|
Hệ thống trạm sạc và xe điện của Vinfast.
|
Chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam chưa có
Theo nhiều chuyên gia cho biết, Việt Nam có thể có 1 triệu xe điện hoá vào năm 2028 và 4,5 triệu xe điện vào năm 2050. Những quyết tâm mạnh mẽ từ doanh nghiệp đã có, cơ hội vàng để phát triển xe điện đã thấy rõ nhưng chính sách vẫn còn bỏ ngỏ.
Để gỡ vướng khó khăn, mới đây, hơn 130 chuyên gia đến từ các Bộ, ngành, viện nghiên cứu, các tổ chức và doanh nghiệp đã cùng bàn luận nhiều giải pháp tại hội thảo “Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam”.
Nói về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển xe điện phụ thuộc vào 3 trụ cột chính (gồm: khuôn khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ của các quốc gia; các biện pháp khuyến khích bổ sung để bảo vệ doanh số bán xe điện khỏi suy thoái kinh tế; số lượng các mẫu xe điện được mở rộng và giảm giá pin) trong đó chính sách đóng vai trò đầu.
"Hiện tại, chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng/dầu thông thường", ông Phạm Tuấn Anh nói.
Còn về phía đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KHCN) cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 13.000 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN). Tổng số TCVN đang áp dụng cho các phương tiện cơ giới đường bộ là 260, trong đó ô tô có 140 tiêu chuẩn, mô tô xe máy 102 tiêu chuẩn và xe đạp 18 tiêu chuẩn.
Trong các TCVN trên thì mới chỉ có 39 tiêu chuẩn áp dụng cho xe điện. So với độ bao phủ của các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn khu vực, chúng ta mới chỉ đạt khoảng 60%.
Còn với hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), hiện có 21 quy chuẩn áp dụng cho xe điện. Trong đó có 16 quy chuẩn dùng chung cho ô tô, mô tô và xe gắn máy điện. Đáng chú ý là không có QCVN nào dành riêng cho ô tô điện.
Có thể chỉ ra, trong hệ thống TCVN liên quan đến xe điện có nhiều yêu cầu chưa được đề cập đến như: yêu cầu kỹ thuật và an toàn điện đối với hệ thống sạc nhanh; yêu cầu về an toàn khi vận chuyển, thay thế pin/ắc quy xe điện; tái chế đối với ắc-quy, pin sau một thời gian sử dụng; yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu an toàn đối với xe buýt điện; thuật ngữ về phân loại mức độ của xe tự lái; yêu cầu kỹ thuật và an toàn đối với xe tự lái;…
|
VinFast vừa triển khai trạm sạc điện với 10 trụ sạc cho 20 xe tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), cách trung tâm TPHCM khoảng 105km. |
Giới chuyên gia cho rằng, các TCVN, QCVN hiện nay cũng chưa thực sự bao quát được hết các vấn đề về chất lượng, an toàn phương tiện cho người sử dụng các loại xe điện nói chung và ô tô điện nói riêng. Trong khi đó, quy mô thị trường xe điện trên thế giới ngày càng cao, trong đó Việt Nam không đứng ngoài xu thế tất yếu này.
Trên thực tế, một số nhà máy đã cho ra đời các dòng xe ô tô điện khác nhau như: xe buýt điện, các dòng xe con thuần điện (BEV) hay các loại xe Hybrid, nhưng hiện tại chưa có QCVN cụ thể nào cho các dòng xe này. Đây thực sự là lỗ hổng lớn về tiêu chuẩn, quy chuẩn tại Việt Nam.
Các chuyên gia đánh giá, hệ thống TCVN và QCVN về xe điện không chỉ là là công cụ hỗ trợ trong công tác quản lý nhà nước mà còn góp phần định hướng cho các nhà sản xuất, lắp ráp và ngành công nghiệp hỗ trợ; góp phần bảo vệ người tiêu dùng đối với các sản phẩm xe điện hoá.
Thế nên, muốn phát triển ô tô điện, ngoài những chính sách ưu tiên, hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe điện thì một nội dung cấp thiết cần quan tâm đó là sớm nghiên cứu, bổ khuyết những lỗ hổng về TCVN và QCVN trước một bước.
Bà Phan Thị Thuỳ Dương - Giám đốc Trung tâm phát triển trạm pin VinFast cho biết, những nước có ngành công nghiệp sản xuất xe điện phát triển như Trung Quốc, Châu Âu hay Mỹ có những đạo luật khuyến khích mạnh mẽ cho xe điện. Việt Nam muốn đi nhanh thì phải học tập kinh nghiệm từ các nước này.
"Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để phát triển xe điện, chúng ta cũng có nhiều nguồn điện sạch như điện gió, điện mặt trời. Sản xuất xe điện là một lĩnh vực mới, gần như chúng ta đang cùng 1 xuất phát điểm với các nước trong cùng khu vực, thậm chí còn có một số lợi thế rõ ràng hơn. Do đó, chúng ta cần phải khẩn trương, nếu chậm trễ sẽ mất cơ hội", đại diện Vinfast chia sẻ.
|
Mô hình trạm sạc xe điện của VinFast tại Đồng Nai. |
Nhiều giải pháp tháo gỡ
Theo ông Triệu Việt Phương - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) nhận định, số lượng các TCVN hiện nay mới chỉ đảm bảo một phần yêu cầu cho xe điện ở các bộ phận chính như: động cơ, ắc quy, pin của xe điện nói chung mà chưa phản ánh hết được các yêu cầu phát sinh. Đặc biệt cấp thiết đó là tiêu chuẩn về hệ thống trạm sạc và thiết bị sạc bởi đây là cơ sở hạ tầng thiết yếu để mở rộng và phát triển ngành công nghiệp xe điện ở Việt Nam hiện nay.
Vị chuyên gia này viện dẫn: “Trên thế giới đã có những trường hợp xảy ra hỏa hoạn khi các phương tiện xe điện đang sạc, gây nguy hiểm nhất định cho con người và tài sản. Thế nên chúng ta cần sớm có những tiêu chuẩn, quy chuẩn về trạm sạc để giảm thiểu tối đa rủi ro không đáng có”.
Tại hội thảo, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã đề xuất ý tưởng lộ trình phát triển xe điện hoá Việt Nam từ nay đến 2050 thành 3 giai đoạn. Trong đó, ở giai đoạn khởi đầu từ (2021-2030), Việt Nam sẽ đạt mức 1 triệu xe điện hoá vào khoảng năm 2028. Về giai đoạn 2 (từ 2030-2040) tăng trưởng nhanh, Việt Nam duy trì tỷ lệ xe điện hoá tăng trưởng nhanh, đến năm 2040 sẽ đạt khoảng 3,5 triệu xe. Cuối cùng (từ 2040-2050) tăng trưởng ổn định sẽ đạt 4,5 triệu xe vào năm 2050 và bão hoà sau đó với tỷ lệ xe điện hoá bán ra là 100%.
VAMA cho rằng, định hướng phát triển và đưa ra lộ trình còn phụ thuộc vào định hướng, năng lực và quy mô của từng quốc gia. Cũng theo Hiệp hội phân tích, chi phí sản xuất xe điện nói chung cao hơn 45% so với xe động cơ đốt trong, do đó giá xe điện cao hơn nếu không có chính sách hỗ trợ. Trên toàn cầu, các dòng xe Hybrid (HEV & PHEV) có tiềm năng phát triển cao đến năm 2030 và từ đó xe thuần điện (BEV) sẽ dần vượt qua HEV và PHEV.
Trước đó, Bộ Công an đã có văn bản trao đổi với Bộ TN&MT về triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.
Đáng chú ý, Bộ Công an kiến nghị có cơ chế, chính sách giảm, miễn lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số đối với phương tiện sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, tăng đối với xe chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu.
|
Đây là những trạm sạc điện ô tô đầu tiên được hãng VinFast xây dựng và đang trong quá trình hoàn thiện. Qua những hình ảnh hiện tại, khu vực trạm sạc cho ô tô điện bao gồm cả sạc nhanh và sạc chậm. |
Bên cạnh đó, cần cơ chế để khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam, như ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với xe điện. Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
Với lĩnh vực xe sử dụng năng lượng xanh, đại diện Bộ Công an cho biết thêm rằng, đơn vị sẽ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định về đăng ký xe, theo hướng bổ sung đầy đủ dữ liệu liên quan đến loại động cơ, loại nhiên liệu, chỉ số khí thải vào dữ liệu đăng ký, quản lý phương tiện; Thiết kế và lắp biển số xe có đặc trưng riêng cho xe xanh (xe điện, xe lai xăng điện…) để phân biệt với phương tiện chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu và đề xuất ưu tiên cho phép tham gia giao thông trên những tuyến đường mà phương tiện chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu không được phép lưu thông.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sau một thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng, đã có 10 triệu chiếc xe điện trên toàn thế giới vào cuối năm 2020.
Tính riêng năm 2020, khoảng 3 triệu ô tô điện đã được bán trên toàn cầu (chiếm 4,6% thị phần trên thế giới), tăng 41% so với năm 2019, bất chấp sự sụt giảm 16% của doanh số bán ô tô trên toàn thế giới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó, Châu Âu (1,4 triệu xe điện) lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc (1,2 triệu xe điện) trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới.
Hiện các chính phủ trên thế giới đã chi 14 tỷ USD để hỗ trợ doanh số bán ô tô điện, tăng 25% so với năm 2019, chủ yếu từ các chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn ở châu Âu.
Trong quý đầu tiên của năm 2021, doanh số bán ô tô điện toàn cầu tăng khoảng 140% so với cùng kỳ năm 2020, được thúc đẩy bởi doanh số bán xe ở Trung Quốc với khoảng 500.000 xe và ở Châu Âu với khoảng 450.000 xe. Doanh số bán ô tô điện tại Hoa Kỳ tăng hơn gấp đôi so với quý đầu tiên của năm 2020.
|
Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 quy định:
- Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này.
- Quy chuẩn là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.
|