Cập nhật hay điều chỉnh, bổ sung?
Trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2020/NĐ - CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 4. Cụ thể theo quy định mới được đề xuất, Sở GTVT sẽ xây dựng, điều chỉnh bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định nội tỉnh; thống nhất với sở GTVT đầu tuyến bên kia để thực hiện xây dựng, điều chỉnh, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định liên tỉnh; Cập nhật danh sách mạng lưới tuyến trên phần mềm quản lý tuyến vận tải cố định của Bộ GTVT.
|
Hành khách vào khu vực lên xe tại bến Mỹ Đình. |
Trước đó, Bộ GTVT đã có Quyết định số 927/QĐ - BGTVT công bố chi tiết danh mục mạng lưới tuyến VTHK tuyến cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định này được coi là bản quy hoạch luồng tuyến của VTHK trên cả nước do Bộ GTVT xây dựng.
Lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải phương tiện người lái, Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến cố định liên tỉnh vẫn phải dựa trên quy hoạch luồng tuyến tại Quyết định số 927/QĐ - BGTVT. Luồng tuyến VTHK tuyến cố định sẽ vẫn được giữ nguyên, chỉ đề xuất các Sở GTVT cập nhật, bổ sung trên phần mềm quản lý, thay vì quản lý danh mục tuyến bằng văn bản như hiện nay.
Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ lo ngại, việc “vận dụng” câu chữ một cách mập mờ có thể gây ra nhiều xáo trộn với quy hoạch luồng tuyến VTHK liên tỉnh bằng ô tô. Chuyên gia trong lĩnh vực vận tải khách Vương Văn Kha đặt câu hỏi: “Nếu chỉ là cập nhật lên phần mềm quản lý thì tại sao lại có cụm từ: điều chỉnh, bổ sung? Giả sử các Sở địa phương điều chỉnh luồng tuyến, gây xáo trộn thì có đủ cơ sở để nhận định là làm sai Quyết định của Bộ, Nghị định của Chính phủ hay không?”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu của các Quyết định số 2288/QĐ - BGTVT và 927/QĐ - BGTVT trước đó do Bộ GTVT ban hành là để sắp xếp một cách có trật tự luồng tuyến xe khách liên tỉnh, hạn chế tối đa việc lưu thông vào khu vực nội đô, gây ảnh hưởng đến giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội.
Việc cập nhật danh mục mạng lưới tuyến VTHK lên phần mềm quản lý là cần thiết, nhưng quy định phải rõ ràng, cụ thể, tránh tạo ra thêm lỗ hổng về cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô vốn đã có không ít bất cập, tồn tại.
Tái diễn “xe khách xuyên tâm”
Ngay khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi đã làm dấy lên những lo ngại về tình trạng tái diễn “xe khách xuyên tâm”, một trong những vấn đề khó khăn nhất mà Hà Nội từng phải đương đầu và tốn vô vàn công sức mới giải quyết được.
Tại các Quyết định số 2288/QĐ - BGTVT và 927/QĐ - BGTVT đều nêu rõ nội dung: “Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phối hợp khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội, đảm bảo đồng bộ, thống nhất theo đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đối với các tuyến đi và đến địa bàn Hà Nội”.
Đối với tuyến có hành trình đi/đến các bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội: Ưu tiên bố trí luồng tuyến đến/đi từ các tỉnh/thành phố vào các bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội theo nhu cầu và theo hướng tuyến cũng như tính kết nối với mạng lưới giao thông.
Cụ thể, các tuyến theo Quốc lộ 1, Quốc lộ 1B đi vào bến xe Gia Lâm; các tuyến đi theo hướng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 6 đi vào bến xe Yên Nghĩa; các tuyến đi theo hướng Quốc lộ 32, Cầu Thăng Long đi vào Bến xe Mỹ Đình; các tuyến phía Nam đi theo hướng Quốc lộ 1, đường Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi vào bến xe Nước Ngầm, bến xe Giáp Bát và phù hợp với công suất bến xe đã công bố.
Việc quy hoạch rõ đầu bến và lộ trình như trên là cơ sở để Hà Nội sắp xếp các tuyến xe khách liên tỉnh ổn định bên ngoài khu vực nội đô, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến mạng lưới giao thông. Đồng thời việc sắp xếp luồng tuyến đã chấm dứt tình trạng mua bán nốt xe, xe khách chạy xuyên tâm lê la dừng đỗ, gây bức xúc trong dư luận Nhân dân Thủ đô nhiều năm.
Nếu Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020/NĐ - CP của Chính phủ không làm rõ chi tiết nội dung “xây dựng, điều chỉnh, bổ sung danh danh mục mạng lưới tuyến cố định liên tỉnh”, rất có thể đây sẽ là lỗ hổng lớn để xe khách liên tỉnh quay trở lại, chay xuyên tâm thành phố.
Hiện dự thảo vẫn đang trong quá trình xây dựng, đề xuất, tuy nhiên với vai trò cơ quản lý đầu ngành về GTVT, Bộ GTVT cần nghiên cứu kỹ lưỡng, rút kinh nghiệm từ thực tiễn, làm rõ các quy định trong quá trình tham mưu cho Chính phủ nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn lĩnh vực kinh doanh VTHK tuyến cố định bằng xe ô tô.