Khó có tác dụng thực tế
Thực hiện lộ trình tại Thông tư số 04/2022/TT - BGTVT của Bộ GTVT, quy định về đào tạo, sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ, từ ngày 15/6, Sở GTVT Hà Nội cùng các địa phương bắt đầu áp dụng phần mềm 120 kịch bản mô phỏng các tình huống gây mất ATGT vào học và thi lấy GPLX.
Trưởng phòng Quản lý phương tiện & người lái, Sở GTVT Hà Nội Lê Ngọc Diễn cho biết, phần mềm học và thi mô phỏng do Bộ GTVT chuyển giao cho các sở địa phương từ ngày 8/12/2021. Đây là các tình huống được đúc rút từ thực tế các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Mục đích của học phần mô phỏng là nhằm giúp người học nhận biết được các tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT thường gặp; các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn khi tham gia giao thông ở trên đường bộ, trong các điều kiện khác nhau. Tạo ý thức phản xạ cho người học nhận biết, phân tích và xác định từng giai đoạn xảy ra trong một tình huống giao thông.
|
Từ ngày 15/6, các địa phương trong cả nước đã bắt đầu áp dụng học phần và phần thi mô phỏng tính huống trên phần mềm máy tính trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. |
“Hiện tại phần mềm mô phỏng đã được Bộ GTVT từng bước hoàn thiện, nâng cấp, hoạt động ổn định, chính xác tạo điều kiện thuận lợi cho người học và sát hạch cấp GPLX” - ông Lê Ngọc Diễn cho hay.
Tuy nhiên, có không ít ý kiến cho rằng việc học và thi mô phỏng trên máy tính chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (phường Quảng An, quận Tây Hồ) cho biết: “Lúc đầu nghe đến học phần mô phỏng tôi cứ hình dung là học bằng cabin giả lập buồng lái xe ô tô, có vô lăng, bàn đạp phanh, ga để thao tác như trong tình huống thật, như vậy mới có hiệu quả. Ngồi bấm bàn phím máy tính như hiện nay khó mà có tác dụng với người học”.
Tương tự, anh Nguyễn Kim Vinh (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Việc học và thi mô phỏng trên máy tính có quá nhiều hạn chế. Cảm giác mang lại cho người học không thực tế; thao tác trên máy tính cũng có độ trễ nhất định, khiến người học nhiều khi khó thao tác chính xác, trong khi bài thi lại đòi hỏi chính xác tới từng giây”.
Nhiều người học, thi lấy GPLX tỏ ra khá thất vọng và cho rằng, mô phỏng tính huống lái xe mà thực hiện trên máy tính là quá xa vời với thực tế. Trong trường hợp gặp tình huống tương tự, chân ga, chân phanh, tay lái như thế nào không được làm rõ, khiến hiệu quả của bài học gần như không có.
Tốn kém, lãng phí?
Sau khi áp dụng thêm phần học và thi mô phỏng trên máy tính, các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe đã phải trang bị thêm máy móc với khoản tiền không nhỏ, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.
Người học cũng phải nộp thêm một khoản học phí nhất định, khoá học kéo dài hơn do hạng mục giả lập, trong khi họ cần thêm thời gian thực lái trên đường hơn. Không ít người dân khi được hỏi cho rằng thêm phần học và thi mô phỏng trong buồng lái cabin mới “đáng đồng tiền bát gạo”, giả lập trên máy tính như hiện nay chỉ gây tốn kém, lãng phí.
Lãnh đạo một trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn Hà Nội (xin giấu tên) chia sẻ: “Việc học và thi mô phỏng trên máy tính đã nhận khá nhiều ý kiến trái chiều của học viên. Họ cho rằng không cần thiết và chỉ là cái cớ để thu thêm tiền học, Trung tâm đã cố gắng giải thích nhưng vẫn gây ngờ vực suốt thời gian qua”.
Vị này cũng cho hay, việc quan trọng hơn là gia tăng thời lượng và các bài học trong phần thi lái xe thực tế trên đường trường, cho học viên luyện tập nhiều hơn với xe trong thực tế tham gia giao thông. Nếu có áp dụng học mô phỏng phải sử dụng cabin điện tử mới tạo cảm giác thật trong xử lý tình huống, có ích cho học viên hơn.
Một số học viên còn phản ánh tình trạng “loạn” giá học lái xe ô tô sau khi áp dụng học và thi mô phỏng. Về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Hà Nội Lê Ngọc Diễn cho hay, qua thông tin báo chí, đơn vị có nằm được phản ánh về việc một số giáo viên, cơ sở đào tạo lái xe lấy lý do phải đầu tư thêm nhiều thiết bị nên có hành vi phát ngôn, lạm thu quá mức phí theo quy định.
Để đảm bảo việc thực hiện mức thu học phí đào tạo lái xe theo đúng quy định, Sở GTVT Hà Nội đã chấn chỉnh công tác đào tạo lái xe ô tô, yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe thuộc thẩm quyền áp dụng và niêm yết công khai mức học phí tại khu vực tuyển sinh, thu theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như quyền lợi của người học.
Ông Lê Ngọc Diễn cũng khuyến cáo người dân nếu bị lạm thu nên báo ngay cho Sở GTVT Hà Nội để kiểm tra, giám sát, và xử lý nghiêm vi phạm nếu có.