Vừa qua, nhằm giải quyết những tồn tại tiêu cực liên quan đến trật tự ATGT, phát triển hạ tầng giao thông phục vụ người dân song song với góp phần xây dựng điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công an đã nghiên cứu và đề xuất tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Dù còn nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn, nhưng đối chiếu với tình hình thực tế, việc áp dụng cụ thể Luật cho từng lĩnh vực là cấp bách, cần sớm thực thi.
Đổi mới tiêu chí văn hóa giao thông
Tình hình trật tự, ATGT đường bộ trong những năm qua vẫn tồn tại nhiều hạn chế, dù có một số chuyển biến nhưng không thực sự căn bản, vững chắc, dẫn đến diễn biến phức tạp về TNGT, tiềm ẩn nguy cơ cao. 13 năm qua, số vụ, số người chết, người bị thương trong lĩnh vực đường bộ chiếm hơn 97% trong các loại hình giao thông, gây thiệt hại lớn về tài sản, con người.
Bởi vậy, đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận thực tiễn, tìm ra những giải pháp thiết thực nhất trong công tác đảm bảo ATGT. Đề xuất tách Luật Giao thông đường bộ của Bộ Công an có thể coi là điểm nhấn cần thiết, có mức độ khả thi cao đối với nhiệm vụ cấp bách này.
Có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến TNGT có tỷ lệ rất lớn xuất phát từ ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân, chiếm tới 90% số vụ. Dù từ năm 2009 đến 2021, đã có trên 65 triệu trường hợp vi phạm bị xử lý, tuy nhiên, đây chỉ là con số bề nổi.
Vì thực tế, hành vi không tuân thủ của người dân diễn ra hàng ngày trên mọi tuyến đường, trong khi việc phát hiện hiện nay vẫn dựa trên hình thức trực tiếp, thủ công của lực lượng chức năng.
|
Tình trạng giao thông hỗn loạn trên nhiều tuyến phố. Ảnh: Phạm Công |
Chính vì vậy, dự Luật Trật tự ATGT đường bộ của Bộ Công an đặt nặng mục tiêu bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông. Trong đó, 6 nhóm chính sách được tập trung điều chỉnh bao gồm Quy tắc giao thông đường bộ; Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm trật tự ATGT đường bộ; Giải quyết TNGT; Tuần tra, kiểm soát về trật tự ATGT đường bộ và Quản lý Nhà nước về trật tự ATGT đường bộ.
Dự luật của Bộ Công an quy định đến từng hành vi mà trước đây thường bị xem nhẹ, đến nỗi trở thành “đặc thù văn hóa giao thông” như sử dụng làm đường, vượt xe, chen lấn, điền vào chỗ trống hoặc làm ngơ khi gặp TNGT... từng khiến bạn bè quốc tế phải choáng váng khi tới Việt Nam, đặc biệt là ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Chính vì cụ thể hóa quy định phù hợp với thực tiễn, Dự luật của Bộ Công an được kỳ vọng sẽ mang lại một tiêu chuẩn mới trong văn hóa đi lại, xóa bỏ những “luật bất thành văn” như xe to va chạm với xe nhỏ, phương tiện va chạm với người đi bộ..
Tiền đề phát triển xã hội
Năm 2008 khi Luật Giao thông đường bộ ra đời, chúng ta chưa có đường cao tốc dẫn đến nhiều văn bản dưới luật, Thông tư, Nghị định ra đời, khiến việc xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Bất cập hơn là xảy ra tranh cãi, kiện tụng kéo dài. Bởi vậy, cần phải có chế tài rõ ràng thay vì loay hoay giữa Thông tư, Nghị định và bổ sung liên tục như hiện nay.
Mặt khác, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật.
Đối với công tác đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương để gắn trách nhiệm, huy động nguồn lực còn hạn chế, chưa rõ ràng dẫn đến việc tổ chức thực hiện của địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu tính chủ động vì phải chờ ý kiến từ cơ quan Trung ương.
Trong khi hạ tầng giao thông có liên kết chặt chẽ đến điều kiện tham gia giao thông, tình trạng chậm trễ phần nào đó cũng tác động tới sự phát triển chung của xã hội. Như vậy, yêu cầu thực tiễn về việc phân công, phân cấp, xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính về lĩnh vực được giao là cần thiết để phục vụ tốt cho xã hội, cho người dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Như vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Trật tự, ATGT đường bộ là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển với đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn, là sự thể chế hóa quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa quyền con người quy định trong Hiến pháp.
Luật mới phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam theo hướng chuyên sâu điều chỉnh một lĩnh vực cụ thể trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần thúc đẩy, nâng tầm cả lĩnh vực là trật tự, ATGT song song phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải đường bộ.
Do đó, các đơn vị cần đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, đưa các quy định vào thực thi kịp thời với sự thay đổi của xã hội. Mặt khác, người dân cũng cần ủng hộ, làm động lực thúc đẩy Luật mới ra đời, góp phần xây dựng, phát triển hạ tầng, điều kiện phát triển kinh tế.
Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội – Đỗ Văn Bằng