TP Hồ Chí Minh đi Nha Trang chỉ mất từ 4-5 tiếng
Sau 30 tháng thi công, đến nay, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã hoàn thành và chính thức thông xe 2 hướng Bắc – Nam từ 7h sáng ngày 26/4, kịp phục vụ lưu thông trong dịp lễ lớn 30/4 và 01/5.
Cao tốc này nối TP Hồ Chí Minh với Nha Trang giúp hành trình chặng này chỉ còn 4-5 giờ, giảm gần nửa thời gian so với đi quốc lộ 1.
Thời gian di chuyển giữa các tỉnh, thành được rút ngắn gần một nửa (Nguồn ảnh: Báo Tiền Phong)
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả, liên danh đầu tư tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết, từ ngày 26/4 tất cả phương tiện lưu thông 2 chiều vào cao tốc này sẽ được miễn phí. Dự kiến sau kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, đơn vị vận hành sẽ bắt đầu thu phí. Hiện thời gian chính thức thu phí và mức phí vẫn đang đợi quyết định từ Bộ GTVT.
Dọc tuyến đường có gắn camera giám sát sử dụng công nghệ AI để phân loại phương tiện, nhận diện biển số, phát hiện, cảnh báo sự cố và vi phạm như chạy quá tốc độ, đi sai làn, ngược chiều…
Đơn vị này cũng thông tin thêm, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo khi đưa vào khai thác sẽ có 3 trạm thu phí được lắp đặt tại nút giao Du Long (huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận), nút giao quốc lộ 27 (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) và trạm cuối tuyến km133+700 (huyện Tuy Phong, Bình Thuận).
Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài hơn 78km đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (5km), Ninh Thuận (63 km) và Bình Thuận (12km). Đây là đoạn cao tốc cuối cùng kết nối tuyến đường cao tốc huyết mạch từ TP Hồ Chí Minh đi Nha Trang.
Tốc độ tối đa trên cao tốc này là 90km/h
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo do liên danh Tập đoàn Đèo Cả và Công ty 194 làm chủ đầu tư với tổng vốn 8.925 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng đối tác công tư (PPP). Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc, trong đó giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m với vận tốc thiết kế 90km/h.
Ngoài tuyến chính cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, các hạng mục phụ trợ như các nút giao, hành lang bảo hộ, taluy đường, đường dân sinh, biển báo, trạm thu phí... cơ bản hoàn thành. Trong hình là nút giao quốc lộ 27 và đường dẫn vào cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo tại huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận.
Hà Nội đi Vinh chỉ còn khoảng 3 tiếng
Cùng với dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, kế hoạch thông xe kỹ thuật 30 km tuyến cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt đoạn đầu tuyến – nút giao quốc lộ 7 ở xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu đến nút giao quốc lộ 46B ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã được Bộ GTVT “chốt” vào ngày mai (28/4) nhằm chào mừng 49 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).
Sau khi thông xe vào ngày mai, thời gian đi từ Hà Nội đến Vinh cũng được rút ngắn đáng kể (Nguồn ảnh: Báo Lao động)
Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), có tổng mức đầu tư 11.157 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng và nguồn vốn Nhà nước tham gia hơn 6.060 tỷ đồng.
Điểm đầu dự án tiếp nối dự án cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu tại nút giao Quốc lộ 7 và điểm cuối tại xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, thuộc nút giao quốc lộ 8 nối cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi.
Đại diện chủ đầu tư cho hay, đơn vị này đã huy động tối đa công nhân để thi công công trình trên tuyến. Các công nhân làm việc 3 ca 4 kíp để sớm đưa dự án về đích đúng thời hạn.
Việc tuyến cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt được thông xe kỹ thuật kết nối cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu vào thời gian tới sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội tới Vinh xuống còn khoảng 3 giờ đồng hồ.
Tổng mức đầu tư dự án này là 11.157 tỷ đồng (Nguồn ảnh: Báo Tiền phong)
Đối với tuyến cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, do mới ở giai đoạn thông xe kỹ thuật nên sẽ giới hạn một số loại phương tiện. Trong đó, chỉ cho phép các loại xe ô tô có trọng tải dưới 10 tấn được phép lưu thông. Tốc độ tối đa xe được di chuyển là 90km/h, tốc độ tối thiểu là 60km/h. Riêng đoạn 2 đầu hầm Thần Vũ (dài khoảng 7km) các phương tiện sẽ chỉ được đi với tốc độ tối đa 80km/h, trong hầm tốc độ 70km/h.
Theo đại diện chủ đầu tư, đoạn còn lại của dự án, từ QL46B đến Bãi Vọt dự kiến sẽ được thông xe vào khoảng tháng 9 năm nay.
Lệ Giang (T.h)