Mạnh tay thu hồi giấy phép kinh doanh và phù hiệu vận tải

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 158/2024/NĐ-CP có hiệu lực bổ sung mới một số trường hợp DN kinh doanh vận tải bị thu hồi giấy phép và xe vận tải hành khách bị thu hồi phù hiệu, nhằm siết chặt việc quản lý vận tải với các DN cố tình không chấp hành và lặp lại sai phạm.

Rõ ràng, chi tiết

Theo Nghị định 158/2024/NĐ-CP, từ ngày 1/1/2025, DN kinh doanh vận tải bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn nếu thuộc một trong trường hợp sau:

Cung cấp bản sao không đúng với bản chính hoặc thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh;

Không kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên giấy phép kinh doanh trong thời hạn 6 tháng trở lên kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh, hoặc ngừng kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên giấy phép kinh doanh trong thời gian 6 tháng liên tục trở lên; Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của DN kinh doanh vận tải;

Sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, dữ liệu hình ảnh từ thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe lắp trên xe trước, trong và sau khi truyền dữ liệu;

Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của cơ quan có thẩm quyền;

Trong thời gian 1 tháng, có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu; Trong 1 năm có từ 2 lần trở lên bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải; Không đăng ký thuế, không khai thuế theo quy định của pháp luật thuế.

Về việc thu hồi phù hiệu đối với DN kinh doanh vận tải, Nghị định 158/2024/NĐ-CP cũng bổ sung mới và làm rõ các quy định. Theo đó, sẽ thu hồi phù hiệu đối với tất cả xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ của DN kinh doanh vận tải khi bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải;

Thu hồi phù hiệu của các xe ô tô kinh doanh vận tải theo tuyến cố định khi DN kinh doanh vận tải không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục;

Thu hồi phù hiệu của phương tiện vi phạm 1 tháng đối với trường hợp khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi phương tiện trong 1 tháng cho thấy có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5km/h trở xuống);

Thu hồi phù hiệu của phương tiện vi phạm 1 tháng đối với trường hợp khi khai thác dữ liệu cần kiểm soát tải trọng xe từ công trình kiểm soát tải trọng xe cố định tự động 1 cấp cân của mỗi phương tiện trong 1 tháng cho thấy có từ 3 lần vi phạm tải trọng cho phép của cầu, đường trên 10% (vi phạm tải trọng trục xe hoặc khối lượng toàn bộ của xe hoặc cả hai vi phạm trong 1 lần cân kiểm soát tải trọng xe khi tham gia giao thông trên đường bộ), trừ trường hợp có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng;

Thu hồi phù hiệu các xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ kinh doanh vận tải của DN kinh doanh vận tải khi phương tiện đã được chuyển nhượng hoặc cho đơn vị khác thuê; Khi DN có báo cáo và nộp lại phù hiệu trong trường hợp không tiếp tục sử dụng phương tiện để kinh doanh vận tải;

Phù hiệu cũng bị thu hồi khi các xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ mà thành viên hợp tác xã kinh doanh vận tải không đăng ký thuế, không khai thuế theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp khó chây ì

Theo các chuyên gia, so với quy định hiện hành tại Nghị định 41/2024/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2020/NĐ-CP), Nghị định 158/2024/NĐ-CP đã bổ sung thêm trường hợp DN bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn khi có từ 2 lần trở lên bị tước quyền sử dụng giấy phép trong 1 năm và không đăng ký thuế, không khai thuế theo quy định của pháp luật thuế.

Ngoài ra, không chỉ sửa chữa, làm sai lệch dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe như quy định hiện hành, Nghị định 158/2024/NĐ-CP còn quy định với dữ liệu từ thiết bị GSHT nếu DN can thiệp sửa chữa, làm sai lệch cũng bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.

Theo thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương, việc bổ sung thêm một số trường hợp DN kinh doanh vận tải bị thu hồi giấy phép không thời hạn cho thấy, cơ quan quản lý đã ngày càng siết chặt hơn các quy định đối với các DN kinh doanh vận tải, đặc biệt là đối với DN không đăng ký thuế, không khai thuế theo quy định của pháp luật như xe hợp đồng trá hình. Đây là cơ sở để lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các sai phạm trên đường đối với xe kinh doanh vận tải hành khách.

Về quy định thu hồi, Nghị định 158/2024/NĐ-CP cũng nêu rõ, khi cơ quan cấp phù hiệu ban hành quyết định thu hồi, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký, DN kinh doanh vận tải phải dừng hoạt động kinh doanh đối với xe bị thu hồi và nộp lại phù hiệu.

Trường hợp đơn vị nộp phù hiệu theo quy định, nếu sau 30 ngày (hoặc 60 ngày đối với trường hợp vi phạm lần 2 trong vòng 6 tháng liên tục) kể từ ngày nộp, DN có nhu cầu tiếp tục tham gia kinh doanh thì làm thủ tục xin cấp lại phù hiệu theo quy định.

Trường hợp quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định, DN không nộp lại phù hiệu, Sở GTVT sẽ không cấp mới, cấp lại phù hiệu trong thời gian 45 ngày (hoặc 90 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục) kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp đủ phù hiệu theo quyết định thu hồi.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng, việc nghị định quy định chưa giải quyết cấp mới, cấp lại phù hiệu đối với đơn vị kinh doanh vận tải không chấp hành quyết định thu hồi phù hiệu là rất hợp lý, bởi hiện nay nhiều DN khi bị phát hiện vi phạm đã cố tình chây ì, không giao nộp phù hiệu. Việc này gây hệ lụy đến an toàn giao thông, và cần chế tài đủ chặt để lực lượng chức năng có căn cứ xử phạt nghiêm hành vi vi phạm khi phát hiện các phương tiện cố tình lách luật lưu thông trên đường.

Trường hợp thu hồi phù hiệu của phương tiện vi phạm 1 tháng khi khai thác dữ liệu cần kiểm soát tải trọng xe có từ 3 lần vi phạm tải trọng cho phép của cầu, đường trên 10% cũng là điểm mới trong bối cảnh hạ tầng cầu đường tại nhiều địa phương đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai. Nhiều cầu, đường không đủ điều kiện an toàn lưu thông nếu xe kinh doanh vận tải vẫn cố tình vi phạm có thể gây nên nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Huyền Sâm

Tin liên quan