Xăng giảm: Hành khách quay lưng với xe công nghệ, taxi truyền thống chớp thời cơ

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Nhiều hãng taxi truyền thống đã có những động thái cụ thể để giảm giá cước sau khi giá xăng liên tục giảm sâu. Trong khi đó, không ít hành khách đã quay lưng với taxi công nghệ vì giá cước đi ngược với giá xăng.

Giá cao ngất ngưởng

Sau 5 lần điều chỉnh gần nhất, giá xăng, dầu hiện đã giảm tới hơn 20% so với cách đây hơn một tháng. Trong đó, giá xăng từ mức cao kỷ lục 32.870 đồng/lít đã giảm gần 10.000 đồng về hơn 23.000 đồng/lít và dự báo có khả năng giảm tiếp lần thứ 6.

Khi giá xăng, dầu tăng liên tiếp, loạt doanh nghiệp vận tải trong đó có các hãng xe taxi truyền thống và cả công nghệ đồng loạt tăng giá cước để bù lỗ. Song đến nay, nhiều hãng taxi công nghệ như: Grabcar, GoCar Protect… vẫn chưa có động thái giảm giá dù giá xăng, dầu đã liên tục giảm.

Theo ghi nhận của PV Giaothonghanoi, khoảng 10h ngày 20/8, với cung đường 5km từ Lương Thế Vinh tới bến xe Mỹ Đình, trên app Grab báo giá cước Grabcar (loại xe 4 chỗ) 110.000 đồng. Còn GoCar Protect chưa áp dụng khuyến mại cũng là 90.000 đồng.

Mức giá này thậm chí còn cao hơn với giá cước mà Grab đã tăng từ tháng 3/2022 (từ 20.000 đồng lên 29.000 đồng một km đối với 2km đầu tiên và từ km tiếp theo tăng từ 9.000 đồng lên 10.000 đồng) để bù đắp chi phí vận hành của tài xế. Bởi thực tế nếu áp dụng mức giá cước này thì giá cước chuyến đi trên chỉ khoảng 88.000 đồng.

Xang giam: Hanh khach quay lung voi xe cong nghe, taxi truyen thong chop thoi co - Hinh anh 1
  Nhiều hãng taxi công nghệ như: Grabcar, GoCar Protect… vẫn chưa có động thái giảm giá dù giá xăng, dầu đã liên tục giảm.

Trong khi đó, theo ghi nhận, hiện một số hãng taxi truyền thống đã có động thái giảm giá cước vận tải ngay khi giá, xăng dầu giảm liên tiếp, dao động từ 500 - 1.000 đồng/km, như Taxi Group, Thanh Nga, Vạn Xuân hay Mỹ Đình. Một số hãng khác đang gửi đề xuất giá cước lên Sở GTVT và thực hiện các bước để điều chỉnh.

Anh Lê Văn Hùng trú tại quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, rõ ràng cước taxi công nghệ không hề có sự điều chỉnh sau 5 lần giá xăng, dầu đã giảm, thậm chí còn tăng hơn so với mức giá tăng theo công bố ở một số khung giờ.

“Điều này gây bất công với người tiêu dùng. Bởi khi giá xăng tăng, với lý do để bù đắp chi phí đã điều chỉnh cước tăng thêm, mong khách hàng đồng hành. Đến khi xăng giảm lại chậm trễ trong việc giảm tương ứng, như thế là không sòng phẳng” - anh Lê Văn Hùng nói.

Là người thường xuyên sử dụng taxi đưa đón con đi học, chị Phạm Kiều Hương trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Giá xăng đã giảm 5 lần liên tiếp vẫn chưa thấy các hãng xe taxi công nghệ điều chỉnh giá cước tương ứng. Tôi đã chuyển sang sử dụng taxi truyền thống, mỗi km di chuyển có thể tiết kiệm được 5 đến 10 nghìn đồng. Hiện nay, nhiều hãng taxi truyền thống đã phát triển công nghệ đặt xe qua ứng dụng việc gọi xe cũng trở nên dễ dàng như taxi công nghệ”.

Theo chị Phạm Kiều Hương, khách hàng đã đồng hành cùng các doanh nghiệp trong lúc giá xăng, dầu tăng, chịu mức phí di chuyển cao thì khi giá xăng, dầu giảm, doanh nghiệp cũng cần giảm giá cước tương ứng. Như thế mới công bằng và sòng phẳng.

Cần quy định mới

Trước việc giá xăng dầu giảm mạnh, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các đơn vị trong ngành và địa phương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Cụ thể, Bộ yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra tại Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các giải pháp của Chính phủ và theo dõi sát, nắm chắc tình hình để chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, khoa học, hiệu quả, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đã đề ra, đảm bảo đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục nhà nước định giá, Bộ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư (Tổng cục Thống kê) tính toán, tổ chức triển khai rà soát để chủ động có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng thị trường theo đúng quy định.

Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời; kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.

Đáng nói, dù đại diện các ứng dụng xe công nghệ Grab, Gojek đều khẳng định, không điều chỉnh giá cước đối với loại hình xe bốn bánh (Car) trong bối cảnh xăng dầu tăng giá kỷ lục! Nhưng thực tế, cước xe công nghệ lại tăng chót vót, điều chỉnh giá cước mà không thông tin cho người dùng biết.

Trao đổi với báo chí, đại diện Gojek cho hay, kể từ thời điểm xăng liên tục tăng giá từ tháng 4 đến giờ, Gojek thực hiện điều chỉnh giá cước duy nhất 1 lần. Mức giá được điều chỉnh chủ yếu bởi tình hình cung và cầu trên thị trường. Dù vậy thì đến nay, mức cước GoCar Protect vẫn ở mức cao ngất ngưởng, người dân chưa thấy có sự điều chỉnh giá cho phù hợp. Còn Grab Việt Nam thì vẫn lựa chọn “giải pháp” im lặng.

Thông tin với Giaothonghanoi, ông Nguyễn Anh Quân - Tổng giám đốc G7 taxi cho biết, chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ, báo cáo việc điều chỉnh giá cước sau khi giá xăng dầu liên tục giảm sâu. Theo kế hoạch, giá cước taxi của hãng sẽ được giảm từ 5% - 15% cho tùy từng loại xe vào ngày 22/8 tới đây”.

Theo ông Nguyễn Anh Quân, việc điều chỉnh giá cước theo giá xăng cũng khá khó khăn đối với doanh nghiệp, vì giá xăng chỉ chiếm 25% các yếu tố cấu thành giá cước. Ngoài ra, biên độ điều chỉnh giá xăng chỉ diễn ra trong vòng 10 ngày, tuy nhiên, để điều chỉnh giá taxi cần nhiều thời gian hơn thế để xây dựng kế hoạch, bảng giá, báo cáo, xin cấp phép từ các sở, ban ngành rồi triển khai cài đặt lại đồng hồ cho toàn bộ hệ thống xe của hãng mất không ít thời gian và chi phí.  

Ông Nguyễn Anh Quân cho rằng, để giá taxi được điều chỉnh nhanh theo giá xăng các thủ tục hành chính trong việc điều chỉnh giá cước cũng cần linh hoạt, đơn giản hóa để tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp.

Trao đổi với Giaothonghanoi, chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Lê Trung Hiếu cho rằng, có thể thấy, giá cước taxi công nghệ đang khiến nhiều người không khỏi giật mình khi phải chi trả đến hàng trăm nghìn đồng cho quãng đường vài km.

Theo Thạc sĩ Lê Trung Hiếu, xăng dầu là sản phẩm hàng hóa đặc biệt tác động đến đầu vào của nhiều mặt hàng. Khi giá xăng tăng, giá dịch vụ mặt hàng ngay lập tức tăng. Nhưng khi giá xăng giảm, thậm chí giảm sâu, giá dịch vụ không thay đổi là bất cập. “Tăng dễ khó giảm” là câu chuyện cần phải có sự quản lý của cơ quan chức năng. Do đó cần có quy định trong bao lâu sau khi xăng giảm, doanh nghiệp phải điều chỉnh lại giá, đăng ký giá mới và giá này phải hợp lý.

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h