Theo doanh nghiệp dự án, để hoàn thành việc đào thông hai nhánh hầm Thất Khê dài 200m năm trên địa bàn huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn), đội ngũ kỹ sư và công nhân đã vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt về về địa chất, đạt tốc độ thi công trung bình 2,73 md/ngày.
Như vậy, đến hiện tại, toàn bộ 2 công trình hầm xuyên núi quan trọng trên tuyến cao tốc đã hoàn thành công tác đào. Đây là cơ sở quan trọng để dự án thi đua về đích năm 2025 theo mục tiêu đề ra.
Ngay sau khi hầm Thất Khê được đào thông, lực lượng thi công sẽ triển khai các công đoạn tiếp theo như đào hạ nền, gia cố, lắp đặt ván khuôn để đổ bê tông vỏ hầm, lắp đặt hệ thống thiết bị ITS.
|
Hai ống hầm Thất Khê vừa được đào thông. |
Trước đó, cũng trong tháng 1/2025, hầm Đông Khê cũng đã được đào thông vượt tiến độ 2 tháng.
Chia sẻ về những thách thức trong quá trình thi công hai hầm Đông Khê và Thất Khê, đại diện nhà đầu tư trong liên danh cho biết, vị trí thi công hai hầm nằm trên khu vực có địa chất núi đá vôi phức tạp thuộc vùng núi Đông Bắc.
Không những thế, địa hình hiểm trở và dốc cao đã đặt ra nhiều khó khăn về việc bố trí mặt bằng thi công, đường công vụ tiếp cận.
Do đó, doanh nghiệp dự án và các đơn vị tư vấn giám sát cùng nhiều chuyên gia đã nỗ lực phối hợp tìm ra giải pháp ứng phó kịp thời.
Để vượt qua những khó khăn này, đội ngũ kỹ sư và công nhân trên công trường Đồng Đăng – Trà Lĩnh đã tìm ra nhiều giải pháp sáng tạo trong quá trình thi công như: Cải tiến các hộ chiếu nổ mìn để giảm thời gian thi công nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả; Công tác bảo trì và sửa chữa máy móc được chú trọng, duy trì ổn định hiệu quả, năng suất thi công.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121 km, được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đầu tư với chiều dài hơn 93 km, điểm đầu tại nút giao Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng), với điểm nhấn là hai hầm xuyên núi Đông Khê và Thất Khê.