Tạo nền tảng “phi cơ giới”
Trao đổi với PV Giaothonghanoi, Chuyên gia giao thông – Tiến sỹ Phan Lê Bình nhận định, ở nhiều TP lớn trên thế giới, việc tổ chứ thu phí giảm ùn tắc đã được thực hiện và đạt được hiệu quả. Riêng đối với Hà Nội, để hiện thực hóa được đề án này không phải là điều đơn giản. Trong đó, việc đồng bộ các giải pháp như nâng cấp hạ tầng giao thông, mở rộng mạng lưới phương tiện vận tải hành khách công cộng để tạo ra hệ sinh thái kết nối một cách thuận tiện là đặc biệt quan trọng và phải sớm hoàn thành.
Ví dụ như tại London, khu vực thu phí có diện tích khoảng 20km2 ở khu vực trung tâm thường xuyên diễn ra ùn tắc nặng nề vào năm 2003 và tiếp tục được mở rộng sau đó. Chỉ trong 3 năm thực hiện biện pháp này, lưu lượng giao thông vào TP đã giảm đến 15%, tình trạng tắc nghẽn khi lưu không phương tiện giảm 30%. Trong quá trình thực hiện thu phí, chính quyền London phát triển thêm tới 40% công suất chuyên chở hành khách của phương tiện công cộng như xe buýt, tàu hỏa..
Ngoài London, nhiều TP cũng đã vượt qua giai đoạn triển khai ban đầu khó khăn khi người dân chưa hiểu rõ bản chất của khoản phí mới. Tuy nhiên qua thời gian, người dân cảm thấy cần có biện pháp triệt để hơn do đã quá mệt mỏi trước tình trạng tắc nghẽn khi di chuyển. Bên cạnh đó, nhiều người nhận ra việc thu phí là cách tốt nhất để nâng cao năng lực tài chính, nâng cao chất lượng giao thông công cộng.
Trở lại với đề án thu phí nội đô đang được nghiên cứu tại Hà Nội, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết, theo tính toán, nếu áp dụng thu phí sẽ có tác động thay đổi hành vi tham gia giao thông của người dân, chuyển từ phương tiện cá nhân sang vận tải khách công cộng.
Việc thu phí không nhằm mục đích tăng ngân sách, mà mục tiêu chính là để hạn chế những chuyến đi không cần thiết từ khu vực ngoài vành đai 3 vào trung tâm, qua đó, hạn chế ùn tắc giao thông. Theo tính toán, nếu đề án này được thực thi, sẽ giảm khoảng 20% lượng phương tiện đi vào khu vực trung tâm. Mục tiêu xa hơn, TP hướng tới việc chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang các loại xe công cộng, góp phần hình thành văn hóa đi bộ và các nền tảng giao thông “phi cơ giới”. Xây dựng TP xanh, sạch, hiện đại.
Năm 2017, HĐND TP, UBND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ- thông qua Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030" với 37 nhóm giải pháp đồng bộ kết hợp các biện pháp hành chính và kinh tế. Cho đến nay, TP đã thực hiện được 28/37 nhiệm vụ. |
Chính sách miễn, giảm
Hà Nội hiện có khoảng 8 triệu người đăng ký thường trú; tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông mới đạt 9,75% (mục tiêu từ 20 - 26%); tốc độ tăng trưởng ô tô là 10,2%/năm và xe máy 6,7%/năm. TP hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trong đó có khoảng 5,6 triệu xe máy, 685 nghìn ôtô các loại), chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện vãng lai thường xuyên tham gia đi lại trên địa bàn TP. Lượng phương tiện quá lớn và không ngừng gia tăng từng ngày đã dồn một áp lực vô cùng lớn lên hạ tầng giao thông nên cần áp dụng biện pháp giảm thiểu, trong đó có phương án thu phí.
Tuy nhiên, báo cáo của Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cho thấy, các phương tiện sẽ được phân loại cụ thể theo nguyên tắc đối tượng chịu phí chính là xe ô tô cá nhân. Đối với những loại phương tiện khác, có thể kể đến như taxi; xe tải; xe khách thương mại và xe của người dân, cơ quan, tổ chức trong khu vực thu phí có chính sách miễn giảm sẽ được phân chia để thực hiện miễn, giảm hoặc chịu phí với mức thấp.
Cụ thể, xe taxi được nhìn nhận là phương thức vận tải bán công cộng nên được hưởng chính sách ưu đãi. Xe tải được quản lý theo Quyết định số 24/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội nên sẽ không chịu phí hoặc được áp phí thấp. Xe khách thương mại sẽ được áp dụng mức phí khác nhau theo hướng thấp hơn so với xe con cá nhân. Một số phương tiện được miễn phí sẽ được đăng ký trong hệ thống, được lắp đặt thiết bị trên xe và cài đặt chế độ miễn thu phí để đảm bảo phân biệt với các loại xe ô tô cùng chủng loại nhưng phải chịu phí.
Trước đó, nhiều ý kiến lo ngại tình trạng chậm trễ, chi phí hàng hóa phát sinh nếu áp dụng thu phí phương tiện đi vào nội đô. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GTVT đã đưa ra quan điểm rõ ràng, hóa giải những băn khoăn khi xác định đối tượng thu phí không bao gồm các loại xe vận tải hàng hoá.
Theo Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, với việc sử dụng công nghệ thu phí hiện đại không dừng, đồng bộ công nghệ với hệ thống thu phí quốc lộ và đường cao tốc trên toàn quốc sẽ đảm bảo không gây ùn tắc tại các vị trí đặt trạm thu phí.
“Việc thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc phải dựa trên nguyên tắc tương hỗ, trong đó nhiệm vụ mở rộng hệ thống vận tải hành khách công cộng phải được thực hiện song song với giảm số lượng phương tiện. Trong thời gian qua, tình trạng ùn tắc cũng có tác động tiêu cực dẫn đến việc trễ giờ, chậm chuyến xảy ra ở các loại phương tiện công cộng như xe buýt” – Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện.
|
Nếu đề án được HĐND TP thông qua tại kỳ họp cuối năm 2021 về nội dung loại phí và khung phí, từ năm 2022-2023, các đơn vị có trách nhiệm sẽ hoàn thiện các điều kiện thu phí. Xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí. Phương án tài chính, quản lý chi phí, xác định cụ thể mức thu phí và các chính sách miễn giảm cụ thể cho các đối tượng thu phí. Đến năm 2024 Trình HĐND TP ban hành mức thu phí cụ thể và các chính sách miễn giảm phí theo dự án đầu tư được duyệt và tổ chức thực hiện sau khi HĐND TP quyết định trong năm 2024.
|