Tối ưu hoá hiệu suất
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, TP và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông thông minh trên các tuyến đường bộ cao tốc.
Bộ GTVT nhấn mạnh, ITS giúp tăng khả năng kết nối giữa con người, phương tiện và kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc, nhằm tối ưu hóa hiệu suất khai thác, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả, tiện lợi và thân thiện với môi trường.
Đơn cử, một số tuyến đường đã được hoàn thiện hệ thống ITS trong quá trình đầu tư xây dựng dự án và được đưa vào hoạt động đồng bộ ngay khi các tuyến đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả trong quá trình quản lý, vận hành khai thác và bảo trì, nâng cao năng lực thông hành và đảm bảo an toàn giao thông.
|
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được trang bị hệ thống giao thông thông minh có tổng mức đầu tư 756,1 tỷ đồng và 1, 5 tỷ Yên Nhật từ năm 2017. Ảnh minh hoạ. |
Từ năm 2017, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã đưa vào hoạt động Trung tâm quản lý điều hành giao thông (ITS) trên tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây dài 55km.
Theo đó, hệ thống giao thông thông minh trang bị 68 camera được lắp đặt dọc tuyến giúp nhân viên giám sát nhận biết mật độ phương tiện đang lưu thông trên tuyến, nhanh chóng phát hiện các sự cố giao thông xảy ra trên tuyến một cách chính xác.
Toàn bộ dữ liệu hình ảnh, video trên tuyến được truyền về Trung tâm điều hành ITS và được nhân viên trực, theo dõi, xử lý 24/24h. Qua đó, chủ động và nâng cao công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, công an địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông, cứu hộ giao thông, cứu hộ y tế... trong công tác xử lý vi phạm, cứu hộ, cứu nạn trên đường cao tốc.
Bên cạnh đó, hệ thống bảng thông tin điện tử (VMS) cũng cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về điều kiện của tuyến đường, thông tin thời tiết và tình trạng lưu thông trên đường cao tốc, hỗ trợ tài xế nắm đầy đủ thông tin tuyến, làm chủ tốc độ khi lưu thông qua đoạn đường có sự cố hay thời tiết xấu.
Đồng thời, cung cấp cho các tài xế thông tin về tình hình giao thông trên tuyến qua hình thức Internet. Các tài xế sẽ nhận biết tình hình giao thông qua 2 màn hình khổ lớn, qua đó chọn lựa lộ trình di chuyển thích hợp.
Hệ thống ITS cũng cung cấp đầy đủ hình ảnh, thông tin các trường hợp vi phạm cho lực lượng chức năng xử lý, xử phạt...giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho các tài xế.
Từ kết quả này, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về xây dựng, các chủ đầu tư, tư vấn rà soát, nghiên cứu triển khai đầu tư xây dựng hệ thống ITS và trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến đáp ứng yêu cầu khai thác đường bộ cao tốc.
Triển khai trên toàn quốc
Trong Đề án định hướng trong đầu tư, vận hành khai thác hệ thống giao thông thông minh trên đường cao tốc, Bộ GTVT xác định, hệ thống ITS trên đường cao tốc cần được quy hoạch, triển khai, quản lý đồng bộ và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Trước đó, tại cuộc họp triển khai đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ và hệ thống giao thông thông minh của bộ vào ngày 21/2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các ban quản lý dự án với trách nhiệm là chủ đầu tư, khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành hệ thống ITS và Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến để đảm bảo hoạt động đồng bộ khi cao tốc khánh thành và đi vào khai thác.
“Quá trình lựa chọn nhà thầu đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm. Công nghệ, thiết bị được đầu tư đồng bộ, hiện đại và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu tiếp tục để chậm trễ và chất lượng dự án không đảm bảo” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Bộ GTVT yêu cầu trang thiết bị của hệ thống giao thông thông minh phải đảm bảo hiện đại, áp dụng các công nghệ tiên tiến. Đồng thời kết nối đồng bộ, hiệu quả giữa các trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến với trung tâm quản lý quốc gia. Lộ trình triển khai thực hiện mô hình đề xuất phù hợp với điều kiện Việt Nam, tương thích kết nối với chuẩn hệ thống ITS trên thế giới. Hệ thống đảm bảo hiệu quả khai thác đường cao tốc, nâng cao năng lực quản lý điều hành của ngành GTVT.
Trong giai đoạn 2023-2025, Bộ GTVT sẽ xây dựng quy hoạch hệ thống ITS quốc gia và kiến trúc ITS quốc gia đến năm 2030. Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn sử dụng cho đầu tư, khai thác hệ thống ITS. Tiếp tục chuẩn bị và thực hiện đầu tư đối với hệ thống ITS cho các tuyến cao tốc đã và đang đầu tư.
Bộ GTVT sẽ hoàn thiện, thống nhất mô hình các giai đoạn phát triển của hệ thống thu phí không dừng (ETC). Hệ thống ETC được đầu tư phải đảm bảo phù hợp điều kiện và đồng bộ trên toàn hệ thống đường cao tốc.
Giai đoạn 2025-2030, Bộ sẽ triển khai xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia; kết nối với các trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến. Từ đó vận hành trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia đối với hệ thống đường cao tốc.
Giai đoạn sau 2030, hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc tiếp tục được đầu tư hoàn chỉnh; kết nối các trung tâm ITS tuyến thuộc địa phương về trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia. Trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia sẽ được vận hành trên phạm vi toàn quốc.
Khi đầu tư hệ thống ITS và trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến, Bộ GTVT đề nghị cần tuân thủ các tiêu chuẩn hiện hành và Đề án định hướng trong đầu tư, vận hành khai thác hệ thống giao thông thông minh trên đường bộ cao tốc đã được Bộ GTVT chấp thuận.