Trạm BOT T2 là 1 trong 4 trạm thu phí còn bất cập được Bộ GTVT nhắc tới. (Ảnh: Lê An)
|
Bộ GTVT vừa có báo cáo gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, 7, Quốc hội khóa XIV và Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn.
Trong bản báo cáo lần này, Bộ GTVT đã dành khá nhiều dung lượng để nói về công tác rà soát, xử lý các tồn tại, bất cập, vướng mắc về vị trí tại các trạm BOT.
Vẫn nhiều trạm BOT còn bất cập
Trước đó, trong bản báo cáo gửi tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ GTVT cập nhập chi tiết về tình hình, tiến độ xử lý các trạm BOT đang tồn tại bất cập đồng thời đề cập đến những giải pháp đầy hứa hẹn để xử lý những “điểm nóng” BOT này.
Theo Bộ GTVT, vào thời điểm trên hiện còn 7 trạm BOT phát sinh bất cập gồm trạm Cai Lậy (Tiền Giang); trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội); trạm T2 (Cần Thơ); trạm Hòa Lạc - Hòa Bình (Hòa Bình); trạm Bỉm Sơn (Thanh Hóa); trạm trên tuyến QL3 thuộc Dự án xây dựng tuyến đường Thái Nguyên -Chợ Mới và trạm Tân Đệ thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp QL10.
Điểm chung tại các trạm BOT này là tình trạng người sử dụng dịch vụ đường bộ tụ tập phản đối mức giá thu phí hoặc phản đối vị trí đặt trạm. Công tác tuyên truyền, thuyết phục người dân không hiệu quả trong khi không thể cân đối nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để mua lại các dự án này.
Đối với trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài, Bộ GTVT cho biết doanh nghiệp dự án và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang triển khai kiểm tra, đánh giá toàn diện công tác thu phí của trạm theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Còn đối với trạm BOT Bỉm Sơn, Bộ GTVT cho hay đang phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa đàm phán với nhà đầu tư để lựa chọn vị trí phù hợp để triển khai.
Tại trạm BOT trên QL3, theo Bộ GTVT, cơ quan này đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên về phương án miễn giảm phí tại trạm thu phí này đồng thời đang phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan, để tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến người dân, các cơ quan đoàn thể và các địa phương để nhận được sự đồng thuận của người dân trước khi tổ chức thu phí tại trạm QL3.
Với trạm BOT T2, Bộ GTVT đã họp với các địa phương, Nhà đầu tư và các cơ quan liên quan và đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan của địa phương để xây dựng và đề xuất các phương án, tính toán đảm bảo quyền lợi của người sử dụng, nhà đầu tư, ngân hàng cho vay vốn và phù hợp các điều kiện về nguồn lực.
Trạm BOT Cai Lậy ''nổi tiếng'' vẫn đang trong thời gian tạm dừng thu phí. (Ảnh: Lê Thanh)
|
Bộ GTVT khẳng định, trên cơ sở đó sẽ chọn phương án tối ưu nhất, thống nhất với địa phương và các bên liên quan để thực hiện việc thu phí theo quy định.
Với trạm BOT Cai Lậy, Bộ GTVT cũng khẳng định nghiên cứu kỹ lưỡng 3 phương án, phân tích đánh giá ưu, nhược điểm của các phương án để xin ý kiến thống nhất của Bộ Công an và UBND tỉnh Tiền Giang, phấn đấu sớm thu phí trở lại theo chỉ đạo của Chính phủ.
Còn lại, 2 trạm BOT Tân Đệ cũng như trạm BOT QL6 và Hòa Lạc - Hòa Bình, Bộ GTVT tự tin đã tìm ra phương án giải quyết ổn thỏa. Trong đó, trạm BOT Tân Đệ đang triển khai xây dựng trạm thu phí trên tuyến tránh, phấn đấu hoàn thành và tổ chức thu phí trong tháng 9/2019.
Riêng trạm BOT QL6 và Hòa Lạc - Hòa Bình, Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình thống nhất trong thời gian xây xựng phương án giảm giá chính thức tạm miễn thu phí cho các phương tiện khu vực lân cận trạm thu phí. Tình trạng bất ổn trước đó tại trạm thu phí này đã được ổn định.
Trong báo cáo vừa gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Bộ GTVT cho biết hiện còn 4 trạm BOT còn bất cập do tính chất đặc thù nên việc triển khai các giải pháp xử lý gặp nhiều vướng mắc. Đó là các trạm BOT Bỉm Sơn (Thanh Hóa), BOT QL3 (Thái Nguyên), BOT T2 (Cần Thơ) và BOT La Sơn – Túy Loan (Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng).
Như vậy, trong danh sách liệt kê này đã có thêm 1 trạm BOT mới là BOT La Sơn – Túy Loan. Đó là chưa kể trạm BOT Cai Lậy vẫn đang trong thời gian tạm dừng hoạt động và trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài vẫn tiếp tục thu phí dù vị trí đặt trạm nằm ngoài phạm vi dự án.
Đối chiếu với danh sách 7 trạm BOT có bất cập trong báo cáo của Bộ GTVT gửi kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV thì hiện tại Bộ GTVT đã cơ bản xử lý xong bất cập tại 2/7 trạm BOT nhưng lại phát sinh thêm 1 trạm BOT mới là BOT La Sơn – Túy Loan.
Đẩy hết gánh nặng lên ngân sách Nhà nước
Điểm chung giữa hai bản báo cáo mà Bộ GTVT gửi Quốc hội trong 2 kỳ họp là sự thừa nhận có nhiều trạm BOT còn bất cập chưa được xử lý. Tuy nhiên, điểm khác biệt trong bản báo cáo gửi kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV là giải pháp xử lý bất cập mà Bộ GTVT đưa ra.
BOT La Sơn - Túy Loan cũng nằm trong số các trạm thu phí còn bất cập. (Ảnh: Lê Thanh)
|
Điều này dễ dàng nhận ra khi 3/4 trạm BOT còn bất cập được nhắc tới, Bộ GTVT đều nêu việc bố trí nguồn vốn Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư và xóa trạm như một giải pháp khả dĩ nhất. Với trạm BOT Bỉm Sơn, Bộ GTVT cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa và nhà đầu tư nghiên cứu phương án di dời trạm về tuyến tránh phía Tây để hoàn vốn.
Tuy nhiên phương án này không khả thi nữa vì hiện tại có 3 tuyến song hành (gồm Quốc lộ 1 qua TP Thanh Hóa, tuyến tránh phía Đông và tuyến tránh phía Tây), đồng thời trên tuyến có nhiều vị trí giao cắt nên các xe có thể tránh trạm, nên việc đặt trạm thu phí trên tuyến tránh phía Tây không thể bảo đảm hoàn vốn cho Dự án. Cuối cùng, Bộ GTVT “chốt lại” rằng dự kiến sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư.
Với trạm BOT T2, thông điệp mà Bộ GTVT đưa ra không còn “dự kiến” nữa mà ngắn gọn và rõ ràng hơn. Đó là trên cơ sở đánh giá tình hình an ninh, trật tự, Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của các địa phương, lựa chọn phương án không tiếp tục thu phí tại trạm T2, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho phần đầu tư QL91B, giao UBND TP.Cần Thơ tiếp nhận, quản lý bảo trì đoạn tuyến QL91B đã đầu tư.
Với trạm BOT QL3, Bộ GTVT cho biết đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên để thống nhất về phương án giảm giá. Đến nay, phương án giảm giá đã được thống nhất, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT và tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi dưới nhiều hình thức đến các tầng lớp nhân dân.
Thế nhưng, phía địa phương lại cho rằng còn một bộ phận nhân dân chưa đồng tình, thường xuyên tụ tập phản đối tại trạm thu phí và Ban tiếp công dân của tỉnh Thái Nguyên. Do đó, địa phương này yêu cầu dỡ bỏ Trạm thu phí và được đối thoại với cấp có thẩm quyền.
Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài được đặt ngoài phạm vi dự án nhưng vẫn đang hoạt động. (Ảnh: Hòa Thắng)
|
Quan điểm xử lý bật cập tại trạm BOT QL3 được Bộ GTVT đưa ra là, sẽ cùng với UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cơ quan liên quan có giải pháp để hạn chế tối đa phát sinh các tình huống phức tạp. Song, nếu trong trường hợp quá khó khăn, Bộ GTVT sẽ dừng thu phí và báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư và xóa trạm trên QL3.
Riêng trạm BOT La Sơn - Túy Loan, quan điểm của Bộ GTVT, Bộ Tư pháp là cơ chế thu phí trạm La Sơn - Túy Loan không chịu tác động của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nên vẫn có thể xem xét tiếp tục cho thu phí.
Như vậy, sau một thời gian dài chờ đợi, “lời hứa BOT” của Bộ GTVT vẫn chưa được thực hiện. Trái lại, gánh nặng mà vấn đề BOT gây ra lại nhăm nhe đùn đẩy cho ngân sách Nhà nước trong khi Bộ GTVT thừa hiểu nguồn ngân sách đang khó khăn, eo hẹp. Không những thế, nền kinh tế nước ta vừa bị thiệt hại nặng vì đại dịch Covid-19. Đồng thời 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng vừa chuyển sang hình thức đầu tư công, nghĩa là sử dụng 100% ngân sách Nhà nước.
Theo kết quả kiểm toán 9 dự án BOT trong năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thì Bộ GTVT đã cho phép lập một số dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án, không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án BOT, phê duyệt dự án trước khi có Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Với một số dự án, Bộ này cũng không công bố danh mục dự án, không tổ chứcđấu thầurộng rãi để lựa chọn nhàđầu tư và hầu hết chỉ địnhnhà thầuthi công, xác định sai tăng tổng mức đầu tư, thi công một số gói thầu trước khi lựa chọn nhà thầu.
Từ kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2019, KTNN đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 665,8 tỉ đồng, gồm sai khối lượng 74,5 tỉ đồng, sai đơn giá 186,9 tỉ đồng, sai khác 404,3 tỉ đồng đồng thời kết quả kiểm toán cũng giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/9 dự án 56,4 năm so với phương án ban đầu.
|