Tàu điện Cát Linh - Hà Đông: Đông khách không phải do vận may

NGỌC HẢI
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Lượng hành khách đến với tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2A Cát Linh - Hà Đông đang tăng rất ổn định, và đó không phải là nhờ vận may tình cờ khi xăng dầu vào đợt “bão giá”.

Lượng khách tăng ổn định

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, mỗi ngày trung bình có khoảng 10.000 người sử dụng tàu điện Cát Linh - Hà Đông để đi lại. Trong đó có 50% là người sử dụng vé tháng, vào giờ cao điểm, lượng người sử dụng vé tháng lên đến trên 70%.

Tính chung 4 tháng qua, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đã đạt sản lượng vận chuyển khoảng 1,6 triệu hành khách. Lượng khách những ngày cuối tuần cao hơn, khoảng 14.000 - 15.000 hành khách/ngày, cá biệt như ngày 20/3 vừa qua đạt 21.000 khách.

Tau dien Cat Linh - Ha Dong: Dong khach khong phai do van may - Hinh anh 1
 Tính ưu việt, hiện đại và chất lượng dịch vụ tốt giúp tàu điện Cát Linh - Hà Đông hút khách.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường nhận định, có năm nhóm nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng lượng khách trên tuyến.
Thứ nhất là sau hơn 4 tháng vận hành, tuyến ĐSĐT số 2A đã vận hành ổn định, đảm bảo đúng giờ, không bỏ chuyến lượt, thái độ phục vụ văn minh, lịch sự đã làm cho khách hàng đi trải nghiệm hài lòng, chuyển sang đi thường xuyên bằng vé tháng.

Thứ hai là chính những khách hàng đi trải nghiệm, đã chuyển sang đi vé tháng trên tuyến tàu điện này, là những tuyên truyền viên tích cực, tuyên truyền hiệu quả về những ưu thế của ĐSĐT. Mặt khác, sau giãn cách xã hội, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học đang dần mở cửa trở lại, lượng người dân sử dụng tàu điện cũng như đi trải nghiệm tăng. Công ty cũng rất kỳ vọng mọi hành khách được trải nghiệm tàu điện sẽ chuyển sang sử dụng thường xuyên, qua đó gia tăng lượng khách chung thân của tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông.

Thứ ba là hiện hệ thống xe buýt đã vận hành 100% trở lại, thay vì 50% như thời điểm tàu điện Cát Linh - Hà Đông mới vận hành, nên việc tiếp cận từ xe buýt đến tàu điện thuận tiện hơn rất nhiều, đây cũng là một yếu tố thúc đẩy người dân đến với tuyến ĐSĐT số 2A.

Thứ tư là sau 4 tháng vận hành, tuyến ĐSĐT số 2A đã dần làm thay đổi văn hoá đi lại của người dân Thủ đô và đặc biệt là người dân dọc tuyến tàu điện đi qua. Người dân đã chấp nhận đi bộ xa hơn để đến với tàu điện, thay vì sử dụng xe cá nhân, nên vùng phục vụ của tuyến được mở rộng, thu hút thêm lượng khách đến trải nghiệm.

Thứ năm là nhóm nguyên mang tính thời điểm, khách quan như: thời tiết giá lạnh hoặc nắng nóng, hay giá xăng dầu tăng cũng có ảnh hưởng đến lựa chọn của người dân giữa xe cá nhân và tàu điện. Tuy nhiên, nếu tàu điện không nhanh, hiện đại, văn minh, lịch sự, đảm bảo nhu cầu đi lại thì các nguyên nhân khách quan cũng không mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Vũ Hồng Trường nói: “Tôi cho rằng, nhóm nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc gia tăng lượng khách của tàu điện chính là tính ưu việt của loại hình vận tải công cộng hiện đại này và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ trên tàu để mang lại chất lượng dịch vụ tốt nhất cho người dân”.

Lựa chọn tất yếu

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Xã hội học Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, sự gia tăng ổn định lượng khách của ĐSĐT cho thấy hiệu quả rất tích cực của loại hình vận tải công cộng hiện đại này đối với Hà Nội.

“Hà Nội đã có xe buýt từ nhiều thập kỷ qua, nhưng toàn mạng lưới 144 tuyến buýt chỉ đáp ứng được khoảng hơn 10% nhu cầu đi lại của người dân. Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhiều năm qua, con số này vẫn tăng rất chậm chạp. Điều đó cho thấy, tàu điện hút khách bằng chính chất lượng và tính ưu việt nổi trội của mình chứ không phải vận may tình cờ” - Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Tau dien Cat Linh - Ha Dong: Dong khach khong phai do van may - Hinh anh 2
 Khoảng 70% hành khách đi tàu điện trong giờ cao điểm sử dụng vé tháng.

Nhiều hành khách khi được hỏi cho biết, sau những lần đi trải nghiệm, thấy tàu điện tách biệt hoàn toàn với những khó khăn của mạng lưới giao thông bên dưới, họ đã quyết định chọn tàu điện để đi thường xuyên.
Chị Mai Thị Lê Na (Mộ Lao, Hà Đông) cho biết: “Trước đây tôi vẫn sử dụng xe ô tô riêng để đi làm. Mỗi ngày phải mất đến hai tiếng đồng hồ đi - về do tắc đường trong giờ cao điểm. Chỉ thử đi tàu điện một lần tôi đã quyết định ngay sẽ sử dụng song song cả xe riêng và tàu điện. Chi phí xăng dầu giảm được khi đi lại trong 2 - 3 ngày sử dụng tàu điện thực sự không đáng kể đối với tôi. Nhưng giá trị về sức khoẻ, khoảng thời gian tiết kiệm được thì rất xứng đáng”.
Không ít người dân còn lựa chọn tàu điện chính vì quãng đường đi bộ từ nhà hoặc cơ quan đến ga.

Anh Lê Văn Khánh (Thượng Đình, Thanh Xuân) cho biết, từ nhà anh đến ga Vành đai 3 khoảng gần 1km; từ ga Cát Linh đến cơ quan anh cũng tương tự.

Anh Lê Văn Khánh cho hay: “Tôi chọn tàu điện vì hai lý do. Thứ nhất là tàu đi nhanh, giá rẻ, sạch sẽ, an toàn. Thứ hai là chính quãng đường đi bộ từ nhà đến ga, từ ga đến cơ quan và ngược lại đã giúp tôi có thể thư giãn, vận động thân thể đều đặn, thường xuyên, rất tốt cho sức khoẻ. Trước đây muốn có thời gian tập thể dục cũng khó, giờ thì tập được hàng ngày rất thoải mái”.

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lên đời sống xã hội đang giảm dần, các cơ quan, công sở, trường học… có thể sớm trở lại với nhịp điệu hoạt động bình thường. Nhiều chuyên gia cho rằng, lượng khách của tàu điện Cát Linh - Hà Đông sẽ còn tăng mạnh mẽ hơn nữa.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: “Hà Nội cần nhanh chóng có thêm nhiều tuyến ĐSĐT nữa để phục vụ người dân. Bên cạnh đó, đơn vị quản lý, vận hành ĐSĐT cần duy trì thật tốt, phát huy hơn nữa chất lượng dịch vụ như hiện nay. Đó chính là một trong những ưu điểm quan trọng nhất giúp cho tàu điện thu hút hành khách ngoài năng lực thông hành tuyệt đối vốn có”.

Tin liên quan