|
Theo Dự thảo Thông tư mới, chủ xe nộp lại đăng ký xe, biển số xe cho cơ quan quản lý sau khi bán, cho, tặng xe cho người khác. Ảnh: Môi trường và đô thị |
Tại Dự thảo Thông tư mới của Bộ công an quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lấy ý kiến các bên liên quan, Bộ Công an đề xuất: khi bán, cho tặng xe đến tỉnh khác, chủ xe phải nộp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số để nắm thông tin phục vụ việc quản lý xe, gửi thông báo vi phạm hoặc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan đến phương tiện khi lưu thông.
Quy định này được cho là giúp nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ khi chuyển quyền sở hữu phương tiện, và giúp quản lý chặt chẽ hơn về người lái.
Tuy nhiên nếu triển khai liệu có làm khó người dân, và gây quá tải cho chính lực lượng chức năng? Và có thực sự cần thiết không, khi sớm muộn gì, dữ liệu về giao thông cũng sẽ được liên thông giữa các bộ ngành, địa phương đơn vị?
"Tất cả các xe đăng kỳ dù Hà Nội, Hải Dương hay Hải Phòng, tôi vẫn có quyền lưu thông trên toàn quốc. Xe máy người cho ở Hà nội, người nhận ở Hải Dương, lại phải bóc ra vừa tốn kém về đăng ký, vừa là rất phiền phức mà không giải quyết được cái gì. Vì bản thân biển số đã đăng ký ở cơ quan công an".
"Thời gian 30 ngày người ta còn công còn việc. Mà đến các cơ quan như thế phải đến vào giờ hành chính, người ta lại phải bỏ công bỏ việc. Mình có phải dân buôn xe chuyên nghiệp đâu mà dành thời gian cho việc đấy được. Nếu mà mình bán, mình cho tặng tự dưng lại phiền thêm".
"Tôi mua của bạn bè tôi thì không cần sang tên đổi chủ vì mất tiền và thủ tục mất thời gian. Đối với ô tô không khó nhưng đối với phương tiện xe máy thì rất khó vì quá nhiều và đối với người đi xe máy thì nay người ta ở nơi này, mai người ta ở nơi khác, xe máy người ta chỉ đi 2 năm, có khi 20 ngày đã bán, bán xong chuyển nhà chẳng biết chủ đi đâu nữa nên lấy những thông tin của người chủ để làm sang tên là rất khó".
Nhiều ý kiến không tránh khỏi băn khoăn, quy định mới nếu đi vào cuộc sống có thể làm phát sinh thêm công việc, mất thời gian đi lại để làm thủ tục sang tên đổi chủ cho người mua, hoặc người được cho tặng.
Trong khi đó, những đơn vị, cá nhân làm dịch vụ mua bán, trao đổi xe cũ lo ngại quy định mới này có thể làm gia tăng thêm chi phí. Anh Nguyễn Văn Hoạch ở Thanh Xuân, Hà Nội bày tỏ quan điểm:
"Trên phương diện của người buôn bán xe tạo ra sự phiền phức về mặt nhân lực, con người tạo ra thêm nhiều thủ tục nữa để hoàn thành một1 cái xe buôn bán trong khi mỗi ngày tôi buôn bán được rất nhiều xe, và như vậy cần rất nhiều người để hoàn thành công việc trong ngày. Đương nhiên, chi phí sẽ tăng lên vì thời gian làm thủ tục sang nhượng xe cho một người khác".
Nhiều chuyên gia giao thông lo ngại, thủ tục trả lại đăng ký xe và biển số xe khi sang tên đổi chủ sẽ làm quá tải công việc cho lực lượng chức năng. Đối với các phương tiện ô tô hiện nay việc thực hiện chuyển đổi khá đơn giản và dễ dàng. Tuy nhiên, hiện nay trên 80% phương tiện là xe máy, việc thực hiện chuyển đổi sẽ mất nhiều thời gian.
|
Hiện nay trên 80% phương tiện là xe máy, việc thực hiện chuyển đổi sẽ mất nhiều thời gian. Ảnh: Nhân Trần |
Chuyên gia giao thông, TS Đỗ Khắc Sơn cho rằng, Dự thảo Thông tư mới của Bộ Công an có nhiều điểm mới, tích cực, nhằm giúp cho cơ quan chức năng thuận tiện hơn trong công tác quản lý phương tiện, gửi thông báo vi phạm.
Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và cuộc cách mạng công nghệ 4.0, dữ liệu về giao thông cũng sẽ được liên thông giữa các địa phương, bộ ngành, địa phương đơn vị nên theo ông Sơn, hoàn toàn có thể quản lý trực tuyến mà không cần bổ sung thêm quy định này.
"Về quản lý, chúng ta có nhiều hình thức quản lý, chúng ta có thể quản lý trực tuyến, Bên công an hoặc cơ quan quản lý về phương tiện phải nhập dữ liệu vào, hiện nay là công nghệ 4.0, chúng ta có thể quản lý trên mạng, không cứ gì phải thu một biển số như thế, và lại đến một nơi khác cấp, như vậy rất là rắc rối cho người dân và thứ hai tôi nghĩ lượng cần phải làm sẽ rất nhiều vì số lượng phương tiện ngày càng đông".
Ông Sơn dẫn chứng thêm, việc quản lý phương tiện trên hệ thống phần mềm quản lý đã được thực hiện tại nhiều quốc gia phát triển từ nhiều năm nay và đơn giản hóa mọi giấy tờ từ bằng lái xe cho đến giấy tờ sở hữu. Bên cạnh đó, một số quốc gia khác như Singapore còn cho phép người dân giữ lại các biển số sau khi bán xe nên việc tìm kiếm thông tin về chủ sở hữu khá đơn giản, dễ dàng.
Ông Nguyễn Văn Thanh- Nguyên Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam cho rằng, điều cần thiết trong thời điểm hiện nay là cần đẩy nhanh điện tử hóa dữ liệu đăng ký xe máy:
"Theo tôi biết, cơ quan công an cũng đang tích cực cải tiến, cải cách thủ tục hành chính của họ. Do vậy, nên áp dụng thông qua thay đổi điện tử nhanh nhất, còn việc hồ sơ hay không, thu nộp hay không cũng không quan trọng nữa. Như hiện nay các thủ tục vẫn gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đề nghị là cơ quan công an nên nhanh chóng nghiên cứu các thủ tục nhanh chóng, hết sức đơn giản".
Theo Luật sư Phạm Thành Tài- Giám đốc công ty Luật Pham Danh, hiện nay nhiều người mua không thực hiện việc chuyển đổi sở hữu nên gây khó khăn cho công tác quản lý phương tiện và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn giao thông. Dự thảo Thông tư mới của Bộ Công an làm tăng trách nhiệm cho cả người mua và người bán phương tiện, giúp cơ quan quản lý dễ dàng xác minh khi có sự cố xảy ra.
Trung tá Phạm Việt Công -trưởng Phòng đăng ký xe Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công An cho biết, đối với những trường hợp phương tiện đã chuyển qua nhiều chủ sở hữu, dự thảo Thông tư mới cũng có những cơ chế để giải quyết sang tên chuyển chủ đối với các phương tiện đã được chuyển đổi qua nhiều đời chủ khác nhau khi người bán chứng minh được sở hữu và viết bản cam kết. Bên cạnh đó, quy định sang tên đổi chủ chỉ bắt buộc đối với những trường hợp người dân muốn bán, điều chuyển, cho tặng phương tiện. Còn đối với những trường hợp sử dụng xe của bố mẹ, bạn bè, người thân để lưu thông không trái với quy định hiện hành thì không nhất thiết phải chuyển đổi chủ sở hữu.
Theo đại diện Cục CSGT, Dự thảo Thông tư mới của Bộ Công an vẫn cho phép người dân ủy quyền quản lý, sử dụng cho người khác hoặc giữ lại những biển số đẹp.
"Trong quy định mới của Bộ Công an khi làm thủ tục sang tên chuyển chủ thì chỉ đổi phương tiện 3 số lên 5 số. Còn đối với những phương tiện có biển 4 số thì cho người dân linh động có thể giữ lại hoặc nếu muốn đổi lên 5 số mới đổi. Thứ hai, việc thực hiện ủy quyền để tránh đổi biển số, cái này không thuộc quy định trách nhiệm dân sự mà thuộc về người chịu trách nhiệm ủy quyền sau này nếu vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bắt buộc phải chịu trách nhiệm liên đới".
Hiện Cục Cảnh sát giao thông đang đề nghị Bộ Công an cho phép xây dựng cơ sở dữ liệu về hồ sơ xe điện tử. Dự kiến, sau khi Thông tư này được thông qua, vào cuối năm 2020 sẽ hoàn thiện dữ liệu điện tử về phương tiện sẽ rút ngắn thời gian cho người dân hơn trong công tác chuyển đổi sở hữu.
Hãy để người dân thấy lợi ích của mình (Bài bình luận của Nhà báo Phạm Trung Tuyến- Phó Giám đốc Kênh VOVGT)
Hiện nay, đa phần người dân còn băn khoăn khi thông tư mới đi vào cuộc sống có thể ảnh hưởng đến thời gian đi lại và chi phí khi chuyển đổi sở hữu phương tiện. Nếu cơ quan quản lý có những biện pháp giải quyết được những lo lắng này của người dân, chắc chắn các quy định, thông tư mới sẽ đi vào cuộc sống, giúp công tác quản lý đạt hiệu quả tốt hơn.
|
Cơ quan quản lý cần có biện pháp giải quyết được những lo lắng này của người dân để thông tư mới đi vào cuộc sống, giúp công tác quản lý đạt hiệu quả tốt hơn. Ảnh: Nhân Trần |
Quy định chủ xe nộp lại đăng ký xe, biển số xe cho cơ quan quản lý sau khi bán, cho, tặng xe cho người khác, trước hết, cần được nhìn nhận là một nỗ lực của Bộ Công an nhằm thúc đẩy người dân có ý thức cao hơn về trách nhiệm sang tên đổi chủ cho phương tiện, đồng thời nhằm quản lý phương tiện được hiệu quả hơn.
Những tấm giấy đăng ký, biển số xe sau khi thu hồi và tiêu hủy chắc chắn thể hiện mong muốn hạn chế được tình trạng tái sử dụng để giúp các loại phương tiện không nguồn gốc lưu hành bằng biển thật, đăng ký thật một cách trái phép. Tuy nhiên, mong muốn giả định này có thực sự khả thi hay không lại là một câu hỏi cần được đặt ra.
Pháp luật hiện hành đã và đang tồn tại quy định phương tiện sau khi mua bán trao tặng buộc phải sang tên đổi chủ, và việc sử dụng biển số, đăng ký xe không đúng với phương tiện dĩ nhiên là vi phạm pháp luật. Nhưng trên thực tế, việc kiểm soát, xử lý các hành vi cố tình không thực hiện các quy định trên chưa nghiêm nên nhiều người không tự giác chấp hành, gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý, đặc biệt là trong việc xử phạt.
Vì thế, việc có thêm một quy định về bàn giao các loại đăng ký, biển số nhằm tác động thêm vào ý thức của người dân cũng là một điều tốt, và không thừa.
Tuy nhiên, quy định này, cũng giống như các quy định quản lý đang có, mới chỉ chống được người ngay, là những người tự giác, chứ chưa đủ sức chống lại người gian, bởi nó chưa tác động trực tiếp tới động lực thay đổi hành vi của người dân.
Động lực nào để người dân không tự giác sang tên đổi chủ khi mua bán trao đổi phương tiện? Đầu tiên, là lý do kinh tế. Khi người dân bán, cho, tặng, một chiếc xe đã sử dụng, họ đã đương nhiên phải chấp nhận sự thiệt hại do các chi phí đã bỏ ra để đăng ký xe, sự mất giá sau sử dụng, và đương nhiên không ai muốn thêm một lần phải tốn chi phí cho chiếc xe đó. Vì thế, để tạo động lực thúc đẩy người dân tự giác hợp tác với cơ quan quản lý, thay vì thêm các quy định về mặt hình thức, cần có những chính sách khiến việc hợp tác này trở thành lợi ích của người dân.
Hiện tại, khi bán, hoặc cho, tặng (không phải người trong gia đình) phương tiện thì người dân vẫn phải đóng thuế thu nhập trên giá trị chiếc xe, cho dù đó đã là tài sản mà họ đã từng phải trả rất nhiều loại thuế, phí để sở hữu, và khi cho tặng thì tài sản đó đã suy hao, thực chất không phải là nguồn thu nhập tăng thêm.
Chính cái tâm lý để thu hồi một phần tài sản suy hao mà phải đóng thuế thu nhập đã khiến người dân không hào hứng với việc chủ động làm thủ tục sang tên đổi chủ, dù có thể điều đó sẽ gây phiền toái cho bản thân.
Lợi ích của việc quản lý tốt phương tiện là rất lớn về mặt xã hội, vì thế, đã đến lúc cần nghĩ đến việc nhà nước cần chấp nhận giảm bớt nguồn thu từ việc mua bán phương tiện để người dân thực sự nhìn thấy lợi ích khi hợp tác với cơ quan quản lý.