Tái khởi động “mở cửa bầu trời”: Không thể vội vàng

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã từng bước được kiểm soát, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản đề xuất Bộ GTVT về việc nối lại các đường bay quốc tế thường lệ, đặc biệt là nghiên cứu áp dụng “hộ chiếu vaccine” cho khách nhập cảnh.

Kế hoạch mang lại nhiều hy vọng
Theo đó, việc khôi phục hàng không quốc tế trở lại được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu có thể thực hiện ngay từ bây giờ. Người được nhập cảnh là công dân Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam phối hợp cùng đối tác, cơ quan liên quan, địa phương để tổ chức chuyến bay khách trả tiền trọn gói từ vé máy bay tới xét nghiệm, cách ly 15 tại khách sạn trong nước và các chi phí liên quan. Tần suất khai thác và số lượng khách theo khả năng tiếp nhận cách ly trong nước được các địa phương thống nhất.
Đến tháng 7/2021 sẽ bắt đầu thực hiện giai đoạn 2, áp dụng cho cả công dân Việt Nam và người nước ngoài. Cục Hàng không Việt Nam cho biết, giai đoạn 2, các hãng bay lên kế hoạch bay có sự đồng ý của địa phương nơi chuyến bay về.
Trước mắt nối lại các đường bay đi/đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc); tần suất bay 4 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên. Giai đoạn này, khách phải trả toàn bộ chi phí bay và xét nghiệm, cách ly tại khách sạn 15 ngày và chi phí liên quan khác. Đặc biệt, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất, giai đoạn 2 không yêu cầu khách phải xét nghiệm Covid-19 trước chuyến bay.

 

Đối với giai đoạn 3, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng có thể thực hiện từ tháng 9/2021 với tần suất khai thác 7 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không mỗi bên. Khách nhập cảnh không phải cách ly tập trung nếu xét nghiệm không mắc Covid-19 trong thời gian tối đa 5 ngày trước ngày nhập cảnh, và có Giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế đã tiêm loại vaccine Covid-19 được Việt Nam công nhận hiệu quả. Tuy nhiên, mốc thời gian cụ thể để triển khai giai đoạn 3 sẽ tùy thuộc vào tiến trình tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm chủng đại trà.
Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn này, dự kiến thị trường nối lại đường bay là các quốc gia, vùng lãnh thổ công bố chấp nhận hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 của cùng loại vaccine mà Việt Nam đã công bố, để áp dụng rộng rãi trong lãnh thổ Việt Nam. Hành khách sau nhập cảnh phải khai báo với chính quyền địa phương nơi cư trú và tự cách ly tại nơi cư trú từ 7 - 14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt, hành khách không có đủ giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và Giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế vẫn được nhập cảnh nhưng phải cách ly bắt buộc 14 ngày, theo hình thức chi trả trọn gói chi phí liên quan.
Kế hoạch “mở cửa bầu trời” mà Cục Hàng không Việt Nam đưa ra mới chỉ là đề xuất và cần được nghiên cứu thêm trước khi quyết định nhưng đây vẫn là những thông tin rất tích cực đối với các hãng hàng không. Kết thúc năm 2020, các hãng hàng không lớn của Việt Nam đều liên tục báo tin không vui về doanh thu. Do đó, nếu đường bay thương mại quốc tế thường lệ thật sự được nối lại như đúng kế hoạch của Cục Hàng không Việt Nam, đây sẽ một tin “đại hỷ” của các hãng bay nói riêng và của cả ngành hàng không nói chung.
 Tính toán kỹ thiệt - hơn
 Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế khẳng định, kế hoạch “mở cửa bầu trời” gắn liền với “hộ chiếu vaccine” mà Cục Hàng không Việt Nam đưa ra rất đáng chờ đợi. “Đây sẽ là thời cơ vàng để ngành hàng không cũng như du lịch vực dậy sau một thời gian dài chìm sâu trong khủng hoảng và thiệt hại vì Covid-19” – PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.
 Cũng giống như “hộ chiếu vaccine”, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, việc “mở cửa bầu trời” cần phải được bắt tay vào nghiên cứu ngay lập tức để sớm đưa ra kết quả nếu như không muốn thời cơ trôi qua như thời điểm năm 2020. “Năm ngoái, Chính phủ cũng đã có chủ trương về việc mở lại đường bay quốc tế với những quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, các hãng hàng không của chúng ta vẫn không được “mở cửa bầu trời” vì sự chậm trễ trong việc ban hành quy trình quản lý, kiểm soát khách nhập cảnh của một số bộ, ngành liên quan. Đấy là bài học nhãn tiền mà năm nay chúng ta phải rút ra được để tránh lặp lại” – chuyên gia Ngô Trí Long phân tích.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không lại tỏ ra khá thận trọng khi cho rằng, ngành hàng không đã trải qua một thời gian dài khủng hoảng vì Covid-19 nên những thiệt hại mà lĩnh vực này hứng chịu vô cùng lớn. Việc “mở cửa bầu trời” với “hộ chiếu vaccine” chỉ là một trong những giải pháp tiềm năng chứ chưa chắc đã là cứu cánh cho ngành hàng không vào lúc này. Kế hoạch “mở cửa bầu trời” vẫn còn nằm trên giấy và cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định có thực hiện hay không và thực hiện ở mức độ nào để vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa nối lại vận tải hàng không quốc tế.
“Vấn đề tiên quyết là kiểm soát được dịch bệnh mới đem lại sự yên tâm cho khách đi lại bằng đường hàng không và đem lại hơi thở cho ngành du lịch. Các nhà hoạch định kinh tế cũng cần tính toán để hỗ trợ các hãng hàng không cầm cự, chờ thời cơ vượt khủng hoảng” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định.

"Thị trường nội địa vẫn là chỗ dựa cho các hãng hàng không. Hiện nay có hãng hàng không vẫn báo lãi nhưng trên thực tế mảng vận tải hàng không còn khó khăn và lỗ. Khoản lãi của các hãng có thể tới từ hoạt động khác, ngoài vận tải hàng không để cân đối tài chính." -Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề

Quý Nguyễn

Tin liên quan