Tự làm xấu mình
Từ khi loại hình xe núp bóng vận chuyển hợp đồng để chở khách liên tỉnh xuất hiện, XKLT nhanh chóng đánh mất thị phần, ngày càng đuối sức. Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những khó khăn khách quan gặp phải, DN kinh doanh XKLT chậm chuyển mình, không bắt kịp xu thế, thị hiếu của hành khách, thậm chí tự làm xấu hình ảnh của mình trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt nhất từ trước đến nay.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long thẳng thắn nhìn nhận, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định chưa chú trọng đến việc đầu tư, đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ. Vì ham lợi nhuận trước mắt, sau khi ra khỏi bến không ít xe còn chạy vòng vo dọc đường để bắt thêm khách. Chưa kể tình trạng cố tình nhồi nhét khách, thu giá cước sai quy định trong các dịp lễ, Tết, đặc biệt trên những tuyến đi về các huyện, vùng sâu, vùng xa. Điều này dẫn đến hành khách có tâm lý ngại, sợ sử dụng XKLT làm phương tiện vận chuyển và chuyển lựa chọn sang các loại hình dịch vụ khác có chất lượng tốt hơn.
Xe khách liên tỉnh đón trả khách tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Công Hùng
|
Đồng quan điểm, thạc sĩ giao thông đô thị Đỗ Cao Phan cho rằng, ngay từ khi mới xuất hiện, xe khách trá hình đã chứng tỏ nhiều ưu thế vượt trội so với XKLT. Xe khách trá hình nhận đặt chỗ trước, không nhồi nhét, sử dụng xe trung chuyển hoặc luồn vào trung tâm TP, đưa đón khách tận nơi. “Nội thất xe lúc nào cũng sạch đẹp, phục vụ chu đáo đến nước uống, khăn lau… thì dù có đắt hơn một chút, hành khách cũng sẵn sàng chi tiền đi xe khách trá hình” - ông Đỗ Cao Phan nói.
Thiếu kênh quảng bá hiệu quả
Chị Lò Thị Năm (Sìn Hồ, Lai Châu) chia sẻ: “Mỗi khi ra bến tìm xe về quê tôi rất bối rối. Nhà xe nào cũng chào mời nhưng không biết xe nào tốt, giá cả bao nhiêu”. Đó cũng là tâm lý chung của nhiều hành khách, bởi họ quá thiếu thông tin về các tuyến XKLT có chất lượng tốt, dịch vụ hợp lý. Trong khi đó, nhiều DN kinh doanh xe khách trá hình đã tận dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook hoặc website để quảng bá đến hành khách.
Ông Đào Việt Long phân tích, các DN kinh doanh vận tải xe hợp đồng đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để quảng bá dịch vụ, phương thức hoạt động trên các diễn đàn, mạng xã hội, qua đó thu hút được người dân, đặc biệt là giới trẻ thường xuyên sử dụng Facebook, Zalo... Còn nhiều DN kinh doanh XKLT lại chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.
Hiện vẫn có một số ít thương hiệu XKLT vẫn tồn tại, phát triển mạnh mẽ bất chấp sự xuất hiện nở rộ của xe khách trá hình. Những thương hiệu đó tồn tại được chính là nhờ đã biết tự quảng bá mình, tự xây dựng thương hiệu, uy tín bằng chất lượng dịch vụ. Thực tế đó cho thấy, XKLT hoàn toàn có thể cạnh tranh với xe khách trá hình nếu biết tự thay đổi để phù hợp với bối cảnh hiện tại, khi mà hành khách đã trở nên thông thái hơn, “chịu chi” hơn và đòi hỏi cao hơn.
Bên cạnh đối thủ chính là xe khách trá hình, XKLT cũng cần nhìn nhận rõ nguy cơ mất thêm thị phần vào tay các hãng hàng không, đặc biệt là hàng không vé rẻ, hay thậm chí là xe taxi. Ông Đỗ Cao Phan nhận định: “Trong khi chờ cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra những biện pháp bảo hộ, nhiều DN kinh doanh XKLT cần tự cứu lấy mình bằng cách thay đổi tư duy”.