Mùa "ế" khách
Trên chuyến taxi từ phố Hai Bà Trưng về Đội Cấn, anh Phan Văn Hùng (35 tuổi, tài xế GrabCar) chia sẻ, từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách hàng giảm đi rõ rệt, ước chừng khoảng 50%.
"Bình thường tôi thu được khoảng hơn 2 triệu đồng mỗi ngày, thời gian này chạy "căng" cũng chỉ được 1 triệu, sau khi trừ các chi phí thì bỏ túi chẳng được bao nhiêu", anh Hùng than thở.
|
Ít người đi lại, di chuyển, những dãy dài taxi vẫn miệt mài... chờ khách. Ảnh: Thành Luân |
Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Đạt Chung (27 tuổi, lái xe taxi Mai Linh) cho biết, rất nhiều khách hàng gọi xe xong rồi lại huỷ chuyến vì lo ngại việc có nhiều người sử dụng và không gian chật hẹp của xe sẽ khiến nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Anh Chung cho rằng, chính những tài xế taxi như anh cũng rất lo lắng, dè chừng khi vận chuyển khách trong thời gian này.
"Nghề nào thì cũng có rủi ro, sau khi nghe tin về dịch bệnh, nhiều anh em khi thấy khách lên xe có biểu hiện như mệt, ho, hắt hơi, sổ mũi... đã từ chối vận chuyển bởi lo lắng cho sức khoẻ của mình và gia đình", anh Chung chia sẻ.
Không chỉ các tài xế taxi ảnh hưởng mà ngay đối với cánh xe ôm công nghệ, dịch bệnh đang khiến họ điêu đứng.
|
Nhiều xe ôm công nghệ cũng ngồi cả buổi mà không "nổ" khách |
"Sinh viên về quê, học sinh nghỉ học, ít người ra đường. Nhiều ngày ngồi trà đá cả buổi mà không "nổ" khách,... giờ chắc tôi phải tạm chuyển nghề đợi đến khi nào hết dịch thôi" - Anh Trần Trung Kiên (40 tuổi, tài xế xê ôm công nghệ của hãng Grab) nói.
Nhiều tài xế chia sẻ, lượng khách hàng đông đảo nhất, thường xuyên sử dụng dịch vụ là giới nhân viên văn phòng, phụ huynh và học sinh. Với việc dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát, một số công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà; học sinh, sinh viên nghỉ học dài ngày; cùng với đó, tâm lý lo ngại dịch bệnh, hạn chế khi ra đường của người dân là nguyên nhân chính dẫn đến việc "ế" khách như hiện nay.
Tìm cách cứu mình
Theo chỉ đạo của Bộ GTVT và các cơ quan hữu quan, đa số các hãng taxi đều thực hiện nghiêm hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều đơn vị sớm có quy định như: Bắt buộc tài xế đeo khẩu trang khi làm việc; Rửa tay thường xuyên; Giữ vệ sinh, khử trùng xe mỗi ngày; Nhắc nhở khách hàng rửa tay, đeo khẩu trang;Liên hệ ngay tổng đài khi có những dấu hiệu như sốt, ho, khó thở...
Một số đơn vị cung cấp dịch vụ gọi xe như Grab, Be cho biết, các hãng này sẽ áp dụng những chế tài phù hợp nếu các tài xế không tuân thủ, cao nhất là khoá tài khoản hoạt động.
Đại diện Be thông tin, sau Tết Nguyên Đán, giống như đa số doanh nghiệp khác, hoạt động của hãng cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. " Chúng tôi đã có kế hoạch chu đáo để duy trì và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của công ty theo đúng chỉ tiêu đã đề ra và tích cực chung tay cùng cộng đồng trong việc nghiêm túc phòng chống dịch", đại diện Be chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện hãng Grab cho biết: “Tình hình kinh doanh của hãng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ổn định trên tất cả dịch vụ. Tuy vậy, để xác định chính xác sự tăng trưởng này do yếu tố nào mang lại, cần phải theo dõi một khoảng thời gian nữa cũng như đòi hỏi phương pháp phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện".
Thực tế cho thấy, dù nhu cầu đi lại giảm mạnh nhưng dịch vụ giao nhận hàng hóa, đồ ăn lại tăng nhẹ. Để có thu nhập, các tài xế đặc biệt là xe ôm công nghệ đã chuyển hướng dần sang kết hợp vừa chở khách và giao nhận đồ ăn.
Anh Đỗ Văn Nam, một tài xế của Be cho biết: “Buổi trưa mọi người gọi ship đồ ăn rất nhiều. Có ngày tôi giao đến 40-50 suất, thu nhập có thể dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày”. Tuy vậy, anh Nam nhận định, số tiền kiếm được vẫn ít hơn nhiều so với trước mùa dịch được bởi tài xế quá đông nhưng nhu cầu giao đồ ăn chỉ tăng nhẹ.
|
Nhiều nhân viên văn phòng cho rằng, họ sẵn sàng chi ra một khoản cao hơn đi ăn ở ngoài để gọi đồ ăn tận nơi. |
Theo chị Đồng Hải Vân (quản lý một công ty thời trang tại quận Cầu Giấy), chị cùng đồng nghiệp trong công ty thường gọi cơm hộp để ăn, mỗi suất ăn cho một người có giá trong khoảng 35.000 - 50.000 đồng kèm theo đó là 20.000 - 25.000 đồng tiền vận chuyển.
“Để phòng tránh dịch bệnh, chúng tôi sẽ chọn đồ ăn trên mạng rồi đăng ký giao hàng luôn, tuy rằng có hơi đắt nhưng lại an toàn hơn so với việc ra ngoài, tránh bị lây nhiễm dịch bệnh”, chị Vân chia sẻ.
Chị Vân cũng cho biết, đối với một số hàng hóa cồng kềnh, công ty chị sẵn sàng gọi taxi "quen" để chuyên chở và giao hàng luôn cho đối tác, tránh việc các nhân viên phải đi theo xe. Đó cũng được coi là cơ hội cho nhiều tài xế taxi, xe ôm công nghệ đỡ cảnh ế ẩm.
Trong thời điểm khó khăn chung, những tài xế taxi, xe ôm công nghệ đều tin tưởng Chính phủ, Bộ Y tế, TP Hà Nội và các cơ quan chức năng sẽ làm tốt công tác kiểm soát, không để dịch bệnh kéo dài. Qua đó, sớm chấm dứt tình trạng “ế” khách như hiện nay.