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động cơi cống xả nhằm hạn chế ngập úng.
Cùng với đó, ngành thoát nước đã yêu cầu các đơn vị triển khai những giải pháp duy tu, duy trì, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống thoát nước; đồng thời, điều hành hệ thống thoát nước, trong đó, hoàn thiện hồ sơ vận hành, tích hợp được số liệu hiện có, lắp đặt thêm điểm đo mực nước tự động trên sông, hồ; thiết lập danh sách tra cứu điểm ngập úng, kịch bản điều hành cho từng tình huống… để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống ngập lụt mùa mưa.
 Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng ngập úng tại Hà Nội khi có mưa lớn vẫn tái diễn. Theo PGS.TS Nguyễn Việt Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường, một trong những cái khó của hệ thống thoát nước đô thị là việc đấu nối các gia đình vào hệ thống thoát nước chung của TP.
Song, hầu hết các dự án ODA được triển khai từ trước đến nay đều không có hạng mục này khiến công tác quản lý, vận hành hệ thống thoát nước gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc lựa chọn sơ đồ tổ chức thoát nước, công nghệ thu gom, xử lý nước thải, mô hình tổ chức quản lý vận hành, đấu nối hộ gia đình, đảm bảo bù đắp chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống thoát nước là các vấn đề cần lưu tâm trong xử lý nước thải đô thị.
 Để giải quyết bài toán ngập úng tại Thủ đô, trong thời gian trước mắt ngành thoát nước cần bổ sung những phương tiện cơ giới để giải quyết ngập úng cục bộ. Song, về lâu dài, Hà Nội cần điều chỉnh bổ sung dự án thoát nước, bởi lượng mưa của Hà Nội đã vượt quá mức tính toán; chú trọng kết nối với các khu dân cư và hệ thống thoát nước nhỏ; xem xét lại hệ thống giải quyết nước thải sinh hoạt tránh gây ách tắc cho hệ thống cống nguồn… Đồng thời, Hà Nội phải thường xuyên nạo vét, làm sạch hồ để nâng cao hiệu quả thẩm thấu và điều hòa.
 Đồng quan điểm trên, KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh, Hà Nội cần có quy hoạch tích hợp tổng thể từ xây dựng, đô thị hóa, giao thông, thoát nước, xử lý thải… Những vấn đề đô thị mà Hà Nội đang đối mặt cũng giống như nhiều TP trên thế giới đã trải qua. Và để tăng cường khả năng chống ngập trong khu vực nội đô - nơi quỹ đất không còn nhiều, Hà Nội có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển không gian ngầm đa chức năng, trong đó có chứa nước khi cần; có thể phát triển không gian ngầm trong đô thị làm bãi đỗ xe, đường giao thông, hồ ngầm chứa nước mưa để tận dụng làm nước tưới cây, rửa đường, chữa cháy… “Nếu có giải pháp kỹ thuật kết hợp được đa chức năng như vậy, vừa tiết kiệm tiền xây dựng, vừa sử dụng tài nguyên tiết kiệm trong điều kiện nước ngọt ngày càng hiếm, đô thị thông minh” - KTS Trần Huy Ánh nhìn nhận.
 Thực tế, Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước, nhưng với tốc độ đô thị hóa tăng mạnh, TP phát triển nhanh cần phải có điều chỉnh phù hợp để ứng phó theo hướng nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội thành và ngoại thành. Do vậy, cần phải nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi cả TP, với tầm nhìn trong khoảng 5 năm, 10 năm, 20 năm...
Để chủ động ứng phó với sự cố úng ngập trong mùa mưa 2020, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đơn vị đã hoàn thiện công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước hiện có (hoàn thành bảo dưỡng 56/56 trạm bơm thoát nước trong quý I/2020). Đồng thời, các đơn vị cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút xìtéc, các thiết bị phương tiện cơ giới và các trạm bơm cục bộ hiện có để bơm nước chống úng ngập cục bộ ưu tiên giải quyết nhanh trên các trục đường chính, giải toả ách tắc giao thông khi có mưa lớn. Triển khai ứng trực 24/24h giải quyết thoát nước khi mưa, điều động toàn bộ nhân lực triển khai công tác thoát nước theo địa bàn được phân công.

 

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng
Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng tại khu vực Yên Sở là điểm tập trung, thu giữ nước của TP. Tuy nhiên, khi tất cả lượng nước bị tập trung tại một điểm, trong quá trình di chuyển từ đầu này đến đầu kia thành phố sẽ dẫn đến ngập úng tại một số khu vực nhất định. Vì vậy, để “giải bài toán” ngập úng, Hà Nội cần nghiên cứu, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ nâng cao công tác quản lý cho đến tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Đặc biệt, cần tập trung phát triển theo hướng giải quyết hạ tầng cảnh quan, bền vững thay vì giải pháp hạ tầng kỹ thuật - bê tông hóa.

 

Trưởng Bộ môn Kiến trúc cảnh quan - Đại học Xây dựng TS. KTS Phạm Anh Tuấn

Vân Nhi

Tin liên quan