Điều này càng cấp thiết hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang làm gia tăng các hiện tượng thiên tai khốc liệt. Điển hình là một số tỉnh miền Bắc nước ta, trong đó có Hà Nội vừa phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra.
Ảnh hưởng nặng nề
Cơn bão số 3 quét qua Hà Nội gây thiệt hại lớn về nhiều mặt, ngoài hàng chục nghìn cây xanh bị gãy đổ, còn nhiều thiệt hại khác liên quan đến tài sản, phương tiện của người dân. Anh Nguyễn Nhật Trường, khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai cho biết, trong những ngày cơn bão đổ bộ, nhiều chủ phương tiện ô tô đỗ, dừng dưới các cây xanh, trụ đèn hoặc cột điện đã rất lo lắng cho tài sản của gia đình mình. Bởi với chiều dài, cùng khối lượng lớn của cây xanh, trụ đèn, cột điện như vậy một khi đã đổ xuống thì hậu quả rất khó lường.
Cũng theo anh Trường mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng báo, đài, cùng với đó chính quyền các cấp địa phương thường xuyên cảnh báo về mức độ nguy hiểm của cơn bão, tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người dân di chuyển phương tiện để tránh gió bão. Thế nhưng, có một thực tế hiện nay tại các khu vực tập trung đông dân cư như Định Công, Linh Đàm (quận Hoàng Mai) hay các quận nội thành khác việc tìm một bãi đỗ xe bảo đảm an toàn thực sự là không dễ và nếu tìm được bãi đỗ đủ điều kiện thì cũng đã kín hết phương tiện. Do vậy, nhiều gia đình chỉ còn giải pháp là đỗ, dừng bền lề đường vốn có nhiều cây xanh.
Qua những hình ảnh sau bão được đưa lên các phương tiện truyền thông cho thấy, có không ít cây bị gãy đổ đã đè trực tiếp lên những chiếc ô tô. Và quả thực khi nhìn cảnh tượng không còn nguyên vẹn của những chiếc xe bị cây đổ trúng làm biến dạng thật không khỏi xót xa, tiếc nuối cho khối tài sản mà đối với nhiều gia đình cả đời mới tích cóp, dành dụm được.
Trao đổi về vấn đề này, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng (Bộ Xây dựng), PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại cho tài sản của người dân sau mỗi trận bão lũ đó là Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành chưa đẩy mạnh phát trển không gian ngầm, trong đó có bãi đỗ xe ngầm. Tại Hà Nội, nhiều dự án khu đô thị, chung cư cao tầng mọc lên nhưng không có tầng hầm, một số nơi có tầng hầm nhưng chỉ để được xe máy, ví dụ như khu Linh Đàm. Hàng loạt các block chung cư mọc lên nhưng lại không bố trí bãi đỗ xe hoặc nếu có bãi đỗ thì phần lớn là trên mặt đất, trong khi quỹ đất dành cho vị trí này lại không có nhiều.
Đối với khu vực các quận nội đô có mật độ dân cư đông đúc đi kèm là các căn chung cư cũ được xây dựng từ những thập niên 60 của thế kỷ trước cũng không bố trí không gian ngầm cho các phương tiện. Vì vậy người dân sinh sống tại đây vẫn phải tận dụng bãi đỗ xe ở các góc công viên, lòng đường, vỉa hè, nơi có nhiều gốc cây xanh dẫn đến khi mưa bão không có chỗ trú ẩn an toàn cho xe.
Điều đáng nói, trong quá trình xây dựng các khu chung cư, khu đô thị việc đầu tư không gian ngầm phải bỏ thêm một nguồn kinh phí tương đối lớn để xây dựng nên các chủ đầu tư thường bỏ qua vấn đề này. Khi không có bãi đỗ xe ngầm tại nhiều tòa nhà buộc phải bố trí chỗ đỗ xe trên mặt đất ngay trong khuôn viên không gian công cộng… Đơn cử như chung cư số 183 Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân) hầu hết các cư dân phải tận dụng khoảng không gian trống khu vực vỉa hè, lề đường, không gian công cộng để đỗ xe. Do đó, có thể khẳng định việc chậm phát triển không gian ngầm dẫn đến những hệ lụy như là vấn đề ngập úng đô thị; quá tải hạ tầng; các phương tiện dừng đỗ gây mất mỹ quan đô thị, cản trở và gây ùn tắc giao thông…
Cởi trói không gian ngầm
Nói về ý nghĩa, vai trò của việc phát triển không gian ngầm, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến khẳng định, việc sử dụng, khai thác và phát huy hiệu quả không gian ngầm mang lại rất nhiều lợi ích. Cụ thể, đầu tiên dễ nhận thấy đó là nâng cao hiệu quả và chất lượng của quy hoạch đô thị, tổ chức lại không gian xây dựng đô thị; nâng cao giá trị sử dụng đất và sử dụng hợp lý quỹ đất đô thị để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình công cộng; góp phần hình thành và phát triển thị trường bất động sản ngầm. Ngoài ra, việc phát triển không gian ngầm còn góp phần giải quyết các vấn đề giao thông đô thị; khai thác có hiệu quả tài nguyên đất; giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường. Đặc biệt quan trọng hơn là nó tạo ra hiệu quả về an toàn, an ninh quốc phòng. Theo đó các công trình ngầm được sử dụng như một hệ thống phòng thủ an toàn khi có thiên tai hoặc chiến tranh xảy ra...
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển không gian ngầm. Cụ thể và rõ nhất là từ năm 2010 TP đã có chủ trương hạ ngầm hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc, công trình cấp nước, thoát nước, phát triển các đường hầm Kim Liên, Đại lộ Thăng Long, Nguyễn Trãi và khoảng 20 hầm ngầm cho người đi bộ… Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu phát triển của một đô thị hiện đại, xây dựng một Thủ đô mang tầm vóc lớn trong khu vực và trên thế giới, TP cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa không gian ngầm. Để hiện thực hóa mục tiêu này trên cơ sở của Quyết định 1259/QĐ-TTg của Chính phủ năm 2011, Hà Nội đã lập Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP. Trong đó, đưa ra định hướng quy hoạch các tuyến tàu điện ngầm, ga ngầm, hệ thống các công trình ngầm, bãi đỗ xe ngầm...
Tới đây trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, TP Hà Nội thêm một lần nữa sẽ cụ thể rõ từng vị trí, từng địa địa điểm phát triển không gian ngầm. Thế nhưng, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến nhấn mạnh, bên cạnh việc quan tâm đến không gian ngầm, quan tâm đến tổ chức triển khai các quy hoạch không gian ngầm thì TP cần đặc biệt chú ý đến điều kiện về kỹ thuật, công nghệ, năng lực quản lý, điều kiện tài chính...
Trong đó, việc khảo sát, thi công, xây dựng, bảo trì các công trình ngầm đòi hỏi công nghệ cao và trình độ kỹ thuật ở mức cao. Các công trình xây dựng ngầm thường phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao về độ bền, khả năng thông khí, khả năng vận hành thuận tiện, tính an toàn trong mọi điều kiện kể cả khi có thiên tai (động đất, lũ lụt), thảm họa cháy nổ.
Như vậy, TP cần có những chương trình, đề án, dự án nghiên cứu khoa học và chuyển giao các công nghệ hiện đại phục vụ cho thi công xây dựng và vận hành nhằm đáp ứng nhu cầu về xây dựng công trình ngầm. Nâng cao năng lực quản lý vận hành khai thác các công trình ngầm. Đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân có đủ năng lực tiếp nhận công nghệ hiện đại để vận hành khai thác có hiệu quả; xây dựng cơ sở dữ liệu không gian ngầm đô thị; thực hiện chuyển đổi số trong quản lý lĩnh vực này. Về điều kiện tài chính TP cần xác định việc đầu tư ban đầu vào xây dựng công trình ngầm đòi hỏi một nguồn vốn rất lớn và vì vậy cần có một cơ chế đặc thù cho đầu tư lĩnh vực nói trên, cũng như huy động các nguồn lực khác trong đầu tư, xây dựng...
Để đẩy nhanh quá trình phát triển không gian ngầm, trước mắt, TP Hà Nội cần xem xét, nghiên cứu sử dụng vốn ngân sách làm nguồn vốn “mồi” đầu tư một số công trình ngầm, bãi đỗ xe ngầm. Để một mặt giảm bớt tình trạng quá tải về hạ tầng bãi đỗ xe cho các địa bàn đông dân cư, mặt khác tạo hiệu ứng lan tỏa trong việc mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng (Bộ Xây dựng), PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến
Huy An