|
Bỏ mặc sự tồn tại của cây cầu dành cho người đi bộ, người dân vô tư di chuyển dưới lòng đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. |
Tiện là sang, thích là qua
Ghi nhận tại nhiều tuyến đường có cầu vượt đi bộ, đặc biệt tại các cầu vượt ở trước cửa các bệnh viện, trường học hằng ngày có hàng nghìn lượt người qua lại. Tuy nhiên, chỉ có một bộ phận nhỏ người dân sử dụng cầu vượt đi bộ, còn lại phần lớn người dân ngang nhiên, bất chấp nguy hiểm băng qua lòng đường.
Điển hình là tại cầu vượt khu vực cổng Bệnh viện Bạch Mai có lưu lượng người và phương tiện giao thông hàng ngày qua lại rất đông, đặc biệt là khách bộ hành có nhu cầu qua đường để tới các phòng khám, hiệu thuốc nằm trên đường Giải Phóng. Do vậy, cầu vượt bộ hành bắc qua khu vực này luôn tấp nập nhộn nhịp.
Tuy nhiên, đã từ lâu, tại các lối lên, xuống, mặt cầu, chiếu nghỉ... bị một số cá nhân chiếm dụng làm nơi bán hàng, nơi đón khách gây khó khăn cho người dân khi lên, xuống cầu. Đặc biệt, do công suất sử dụng cao nên mặt cầu, bậc cầu thang đã bị xuống cấp, đất cát phủ dày. Một số người dân sống ở đường Giải Phóng chia sẻ, nhờ có cầu vượt nên khách bộ hành được đảm bảo an toàn, giảm bớt nguy cơ xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông tại khu vực. Tuy vậy, mỗi khi qua đây họ cảm thấy khá khó chịu bởi sự cản trở, chèo kéo của những người bán hàng rong.
Ngoài các cầu vượt tuy có đông người qua lại hàng ngày nhưng bị chiếm dụng và xuống cấp vẫn còn một số cầu vượt bộ hành khá vắng vẻ, đìu hiu như cầu vượt Tây Sơn gần Đại học Thủy lợi, cầu vượt gần Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), cầu vượt gần Học viện Ngân hàng (phố Chùa Bộc), cầu vượt ở ngã ba Phạm Ngọc Thạch - Lương Định Của…
|
Dù chỉ cách cầu vượt đi bộ chưa đầy 10 m nhưng nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm băng qua ngang qua đường. |
Triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục
Theo Chuyên gia giao thông, Thạc sỹ Nguyễn Xuân Đạt - Trường ĐH Giao thông Vận tải, việc người dân băng qua đường, bỏ qua cầu vượt, hầm chui bộ hành, một phần cũng xuất phát từ sự thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của không ít người dân, coi thường sự an toàn của bản thân, bỏ quên cầu vượt. Nhiều người dù biết băng qua đường nguy hiểm, nhưng vì muốn nhanh, tùy tiện, nên bất chấp nguy hiểm mà không đi lên cầu.
Ngoài ra, theo Thạc sỹ Đạt, bất cập đối với các cây cầu bộ hành hiện nay là bị đặt sai vị trí (nơi nhu cầu người dân không lớn), hoặc đặt đúng vị trí nhưng thiết kế đường dẫn bất hợp lý, khiến người đi bộ phải vòng vèo… Bên cạnh đó việc không đảm bảo hỗ trợ, khiến một số người cao tuổi không đủ sức leo thang, nên cũng chọn đi bộ băng qua đường.
Để khắc phục tình trạng người dân thờ ơ với cầu vượt, hầm bộ hành, theo Thạc sỹ Đạt, cơ quan chức năng cần kiểm tra rà soát lại các cầu, hầm trên địa bàn, có biện pháp duy tu, sửa chữa những hạng mục đã xuống cấp, bổ sung xây dựng cầu ở những nơi có đông khách bộ hành, tiềm ẩn nguy cơ TNGT lớn.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tiếp tục rà soát và bổ sung cầu vượt cho người đi bộ trong thành phố để giảm thiểu TNGT; dẹp bỏ các vi phạm lấn chiếm vỉa hè để trả lại lối đi bộ cho người dân; tuyên truyền, phổ biến để người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đi chậm, nhường đường để người đi bộ sang đường đúng luật, an toàn.
Đồng thời, cần tăng cường phối hợp với chính quyền sở tại trong việc kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm mặt cầu, chân cầu gây cản trở giao thông, tăng nặng chế tài xử phạt hành chính, đồng thời xử lý nghiêm người đi bộ không đúng nơi quy định. Ngoài ra, các đơn vị chuyên môn cũng cần tăng cường các biện pháp kỹ thuật, cưỡng chế người tham gia giao thông sử dụng cầu vượt bộ hành.
|
Nhiều người từ chối đi cầu bộ hành và chọn cách băng thẳng qua bên kia đường trong khi không được phép. |
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Phạm Quang Xá (Công ty luật TXVN - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) nêu quan điểm: Nguyên nhân chính của tình trạng này do ý thức tùy tiện khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân. Nhiều người vẫn có thói quen chọn đoạn đường ngắn nhất, vị trí thuận lợi nhất để đi dù gần đó có cầu vượt, hầm bộ hành. Trong khi đó, chế tài xử phạt người đi bộ không đúng nơi quy định đã có nhưng không đủ sức răn đe.
“Mức xử phạt đối với trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe, do vậy, vi phạm vẫn xảy ra phổ biến. Để giải quyết được vấn đề này, chúng ta cần có chế tài xử phạt nặng hơn nữa với hành vi vi phạm này”, luật sư Phạm Quang Xá cho hay.
Có thể bị xử lý hình sự
Về chế tài xử phạt, tại điều 9 Nghị định 46/2016/NĐ-CP hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng khi không đi đúng phần đường quy định, không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc, dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn; Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường…
Thậm chí người đi bộ băng qua đường dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự theo khoản 3, điều 260 BLHS 2015, với mức phạt tù cao nhất là 15 năm. |