Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) cho biết đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cầu Cần Thơ 2 nằm về phía hạ lưu cầu Cần Thơ hiện tại khoảng 4,5km.
Với điểm đầu kết nối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và điểm cuối nối vào cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tại nút giao IC2 trên địa bàn TP Cần Thơ.
Chiều dài cầu dự kiến khoảng 14,65km, dự kiến đầu tư xây dựng trước năm 2030.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết theo quy hoạch được duyệt của Thủ tướng Chính phủ, cầu Cần Thơ 2 có quy mô 4 làn xe với mặt cắt ngang 24,75m.
Tuy nhiên, để đảm bảo nhu cầu phát triển giao thông của khu vực, dự án đang được nghiên cứu bổ sung các phương án quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe hạn chế và 6 làn xe hoàn chỉnh.
|
Phối cảnh cầu Cần Thơ 2. Ảnh: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận |
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ 2 vượt luồng chính sông Hậu dự kiến có khổ thông thuyền rộng 300m, tĩnh không luồng chính tương đương cầu Cần Thơ 1. Nhịp chính của cầu được thiết kế với kết cấu dây văng song song với tiến trình đầu tư tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
Chiều dài nhịp chính cầu Cần Thơ 2 được chủ đầu tư nghiên cứu hai phương án.
Phương án 1: Đầu tư cầu đường bộ cao tốc và đường sắt cao tốc đi độc lập theo quy mô 4 làn xe.
Theo đó, tổng mức đầu tư cho cầu đường bộ cao tốc khoảng 19.700 tỷ đồng và cầu đường sắt cao tốc khoảng 14.000 tỷ đồng. Với phương án này, cầu dây văng sẽ dài hơn 1km, trong đó chiều dài nhịp cầu chính 550m. Trong trường hợp điều chỉnh quy mô đầu tư 6 làn xe, tổng mức đầu tư cầu đường bộ cao tốc khoảng 22.300 tỷ đồng.
Phương án 2: Đầu tư cầu đường bộ cao tốc và đường sắt kết hợp theo quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 27.900 tỷ đồng. Với phương án này, cầu dây văng dài hơn 1,1km, trong đó chiều dài nhịp cầu chính là 550m. Trường hợp điều chỉnh quy mô đầu tư 6 làn xe thì tổng mức đầu tư khoảng 32.300 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng cho biết đã nghiên cứu các phương án đầu tư bằng ngân sách nhà nước, ODA hoặc PPP.
"Dự án đã thực hiện chạy mô hình mô phỏng giao thông trong tương lai và đã nghiên cứu bổ sung các giải pháp về vị trí kết nối vào cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ để lựa chọn phương án tối ưu" - đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin.
Ngoài ra, dự án còn được nghiên cứu kỹ lưỡng giải pháp đường dẫn là cầu cạn đảm bảo giảm ảnh hưởng khu vực dân cư hai đầu cầu theo Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng tỉ lệ lựa chọn phương án cầu cạn bê tông cốt thép ngay từ khâu thiết kế.
Việc hoàn thành đầu tư cầu Cần Thơ 2 sẽ phát huy hiệu quả các dự án kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đó là hoàn thiện việc kết nối tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, thông toàn bộ tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Cà Mau.
Đồng thời, công trình này kết nối với các tuyến cao tốc trục ngang, quốc lộ trong khu vực, giải tỏa ách tắc và giảm tai nạn giao thông.