Phát hiện hơn 6.000 xe quá tải
Theo quy định tại Nghị định số 25/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2014/NĐ-CP về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương về phương án đầu tư xây dựng và khai thác hệ thống kiểm tra tải trọng trên các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Theo Bộ GTVT, tình trạng xe quá tải lưu thông trên đường bộ dù đã giảm nhưng vẫn còn diễn ra, nhất là ở các đoạn tuyến không có sự tuần tra, kiểm soát của cơ quan chức năng hoặc chưa được bố trí hệ thống kiểm tra tải trọng.
Thời gian qua, Bộ GTVT đã tập trung rà soát, tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về công tác kiểm soát tải trọng xe. Yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức rà soát, hoàn thiện các điều kiện cần thiết và đưa 4 bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động tại Km78/QL5 thuộc địa phận TP Hải Phòng vào sử dụng theo quy định; hướng dẫn khắc phục các tồn tại, bất cập của các hệ thống cân động tại các trạm thu phí để tăng cường hiệu quả xử phạt.
Kể từ thời điểm thực hiện nghị quyết của Quốc hội đến nay, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và lực lượng thanh tra giao thông đã sử dụng cân xách tay kiểm tra 61.269 xe. Trong đó có 6.150 xe vi phạm, tước 1.632 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 90,6 tỷ đồng.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để giảm thiểu tình trạng xe quá tải, nhưng đây vẫn là vấn đề nhức nhối trên một số tuyến từ tỉnh lộ, quốc lộ cho đến đường cao tốc.
Các tài xế sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn tránh kiểm tra. Việc xe quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đường bộ sẽ gây hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng cho các công trình.
"Vì vậy, cùng với kiểm soát tải trọng từ nguồn cung, tăng cường xử lý lưu động, việc nghiên cứu và sớm đầu tư hệ thống kiểm tra tải trọng trên các tuyến cao tốc là cần thiết để bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và đảm bảo an toàn giao thông.” – chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Trước đó, nhấn mạnh sự cần thiết đầu tư xây dựng và khai thác hệ thống kiểm tra tải trọng trên các tuyến cao tốc, đại diện Bộ GTVT cho hay, việc nghiên cứu, sớm tổ chức đầu tư xây dựng hệ thống kiểm tra tải trọng trên các tuyến đường bộ cao tốc nhằm góp phần bảo vệ các tuyến đường bộ và đường cao tốc đang khai thác sử dụng.
Đồng thời, giúp kiểm soát, ngăn ngừa tối đa việc xe quá tải lưu thông, nâng cao hiệu quả đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia, góp phần thúc đẩy ổn định phát triển kinh tế - xã hội, giảm bớt chi phí bảo trì cho ngân sách nhà nước.
Sớm đầu tư trên các tuyến cao tốc
Trước đó, Bộ GTVT đã đồng ý với đề xuất sử dụng hệ thống cân tự động trên các tuyến cao tốc hoạt động được ở tốc độ thấp và tốc độ cao, đạt cấp chính xác tối thiểu F10 theo quy định của pháp luật về đo lường và đáp ứng quy định tại quy chuẩn về trạm kiểm tra tải trọng xe.
Khi xe qua hệ thống cân, nếu phát hiện quá tải sẽ được thông báo hiển thị tự động trên màn hình điện tử, lái xe có trách nhiệm đưa xe ra khỏi đường cao tốc thông qua tuyến nhánh rẽ phải xuống đường gom hoặc đường nhánh được đầu tư xây dựng dành riêng cho xe quá tải bị từ chối cung cấp dịch vụ đi lại trên đường cao tốc.
Chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng góp ý thêm: “Việc đầu tư hệ thống cân tự động kiểm soát tải trọng ô tô cần được nghiên cứu và thực hiện sớm để đạt được sự đồng bộ trong đầu tư. Qua đó, các chủ đầu tư cũng có sự chủ động tính toán trong quá trình xây dựng đối với các vấn đề kỹ thuật có liên quan, đảm bảo việc vận hành về sau thuận lợi, hiệu quả”.
Hiện Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, bảo trì, vận hành, khai thác các hệ thống kiểm tra tải trọng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu đầu tư hệ thống kiểm tra tải trọng đối với các tuyến cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước đã hoàn thành đưa vào sử dụng bằng nguồn kinh phí bảo trì công trình.
Tiến tới liên thông dữ liệu để làm căn cứ xử phạt, các cơ quan quản lý như Cục đăng kiểm cũng cần rà soát hạ tầng cơ sở dữ liệu của phương tiện cơ giới đường bộ.
Tiến hành bổ sung, nâng cấp, đảm bảo việc kết nối các hệ thống kiểm tra tải trọng với cơ sở dữ liệu đăng kiểm. Khi hệ thống cân tự động trên các tuyến cao tốc đưa vào sử dụng sẽ sẵn sàng để đáp ứng yêu cầu trích xuất dữ liệu xử lý vi phạm.
Trong giai đoạn hiện nay, để phối hợp với lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả kiểm soát xe quá tải trọng trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ và cao tốc, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tiếp tục tăng cường thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe.
Các Sở GTVT phối hợp với sở, ngành của địa phương tăng cường kiểm soát tải trọng xe tại các cơ sở đầu nguồn hàng, mỏ vật liệu, cảng, bến thủy nội địa...
Kiện toàn, bố trí lực lượng và tiếp tục duy trì hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, sử dụng cân xách tay, thiết bị ghi hình để kiểm tra, xử phạt. Qua đó, lập lại ý thức cho chủ hàng, chủ phương tiện, tài xế trong việc thực hiện nghiêm các quy định về tải trọng xe, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và an toàn giao thông trên mọi tuyến đường.
Huyền Sâm