|
Có một thực tế đã và đang diễn ra tại TP Hà Nội trong nhiều năm qua là nhu cầu trông giữ phương tiện của người dân ngày càng lớn. |
Việc Bộ GTVT bác đề xuất điều chỉnh nội dung văn bản do mình ban hành từ một một đơn vị khác cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, lập luận mà Bộ này đưa ra, về mặt pháp lý là không sai. Thậm chí, Bộ GTVT còn nhấn mạnh lại nội dung Điều 10 của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015), hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ nhằm mục đích quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đó là xét về mặt pháp lý.
Có một thực tế đã và đang diễn ra tại TP Hà Nội trong nhiều năm qua là nhu cầu trông giữ phương tiện của người dân ngày càng lớn. Đây vốn là tình trạng chung của các đô thị lớn ở nước ta, phát sinh trong bối cảnh phương tiện cá nhân gia tăng đột biến. Trong khi đó, các bến bãi đỗ xe công cộng theo quy hoạch vẫn trong quá trình đầu tư xây dựng, chưa hoàn chỉnh. Những điểm trông giữ phương tiện hiện có chưa thể đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân, các cơ quan, đơn vị cũng như phục vụ các hoạt động văn hóa, xã hội của TP. Đây chính là lý do chính khiến UBND TP Hà Nội đưa ra kiến nghị với Bộ GTVT điều chỉnh một số nội dung của Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT, nhằm cho phép TP được tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện tại một số vị trí dưới gầm cầu đến hết năm 2023.
Nhìn nhận một cách khách quan, đề xuất của UBND TP Hà Nội xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn tại địa phương chứ không phải động thái xin cơ chế riêng, để từ đó tạo ra tiền lệ không tốt cho các địa phương khác. Trên thực tế, quy định không sử dụng gầm cầu làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác nằm trong Thông tư 50 được Bộ GTVT ban hành từ năm 2015.
Tuy nhiên, vào thời điểm Thông tư này ra đời, UBND TP Hà Nội đang cấp phép trông giữ xe tại nhiều vị trí gầm cầu. Do đó, năm 2017, trong Thông tư 35/2017/TT-BGTVT, Bộ GTVT đã sửa đổi một số nội dung trong Thông tư 50/2015/TT-BGTVT trước đó, trong đó có nội dung đồng ý cho TP Hà Nội được kéo dài tổ chức trông giữ xe dưới 4 gầm cầu là Vĩnh Tuy, Chương Dương, Mai Dịch và Ngã Tư Vọng.
Từ đó đến nay, công tác trông giữ xe tại các điểm này được TP Hà Nội triển khai và quản lý tốt, đáp ứng được nhu cầu lớn cho người dân và du khách đến với tuyến phố đi bộ và mở rộng không gian đi bộ khu vực phố cổ Hà Nội các tối cuối tuần (như bãi trông xe gầm cầu Chương Dương); phục vụ Nhân dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (bãi trông giữ xe gầm cầu Ngã Tư Vọng)...
Trong khi hệ thống giao thông công cộng chưa hoàn thiện, việc đáp ứng nhu cầu dân sinh trong quá trình đi lại của Nhân dân là điều không thể bỏ qua. Trong đề xuất mới đây, UBND TP Hà Nội đã trình bày rất cụ thể, chi tiết về nhu cầu trông giữ xe ngày một lớn trên địa bàn cũng như cam kết đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị tại các vị trí trông giữ này. Tiếc là đề xuất đó đã không được Bộ GTVT chấp thuận.
Dẫu biết rằng, luật pháp là nghiêm minh và bình đẳng với tất cả mọi đối tượng nhưng có quy định chỉ mang tính thời điểm. Bởi, đến một lúc nào đó, sự thay đổi của đời sống xã hội sẽ khiến khiến những quy định ràng buộc mang tính pháp lý trở nên lỗi thời, lạc hậu hoặc không còn phù hợp nữa. Đó là lúc những quy định pháp lý cần thay đổi, điều chỉnh, nâng cấp cho phù hợp với thực tiễn.