Đề xuất chi hơn 152.000 tỷ đồng mở rộng các tuyến cao tốc Bắc - Nam lên 6 làn xe

HUYỀN SÂM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Bộ Xây dựng vừa gửi báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 từ 2 làn xe, 4 làn xe hạn chế lên 6 làn xe hoàn chỉnh với tổng số vốn đầu tư dự kiến hơn 152.000 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có điểm đầu tại cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, điểm cuối tại TP Cà Mau, tổng chiều dài khoảng 2.055km, quy mô từ 6-12 làn xe. Đến nay, toàn tuyến đã đưa vào khai thác 1.206km, đang thi công 834km (hoàn thành năm 2025).

Hiện nay, các Dự án đầu tư đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông có 1.163km đã và đang đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, 99km đang khai thác với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; 113km đang đầu tư mở rộng quy mô cao tốc 4-6 làn xe.

De xuat chi hon 152.000 ty dong mo rong cac tuyen cao toc Bac - Nam len 6 lan xe - Hinh anh 1
 Một số tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư phát sinh bất cập cần sớm đầu tư nâng cấp.

Căn cứ thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, nhu cầu vận tải trong thời gian tới dự kiến sẽ tăng nhanh, Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ đầu tư nâng cấp các tuyến cao tốc có quy mô phân kỳ. Trong đó, kiến nghị ưu tiên nâng cấp, hoàn thiện các tuyến cao tốc 2 làn xe, 4 làn xe hạn chế do quá trình khai thác một số tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư phát sinh một số bất cập.

Bộ Xây dựng đề xuất, trước mắt, xem xét đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc lên 6 làn xe trong phạm vi cao tốc Bắc-Nam phía Đông thuộc đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, chiều dài đầu tư khoảng 1.144km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 152.135 tỷ đồng.

Riêng các đoạn tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau, dài 149km hiện nhu cầu vận tải chưa lớn; điều kiện thi công khó khăn; vật liệu hiện nay đang thiếu hụt sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ, tăng chi phí đầu tư nên chưa được nghiên cứu mở rộng, sau này sẽ tách thành dự án riêng.

Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài phạm vi bao gồm cả giai đoạn 1 để áp dụng chung các cơ chế đặc thù đẩy nhanh tiến độ.

Dự kiến sau khi được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ báo cáo Bộ Chính trị chủ trương đầu tư mở rộng tháng 4/2025; phê duyệt chủ trương/điều chỉnh chủ trương đầu tư tháng 6/2025 (trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025); phê duyệt dự án thành phần tháng 9/2025; phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán tháng 11/2025 và khởi công dự án quý 4/2025.

Với các dự án hiện đang do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư hoặc đang thu phí sẽ tiếp tục giao VEC chịu trách nhiệm huy động vốn đầu tư mở rộng theo quy mô quy hoạch tùy thuộc vào nhu cầu vận tải (không bao gồm đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành); các dự án BOT sẽ do nhà đầu tư tiếp tục xem xét đầu tư mở rộng vào thời điểm thích hợp tùy thuộc phương án tài chính, nhu cầu vận tải.

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h

https://portal.adbro.me/publishers/0fb2a970-b322-45d8-8ab2-530540d840b4/sites/57721325-de31-4891-b821-00d0d5d4883b/codes/