|
Hiện trường vụ tai nạn tại xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. |
Nỗi lo thành hiện thực
Theo số liệu thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an, năm 2018 toàn quốc xảy ra hơn 18.700 vụ (giảm trên 1.300 vụ so với năm 2017) làm hơn 8.200 người chết (giảm 35 người) và khoảng 14.800 người bị thương (giảm hơn 2.200 người). Trung bình mỗi ngày cả nước xảy ra 52 vụ TNGT và khiến 23 người tử vong.
Tuy nhiên, nếu tính trung bình trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, số người tử vong vì TNGT đã có những chuyển biến tích cực - 2 ngày nghỉ lễ 13, 14/4, đường bộ xảy ra 62 vụ tai nạn, làm chết 40 người và làm bị thương 41 người. So với những kết quả đã đạt được trong năm 2018, trong dịp nghỉ lễ này năm nay, số người chết vì TNGT đã giảm đáng kể. Dẫu vậy, thẳng thắn mà nói, số người chết vì TNGT trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương, dù giảm so với bình quân năm 2018, những vẫn còn quá cao so với những bức tranh chung trong những năm qua.
Điểm qua có thể nêu một số vụ tai nạn điển hình như: Khoảng 5 giờ ngày 15/4, do trời mưa, đường trơn trượt nên đoạn qua Cầu Cao Bồ khoảng 300m thuộc xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã xảy ra vụ va chạm giao thông giữa 5 xe ô tô. Vụ va chạm giữa xe ô tô khách 45 chỗ màu đỏ mang BKS 34B-016.91 xe ô tô 45 chỗ màu vàng BKS 17B-017.26 khiến xe ô tô màu vàng bị lật nghiêng xuống ruộng, xe ô tô màu đỏ quay ngang đường. Chưa dừng ở đó, vụ va chạm cũng khiến xe cứu thương bị bắn sang vệ đường, 2 xe tải hư hỏng nặng phần đầu.
Thương tâm hơn là vụ tai nạn khiến 3 nữ sinh tử vong. Cụ thể, vào khoảng 15 giờ 30 ngày 14/4, xe tải BKS 36C-048.38 chở theo máy xúc do tài xế Tống Văn Tâm (29 tuổi, trú xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia) điều khiển lên dốc (tại đê sông Yên, xã Thanh Thủy) thì bất ngờ bị tuột dốc. Đúng lúc đó, 3 nữ sinh đang đi xe máy điện ngay đằng sau xe tải, do tình huống bất ngờ không kịp xử lý nên đã bị xe cán vào khiến 2 em tử vong tại chỗ, 1 em bị thương nặng được đưa đi cấp cứu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những vụ TNGT trong dịp nghỉ lễ vừa qua cho thấy ý thức tuân thủ trật tự ATGT của một bộ phận lái xe chưa cao. Điều này cần được chấn chỉnh trong thời gian tới, để người dân đi lại được đảm bảo an toàn hơn.
Quy trách nhiệm cho từng địa phương
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, công tác đảm bảo trật tự ATGT đã có những chuyển biến tích cực, năm sau luôn giảm so với năm trước. Tuy nhiên, cứ vào những ngày nghỉ lễ, số vụ, người chết, bị thương do TNGT vẫn luôn cao hơn so với những ngày bình thường.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, bên cạnh việc mật độ giao thông tăng cao, để xảy ra tình trạng trên có một phần trách nhiệm không nhỏ của chính các lực lượng chức năng địa phương và các đơn vị có liên quan. Nói như vậy là bởi, mặc dù Chính phủ đã quy định, nếu địa phương nào để TNGT tăng cả 3 tiêu chí so với năm trước, diễn biến phức tạp, người đứng đầu địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm với Chính phủ. Song đến thời điểm này, số người đứng đầu bị khiển trách, kỷ luật vẫn rất hạn chế.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để khắc phục tình trạng trên, nếu chỉ trông chờ vào ý thức của người điều khiển phương tiện là chưa đủ để giảm thiểu TNGT. Điều quan trọng nhất, các đơn vị chức năng, đặc biệt những người đứng đầu địa phương phải nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, ngăn chặn những thiệt hại do TNGT gây ra.
Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn, giảm thiểu những thiệt hại do TNGT gây ra, Chính phủ cần xem xét, quy trách nhiệm, xem đó là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu địa phương.