Vì sao Quyết định 24/2016 từng gây nhiều tranh cãi của Bộ Giao thông bị “khai tử”?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Quyết định cho phép thực hiện thí điểm hoạt động tại một số địa phương nước ta vào năm 2016 từng gây nhiều tranh cãi đã chính thức bị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) “khai tử”.

Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016) kể từ ngày 1/4/2020 để thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Điều tất yếu
Trong Quyết định mới ban hành, Bộ GTVT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/4/2020 dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, được ban hành theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Cũng bắt đầu từ 1/4/2020, để thực hiện quy định tại Nghị định số 10/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị Sở GTVT các tỉnh, TP: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phương tiện kinh doanh vận tải tham gia ký kết kế hoạch thí điểm trên địa bàn địa phương dừng hoạt động thí điểm kể từ ngày 1/4/2020.
Đối với các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải, Bộ GTVT yêu cầu dừng hoạt động theo kế hoạch thí điểm kể từ ngày 1/4/2020 và chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Điều 35 của Nghị định số 10/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ.
Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phương tiện kinh doanh vận tải tham gia ký kết kế hoạch thí điểm, Bộ GTVT đề nghị dừng hoạt động thí điểm từ 1/4/2020 và chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình để đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 10/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ.
Trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1/4/2020 mà đang tham gia kế hoạch thí điểm, Bộ GTVT yêu cầu, kể từ ngày 1/4/2020 nếu tiếp tục kinh doanh vận tải theo hợp đồng thì phải thực hiện cấp lại phù hiệu và dán cố định trên xe ô tô kinh doanh vận tải (thời gian thực hiện xong trước ngày 1/7/2021)  theo đúng quy định tại Nghị định số 10/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ.
Đối với những trường hợp có nhu cầu thực hiện theo loại hình xe taxi, Bộ GTVT yêu cẩu phải thực hiện cấp lại phù hiệu xe taxi để hoạt động kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 10/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ.
Với Quyết định mới ban hành của Bộ GTVT, chương trình triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối động vận tải hành khách theo hợp đồng theo Quyết định 24/2016 vốn gây ra nhiều tranh cãi của bộ GTVT đã chính chức bị “khai tử”. Đây cũng là điều đã được dự liệu sẵn, nhất là khi Nghị định 10/2020 của Chính Phủ được ký ban hành vào ngày 17/1 vừa qua và sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/4 tới đây.
Có nên “cởi trói” cho cả 2 bên?
Còn nhớ, vào ngày 26/1/2016, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị “Triển khai kế hoạch thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” với nhiều lời tung hô và kỳ vọng về một tương lai tươi sáng cho ngành kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.
Đặc biệt, khi bản đề án của Công ty TNHH Grabtaxi soạn thảo và gửi lên Bộ GTVT đã vẽ ra một viễn cảnh đầy mơ ước. Nhất là trong bối cảnh xu thế phát triển của ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực GTVT trong nước và thế giới đang ngày càng nở rộ.
Trước đó, ngày 7/1/2016, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-BGTVT cho phép Grab thực hiện thí điểm tại 5 tỉnh thành là Hà Nôi, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh. Thời gian thí điểm trong vòng 2 năm (từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2018). Tuy nhiên, không bao lâu sau khi việc thí điểm được thực hiện, quá nhiều bất cập mà Grab gây ra đã tạo ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Đặc biệt là mâu thuẫn giữa Grab và các doanh nghiệp taxi truyền thống trong nước ngày một đào sâu.
Hàng loạt hãng taxi gửi đơn kiến nghị, treo băng rôn, biểu ngữ phản đối Grab và yêu cầu Bộ GTVT phải dừng ngay kế hoạch thí điểm. Thậm chí, có doanh nghiệp “nội” còn kiện Grab ra tòa vì hoạt động của đơn vị này gây ra nhiều thiệt hại cho họ.
Trong suốt mấy năm qua, các cuộc tranh cãi xung quanh sự xuất hiện và hoạt động của Grab tại thị trường Việt Nam chưa khi nào chấm dứt. Điều khiến dư luận quan tâm nhất là cơ quan quản lý Nhà nước cần phải sớm định danh Grab thuộc loại hình kinh doanh nào để sớm có chế tài quản lý phù hợp. Đây là điều kiện tiên quyết để tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh như Grab và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trong nước.
Nghị định 10/2020 sau nhiều kỳ vọng cũng chính thức được ký ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2020 tới đây. Khi đó, kế hoạch thí điểm theo Quyết định 24/2016 của Bộ GTVT đương nhiên sẽ hết hiệu lực. Tuy nhiên, với việc Nghị định cho phép “cởi trói” cho cả hai phía (Grab và taxi truyền thống) qua quy định được lựa chọn lắp hộp đèn cố định hoặc dán logo phản quang bên trong xe, cuộc tranh cãi kéo dài giữa Grab và taxi truyền thống về cơ bản sẽ được tạm lắng xuống.
Nhưng chưa ai dám chắc là sẽ không có những bất cập, mâu thuẫn sẽ tiếp tục nảy sinh trong tương lai. Nhất là khi Bộ GTVT lựa chọn cách giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên bằng một giải pháp được đánh giá là “an toàn nhưng chưa triệt để” qua việc cho quyền chọn lựa phương thức nhận diện thay vì quy định cụ thể mang tính chế tài chặt chẽ hơn.

Quý Nguyễn

Tin liên quan